BienDong.Net: Vấn đề Biển Đông hầu như không ngày nào là không có trên mặt báo của các nước trong khu vực và báo chí các nơi khác trên thế giới.
Người ta nói về những hội nghị, diễn đàn, hội thảo quốc tế bàn về giải pháp cho Biển Đông. Người ta nói về phát ngôn của các nhân vật chính trị trong các cuộc viếng thăm ngoại giao, các phát biểu của các chuyên gia, học giả phân tích, đánh giá về tình hình Biển Đông. Người ta cũng nói đến những động thái quân sự, dân sự cụ thể xảy ra trên vùng biển này.Tình hình Biển Đông luôn đầy ắp những sự kiện. Nào là việc Philippines phát hiện Trung Quốc thả 75 trụ bê tông ở bãi cạn Scarborough nhằm tính kế hiện diện lâu dài ở bãi cạn đang tranh chấp với Philippines; Trung Quốc tăng cường diễn tập quân sự với quy mô lớn, củng cố các hoạt động mang tính dân sự cho “thành phố Tam Sa” ở quần đảo Hoàng Sa; Tầu Trung Quốc khơi luồng lạch để vào bãi đã Subi, Gạc Ma, mà Trung Quốc cướp của việt Nam năm 1988; Tầu chấp pháp Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông với số lượng lớn, bảo vệ ngư dân Trung Quốc tràn xuống Biển Đông đánh bắt cá, tranh chấp ngư trường với ngư dân các nước khác; Những hoạt động của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách “đường lưỡi bò” kỳ dị và phi lý trên Biển Đông…
Lãnh đạo Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế khi nói về Biển Đông thường nói rất hay, giọng rất mềm mỏng, hòa bình. Cách đây chưa lâu, Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc, trong diễn văn khai mạc Hội chợ thương mại Trung Quốc – ASEAN lần thứ 10 tại Nam Ninh đầu tháng 9 vừa qua còn khẳng định, nước này muốn có được một giải pháp hoà bình cho các tranh chấp lãnh thổ trên trên Biển Đông với các nước Đông Nam Á, rằng “Trung Quốc luôn ủng hộ đàm phán giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dựa trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và pháp luật quốc tế. Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng đảm bảo việc tìm kiếm một giải pháp thích hợp thông qua tham vấn hữu nghị”.
Ấy vậy, nhưng ở Trung Quốc người ta thấy rõ ràng tồn tại tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “trên bảo dưới không nghe”.
Trong khi Trung Quốc và ASEAN đang cùng nhau bàn về đường hướng, nội dung và lộ trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), trong khi các nước nói về những chương trình hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, chống thiên tai, cướp biển trên biển… với mục đích làm sao để Biển Đông có thể bình yên, mang lại hòa bình, ổn định và phát triển cho chẳng riêng một quốc gia nào trong khu vực này, thì chính tại Trung Quốc, ở trên các phương tiện truyền thông, cả chính thống lẫn không chính thống lại nghe đầy tai những giọng nói hung hăng, lạc điệu của mấy tay, cũng gọi là tướng, tá Trung Quốc, cũng có chức quyền này kia, nhưng mở mồm ra là sử dụng những ngôn từ thiếu văn hóa, lỗ mãng, thiếu suy nghĩ, coi những nước khác chẳng ra gì. Thiết nghĩ cũng phải kể ra mấy tay để mọi người biết, mà cảnh giác với lời lẽ vô lối của chúng.
Đầu tiên là Chu Thành Hổ, thiếu tướng, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc, một nhân vật khá nổi tiếng của phe diều hâu của Trung Quốc, được biết đến là cháu ngoại của nguyên soái Chu Đức, một vị khai quốc công thần Trung Quốc.
Chu Thành Hổ có đặc điểm là chỉ chờ ở đâu có căng thẳng là nhảy vào “đổ thêm dầu vào lửa” bằng những phát ngôn hung hăng, ngông cuồng, bất chấp cả đạo lý lẫn pháp lý. Khi tham dự một cuộc hội thảo về Biển Đông do Hiệp hội Châu Á tại Mỹ tổ chức, Chu Thành Hổ tuyên bố: “Trung Quốc hy vọng duy trì hiện trạng Biển Đông. Điều này có nghĩa là không một quốc gia nào được mở rộng chiếm lĩnh các đảo trên vùng biển này”. Cộng đồng quốc tế đều biết rõ rằng, trong lịch sử chính Trung Quốc mới là nước dùng vũ lực chiếm đóng trái phép nhiều đảo thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, gây hấn với Philippines ở bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây, và hiện nay Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự trên biển, gây nhiều vụ việc hăm dọa uy hiếp các nước láng giềng và chỉ chờ cơ hội là chiếm thêm đảo ở khu vực quần đảo Trường Sa. Chu Thành Hổ còn ngang ngược cho rằng những căng thẳng trong khu vực không phải do Bắc Kinh mà do Philippines, Việt Nam gây nên. Đúng là cái quân vừa ăn cướp vừa la làng.
Nhân vật diều hâu thứ hai là Bành Quang Khiêm, mang hàm thiếu tướng. Bành Quang Khiêm hiện là Phó Tổng thư ký Ủy ban Chính sách An ninh quốc gia, thuộc Hội nghiên cứu Khoa học chính sách Trung Quốc. Bành Quang Khiêm thường có các luận điệu cứng rắn nhưng mâu thuẫn về mối quan hệ với các nước láng giềng có tranh chấp trên Biển Đông, cũng như xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Bành Quang Khiêm từng ngạo mạn tuyên bố: “Trung Quốc từng dạy Việt Nam một bài học, nếu Việt Nam không chân thành sẽ còn nhận bài học lớn hơn”. Và đưa ra những phát ngôn hết sức ngang ngược và vô căn cứ về Biển Đông, rằng “Trước những năm 1970 thì tất cả đảo ở Biển Đông đều của Trung Quốc. Các nước như Việt Nam, Philippines đã tận dụng cơ hội Trung Quốc xảy ra Cách mạng văn hóa, thời điểm mà chính quyền không quan tâm đến các vấn đề khác để nhân đó đánh chiếm các đảo này”. Trong khi thực tế mọi người đều biết rằng chính Trung Quốc mới là kẻ đi gây hấn, dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988.
Nhân vật điều hâu thứ ba là Doãn Trác, Thiếu tướng Hải quân Trung Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Chuyên gia Hải quân, nghiên cứu viên của Hội Chiến lược Quốc tế Trung Quốc. Cũng như số đông các tướng diều hâu khác của Trung Quốc, Doãn Trác tuy đã về hưu nhưng là khách mời quen thuộc của các chương trình bình luận quân sự trên truyền hình. Doãn Trác là người lớn tiếng hô hào Trung Quốc sử dụng vũ lực quân sự trên Biển Đông trong vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough, cho rằng Trung Quốc cần “tăng cường sự hiện diện quân sự” ở Biển Đông và nên thành lập 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến đóng quân ở khu vực này. Doãn Trác ngang ngược tuyên bố Việt Nam bất tín, vô ơn, kêu gọi trừng phạt Việt Nam vì những hành động mà ông ta vu cáo là “vi phạm luật pháp quốc tế” của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền Việt Nam. Gần đây, Doãn Trác còn kêu gọi quân đội Trung Quốc “mạnh tay” với ngư dân Việt Nam đánh cá ở vùng biển các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với lý do hết sức xằng bậy rằng “sự có mặt của tàu cá Việt Nam là bất hợp pháp”.
Ngoài ba nhân vật diều hâu nói trên, còn phải kể đến các nhân vật khác như La Viện, một viên tướng đã về hưu, hiện đang làm Phó chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Văn hóa Chiến lược Trung Quốc, hay Thiếu tướng hải quân Trương Triệu Trung với những ý tưởng ngông cuồng về việc đòi dùng sức mạnh chặt đứt mọi nguồn ra Biển Đông của Philipines, hay Đới Húc, sinh năm 1964, thuộc “thế hệ mới” trong danh sách những quân nhân diều hâu của Trung Quốc, mang lon đại tá, hiện đang là giáo sư, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An toàn và Hợp tác trên biển của Đại học Quốc phòng Trung Quốc.
Những phát biểu trên giới truyền thông của mấy nhân vật diều hâu nói trên trong giới quân sự trung Quốc cho thấy họ chỉ cổ súy cho những hành động phiêu lưu về quân sự, không hiểu biết tình hình quốc tế, không hiểu biết về những nỗ lực của nhân loại tiến bộ cho một giải pháp hòa bình cho Biển Đông. Phát biểu của những nhân vật này có thể không đại diện cho quan điểm của chính giới Trung Quốc hay nhân dân Trung Quốc nhưng đã làm ảnh hưởng đến vai trò, uy tín của Trung Quốc trong mắt dư luận quốc tế, làm nghi ngờ về thái độ của Trung Quốc liên quan đến giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Những tuyên bố xằng bậy, lộng ngôn của loại tướng tá diều hâu này đặt ra câu hỏi phải chăng doTrung Quốc không kiểm soát được những phát ngôn thiếu hữu nghị, sặc mùi chiến tranh hay chính giới Trung Quốc chủ ý mượn những lời lẽ ngang ngược của những nhân vật này nhằm gián tiếp phô trương sức mạnh quân sự và hăm dọa các nước láng giềng. Hoặc có thể các tuyên bố mà đám diều hâu này đưa ra đều có sự giật dây, dung túng của cấp trên và họ chỉ thừa hành như con rối. Dẫu thế nào chăng nữa, phát ngôn xằng bậy của lũ tướng tá diều hâu Trung Quốc không thể che mắt hoặc lái dư luận Trung Quốc và dư luận quốc tế đi theo hướng khác, mà chỉ làm người ta thấy rõ hơn mặt trái của những tuyên bố có vẻ như trách nhiệm, hòa bình… của Trung Quốc chính là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, theo đuổi tư tưởng Đại Hán, không đếm xỉa đến quyền và lợi ích của các nước khác xung quanh Biển Đông.
BDN