Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếLịch sử là mắt xích yếu trong tuyên bố chủ quyền biển...

Lịch sử là mắt xích yếu trong tuyên bố chủ quyền biển đảo của Bắc Kinh

BienDong.Net: Trung Quốc nói rằng lịch sử hỗ trợ tuyên bố chủ quyền biển đảo của mình. Nhưng Trung Quốc thực sự có chủ quyền ở những vùng biển đó?

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông và đường chủ quyền của họ được in trong hộ chiếu mới của Trung Quốc và bản đồ chính thức.

Lãnh đạo Trung Quốc và người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước họ ngày càng nhấn mạnh rằng các đảo, bãi đá, và các rạn san hô ở Biển Đông là “lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại”. Thông thường, các yêu sách chồng lấn về ranh giới chủ quyền và hàng hải phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế, tố tụng tại Tòa án Công lý Quốc tế hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển, hoặc hòa giải theo Phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Trong khi Trung Quốc đã phê chuẩn UNCLOS và Công ước này bãi bỏ tuyên bố chủ quyền “dựa trên lịch sử” nhưng đó là chính là căn cứ mà Bắc Kinh luôn dùng để khẳng định chủ quyền. Vào ngày 04 tháng 9 năm 2012, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng có “rất nhiều bằng chứng lịch sử và pháp lý cho thấy Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận”.

Đa số các chuyên gia luật quốc tế đã kết luận rằng “tuyên bố chủ quyền dựa vào lịch sử” của Trung Quốc về Biển Đông, gồm quản lý chủ quyền và đặc quyền cho phép tàu bè đi lại qua vùng biển này, là phi lý và phi pháp. Các bằng chứng lịch sử của họ, nếu có, đều thiếu tính thuyết phục. Căn cứ Trung Quốc biện minh cho tuyên bố của mình đến hòn đảo và rạn san hô ở Biển Đông rất mâu thuẫn, ngay cả khi chúng có một chút tương đồng với luận điểm bành trướng mà Hoa Kỳ và các nước đế quốc Châu Âu đã áp dụng trong thế kỷ 18 – 19. Để bảo vệ quan điểm của Trung Quốc trong việc mở rộng biên giới lãnh hải của mình bằng cách tuyên bố chủ quyền tại các đảo và rạn san hô ở Biển Đông, giáo sư Gia Kinh Quốc tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần làm theo tiền lệ của phương Tây. Gần đây GS Gia còn nói với hãng tin AFP rằng “Chuyện này không có gì mới: Hoa Kỳ có đảo Guam ở Châu Á cách xa Mỹ và người Pháp có các đảo ở Nam Thái Bình Dương”.

Phân tích sâu hơn về các “bằng chứng lịch sử” trong tuyên bố của Trung Quốc cho thấy trên thực tế lịch sử không đứng về phía họ. Yêu sách của Bắc Kinh đối với quần đảo Trường Sa dựa trên cơ sở lịch sử rằng các vương triều trước đây đã không thực thi chủ quyền tại vùng biển này. Tại Châu Á thời tiền hiện đại, biên giới của các vương triều có đặc điểm là không xác định rõ ràng, không được bảo vệ nghiêm ngặt, và hay thay đổi. Thời đó bá quyền lấn át chủ quyền. Không giống như một quốc gia hiện đại, biên giới của các đế quốc Trung Hoa không được vạch định và tuần tra cẩn thận mà được mô tả như những vùng ranh nhằm bảo vệ trung tâm văn minh Thiên Triều khỏi các bộ tộc man ri ngoại bang. Quan trọng hơn, trong các tranh chấp lãnh thổ với láng giềng như Ấn Độ, Miến Điện và Việt Nam, Bắc Kinh luôn xác định rằng ranh giới đất liền của họ không được xác định rõ rành. Nhưng khi nói đến các đảo, bãi đá ngầm, và các rạn san hô ở Biển Đông, Bắc Kinh lại tuyên bố ngược lại. Nói cách khác, tuyên bố lịch sử của Trung Quốc rằng ranh giới đất liền của họ là bất định trái ngược hẳn với lập trường của họ rằng biên giới trên biển của Trung Quốc là xác định. Đây là một mâu thuẫn cơ bản không thể chấp nhận trong lập trường của Trung Quốc về ranh giới trên đất liền và trên biển. Trên thực tế, từ những năm giữa thế kỷ 20 Trung Quốc đã tập trung nỗ lực giải quyết mẫu thuẫn biên giới đất liền và biển đảo với các quốc gia láng giếng dựa trên khái niệm biên giới bá quyền. Nói đơn giản, chủ quyền biên giới rõ ràng là một khái niệm không có trong thời cổ đại mà chỉ được xác định với các quốc hiện đại sau giai đoạn đế quốc.

Khái niệm về chủ quyền bắt nguồn từ Châu Âu với việc ký kết Hiệp ước Westphalia năm 1648 chứ không phải từ Trung Quốc hoặc Châu Á. Đây là một khái niệm cho biên giới trên đất liền và không được áp dụng cho quốc gia ở Châu Á và Châu Phi cho đến giữa thế kỷ 20. Hệ thống Westphalia dựa trên khái niệm về bình đẳng pháp lý hay chủ quyền quốc gia với mốc giới rõ ràng không chỉ khác với quan niệm thời phong kiến ở Châu Âu, mà còn với các nhà nước bá quyền ở Châu Á, Ba Tư, Trung Quốc và Ấn Độ. Trước Hiệp ước Westphalia, các vương quốc ở Châu Âu và các nơi khác không tuyên bố và thực thi chủ quyền theo quan điểm hiện nay.

Lịch sử, như chúng ta biết, được viết bởi người chiến thắng, không phải bởi kẻ chiến bại. Biên giới hiện tại của Trung Quốc chủ yếu phản ánh ranh giới được thiết lập trong thời kỳ bành trướng ngoạn mục của nhà Thanh (Mãn Châu) trong thế kỷ 18 và dần dần định hình như hiện nay (ngoại trừ vùng Ngoại Mông do ảnh hưởng chủ yếu của Liên Xô), sau đó áp dụng hệ thống chủ quyền quốc gia Westphalia trên toàn Châu Á trong thế kỷ 19 – 20. Sử sách chính thống của Trung Quốc ngày nay thường bóp méo tiến trình lịch sử phức tạp này; họ tuyên bố rằng người Mông Cổ, Tây Tạng, Mãn Châu, và Hán đều là người Trung Quốc trong khi thực tế Vạn Lý Trường Thành được xây dựng bởi các triều đại Trung Quốc để tránh bị tấn công vì Mông Cổ và Mãn Châu ở phía bắc đã nhiều lần đánh bại người Hán; Vạn Lý Trường Thành thực sự đại diện cho rào chắn an ninh bên ngoài của các vương triều nhà Hán. Trong khi hầu hết các sử gia nhìn rõ rằng cuộc tấn công của quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn chỉ đạo trong những năm 1200 là khởi điểm đe dọa sự sống còn của nền văn minh cổ đại ở Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư và các quốc gia khác, người Trung Quốc đã xây dựng một huyền thoại rằng Thành Cát Tư Hãn là người “Trung Quốc”, và do đó tất cả các lãnh thổ mà người Mông Cổ (nhà Nguyên) đã chiếm đóng hoặc chinh phục (như Tây Tạng và phần lớn Trung và Nội Á) thuộc về Trung Quốc bằng cách lồng khái niệm về chủ quyền của Châu Âu ở thế kỷ mười sáu vào hoàn cảnh Châu Á ở thế kỷ mười hai. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Đài Loan và Biển Đông cũng dựa trên cơ sở là cả hai đều là một phần của đế chế Mãn Châu. (Thực ra, trong bản đồ của nhà Thanh, chỉ có đảo Hải Nam chứ không phải là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là lãnh thổ Trung Quốc). Trong phiên bản lịch sử này, bất kỳ lãnh thổ nào được chinh phục bởi “Người Trung Quốc” trong quá khứ đều là của Trung Quốc, bất biết được chiếm từ bao giờ.

Việc viết đi viết lại lịch sử theo góc độ dân tộc chủ nghĩa để thúc đẩy đoàn kết dân tộc và tăng cường tính hợp pháp của chế độ được coi là ưu tiên cao nhất của lãnh đạo Trung Quốc từ cả hai phe: Quốc gia và Cộng Sản. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cho mình là người thừa kế di sản của đế quốc Trung Hoa và thường sử dụng các biểu tượng và cách phát ngôn như là Thiên Triều. Từ sách giáo khoa tiểu học đến phim truyền hình lịch sử, hệ thống thông tin do nhà nước kiểm soát đã nhồi nhét các thế hệ người Trung Quốc những tư tưởng về một đế chế Trung Hoa vĩ đại. Khi nhà Hán học người Úc Geremie Barmé chỉ ra rằng, “Chính sách giáo dục và tuyên truyền của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã nhấn mạnh vai trò của lịch sử tới sự tồn vong của nhà nước Trung Quốc… trong khi chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông đã bị bỏ rơi hoàn toàn trừ cái tên, vai trò của lịch sử trong tương lai của Trung Quốc vẫn rất kiên định”. Vì vậy, các viện nghiên cứu, truyền thông đại chúng, và các cơ quan giáo dục do nhà nước kiểm soát đã ngụy tạo nhiều chứng cứ lịch sử như một công cụ bành trướng (điều này còn được gọi là “xâm lược bằng bản đồ”).

Trung Quốc cũng sử dụng văn hóa dân gian, thần thoại, truyền thuyết, dã sử, để củng cố yêu sách lãnh thổ và hàng hải lớn hơn và để tạo ra “thực tế” về biên giới trên đất liền và trên biển. Sách giáo khoa Trung Quốc giao giảng quan điểm rằng Thiên Triều là trung tâm vũ trụ có nền văn minh lâu đời nhất và tiên tiến nhất; các nước nhỏ xunh quanh đã bị Hán hóa một phần ở Đông và Đông Nam Á luôn phải khấu đầu tôn kính. Phiên bản của lịch sử Trung Quốc thường cố tình làm mờ đi sự khác biệt giữa ảnh hưởng bá quyền, quan hệ triều cống, quyền bá chủ ranh giới, thực tế kiểm soát lãnh thổ. Theo quan điểm ai đã làm chủ trong quá khứ thì kiểm soát được hiện tại hoạch định tương lai của mình, Bắc Kinh luôn đánh giá cao “lá bài lịch sử” (xem xét các chứng cứ lịch sử đã được viết lại) trong các nỗ lực ngoại giao để đạt được mục tiêu đối ngoại, đặc biệt là để khai thác nhượng bộ lãnh thổ từ các nước khác. Không lúc này thì lúc khác, hầu như tất cả các nước tiếp giáp với Trung Quốc như Mông Cổ, Tây Tạng, Miến Điện, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và Đài Loan đều bị chèn ép hoặc bằng quân sự hoặc theo quan điểm lịch sử viết lại của Trung Quốc. Martin Jacques đã lưu ý trong cuốn Khi Trung Quốc Thống Trị Thế Giới rằng “dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc hiện nay có hình hài và thể thức của Đế quốc Trung Hoa”. Nếu không được kiểm soát, sự ngạo mạn đế quốc hoặc nỗi khát khao trở lại quá khứ hào hùng có thể có dẫn đến những hậu quả khôn lường với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong khi quan điểm chủ quyền đất liền được hình thành từ thế kỷ 17 ở Châu Âu với Hiệp ước Westphalia, ý tưởng về chủ quyền biển phần lớn là bắt nguồn từ Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 20: Trung Quốc và những nước khác khai thác chúng để mở rộng lãnh thổ lãnh hải. Theo Jacques, “Ý tưởng về chủ quyền biển là một phát minh tương đối mới, tính từ năm 1945 khi Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ thực thi chủ quyền đối với vùng lãnh hải của mình”. Trên thực tế, sự đồng thuận trong Luật Biển của Liên Hợp Quốc đại diện cho nỗ lực quốc tế nổi bật nhất để áp dụng khái niệm chủ quyền biên giới trên đất liền đối với biên giới biển trên toàn thế giới – nhưng quan trọng là Luật này bác bỏ ý tưởng dùng lịch sử để bảo vệ tuyên bố chủ quyền biển. Vì vậy mặc dù Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với khoảng 80% Biển Đông dựa trên lý do rằng đây là “vùng nước lịch sử của mình” (và hiện đang tìm cách nâng cao tuyên bố này lên tầm “lợi ích cốt lõi” giống như với các tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và Tây Tạng). Tuyên bố chủ quyền theo lịch sử của Trung Quốc về Biển Đông có thể nói giống như Mexico tuyên bố Vịnh Mexico thuộc độc quyền mình, hay Iran tuyên bố như vậy với Vịnh Ba Tư, hay Ấn Độ tuyên bố như vậy với Ấn Độ Dương. Nói cách khác, tuyên bố như vậy không có giá trị gì cả. Từ quan điểm pháp lý, “việc sử dụng tên ‘Hoa Nam’ để chỉ vùng biển này không có nghĩa là ghi nhận chủ quyền lịch sử của Trung Quốc”. Những nước sử dụng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với các đảo đều phải được các nước liên quan đồng ý và dựa trên cách giải thích lịch sử mà các bên thống nhất nhưng cả hai yếu tố này đều không có trong trường hợp Biển Đông.

Các đế chế xưa hoặc giành quyền kiểm soát lãnh thổ thông qua xâm lược, thôn tính, đồng hóa hoặc bị mất chủ quyền về đối thủ có vũ khí tối tân hơn. Mở rộng và thu hẹp lãnh thổ được coi là tiêu chí xác định một đế chế là mạnh hay yếu. Khái niệm “hải đảo thiêng liêng” là phi lịch sử vì các đảo này hầu như đã được chuyền tay nhiều lần và việc kiểm soát hiện nay căn cứu vào việc nước nào chiếm được từ nước nào lần gần đây nhất. Biên giới của nhà Tần, Hán, Đường, Tống, và Minh đều thịnh rồi suy suốt chiều dài lịch sử. Đế quốc Trung Hoa khi mạnh, cũng giống như nước Nga thời Sa – Hoàng, đã bành trướng vào vùng Nội Á và Đông Dương khi cơ hội xuất hiện và sức mạnh cho phép. Việc mở rộng lãnh thổ Trung Hoa nhờ các triều đại ngoại Hán như nhà Nguyên (Mông Cổ) và nhà Thanh (Mãn Châu) đã khiến Trung Quốc kiểm soát được Tây Tạng và một phần Trung Á (nay là Tân Cương), Đài Loan và Đông Nam Á. Trung Quốc hiện nay trên thực tế là một “đế chế” đang đeo cái mặt nạ của một “quốc gia”.

Nếu chấp nhận “tuyên bố chủ quyền theo lịch sử” của Bắc Kinh thì sẽ gặp vấn đề là Trung Hoa không phải là đế chế duy nhất trên thế giới hay ở Châu Á thời cận đại. Thế giới còn có các đế chế và vương quốc khác. Nhiều quốc gia có thể “tuyên bố chủ quyền theo lịch sử” với những vùng đất hiện nay do Trung Quốc kiểm soát (ví dụ, vùng Gando ở tỉnh Cát Lâm trước kia thuộc về Triều Tiên). Trước thế kỷ thứ hai mươi, Châu Á không có các quốc gia có chủ quyền biên giới có tính pháp lý rõ ràng. Nếu các tuyên bố chủ quyền theo lịch sử của Trung Quốc là hợp lý thì Việt Nam và Philippines cũng có thể đưa ra các tuyên bố tương tự dựa trên lịch sử của họ. Ai học sử Châu Á đều biết rằng người Mã Lai, tổ tiên của người Philippines ngày nay có lý hơn Bắc Kinh để tuyên bố chủ quyền của đảo Đài Loan. Người Mã Lai khai phá Đài Loan đầu tiên và con cháu họ hiện đang sinh sống ở vùng đồng bằng ven biển của quốc đảo này. Chuyên gia nghiên cứu Châu Á Philip Bowring cho rằng “thực tế là người Trung Quốc có sử viết lâu dài không có nghĩa là lịch sử của họ đáng tin hơn các di sản sử học của các nước khác bằng hiện vật, ngôn ngữ, gia phả, gen di truyền, các bằng chứng về thương mại và di dân”.

Trừ khi công nhận Trung Quốc là ngoại lệ, “tuyên bố chủ quyền theo lịch sử” của đế chế Trung Hoa cũng có giá trị như tuyên bố lịch sử của các nước khác trong khu vực Đông Nam và Nam Á. Vấn đề của căn cứ lịch sử là chọn điểm dừng ở đâu và quan trọng hơn là phiên bản lịch sử nào được coi là chính xác. Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với các quốc gia đã quy phục đế chế Mông Cổ và Mãn Châu tương đương với việc Ấn Độ tuyên bố chủ quyền với Afghanistan, Bangladesh, Miến Điện, Malaysia, Nepal, Pakistan và Sri Lanka vì những nước này đều thuộc lãnh thổ của đế chế Ashoka, Maurya, Chola, Moghul và Anh – Ấn. Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 13, quốc vương của Pallava và Chola ở miền Nam Ấn Độ xây dựng lực lượng hải quân lớn và chinh phạt thành công các vương quốc trong Vịnh Bengal ngày nay. Họ còn tiến theo đường biển để chinh phục Sri Lanka, Malaysia và Indonesia ngày nay. Trong nghiên cứu của mình về văn hóa chiến lược Ấn Độ, George Tanham nhận xét: “Trong cuộc chiến giành quyền thông thương giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu, các vua Cholas đã chiến thắng trong các trận hải chiến và cai trị các nước Đông Nam Á trong một thời gian”.

Các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là một sự thay đổi lớn từ định hướng địa chính trị làm bá chủ đất liền từ lâu đời của họ. Trung Quốc căn cứu vào các chuyến thám hiểm của Trịnh Hòa đến Ấn Độ Dương và Châu Phi vào đầu thế kỷ 15 để cho rằng họ có truyền thống hàng hải. Nhưng theo nhà nghiên cứu Bowring thì “Trung Quốc là kẻ hậu sinh trong nghề đi biển. Người Mã Lai mới là bậc thầy thám hiểm đại dương trong nhiều thế kỷ; họ đã chinh phục phần lớn thế giới từ Đài Loan, New Zealand và Hawaii ở phía nam và phía đông, đến Madagascar ở phía tây. Các con tàu bằng đồng của họ đã giao thương với Palawan, phía nam của Scarborough từ thời Khổng Tử. Khi khách hành hương Phật giáo từ Trung Quốc như Faxian đến Sri Lanka [miền Nam Ấn Độ] trong thế kỷ thứ V, họ đã đi trên các con tàu do người Mã Lai điều hành và sở hữu. Tàu thuyền đi từ Philippines ngày nay đã giao dịch ở Phù Nam, nay thuộc miền Nam Việt Nam, một ngàn năm trước khi nhà Nguyên hình thành”

Và cuối cùng, cái gọi là “tuyên bố chủ quyền theo lịch sử” của Trung Quốc đối với Biển Đông thực sự không phải đã có hàng “thế kỷ”. Tuyên bố này chỉ có từ năm 1947 khi chính phủ quốc dân của Tưởng Giới Thạch vẽ cái gọi là “đường 11 đoạn” trên bản đồ của Trung Quốc ở Biển Đông, bao quanh quần đảo Trường Sa và các chuỗi đảo khác nên chính quyền Quốc Dân Đảng tuyên bố vùng biển này bây giờ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Bản thân Tưởng Giới Thạch cho rằng ông ta thấy chủ nghĩa phát xít Đức là mô hình cho Trung Quốc và đã bị cuốn hút bởi ý tưởng phát xít về việc mở rộng “không gian sống” (lebensraum) cho dân tộc Trung Hoa. Tưởng Giới Thạch đã không có cơ hội để thực hiện ý đồ bành trướng vì bị phát xít Nhật đuổi đánh nhưng những tay họa đồ của chính quyền Quốc Dân Đảng đã vẽ đường chữ U (đường lưỡi bò) với 11 đoạn nhằm mở rộng “không gian sống” của Trung Quốc ở Biển Đông ngay sau thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến Thứ 2. Rõ ràng, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cũng tức giận về tấm bản đổ của Phát xít Nhật trong Thế chiến Thứ 2: toàn bộ Biển Đông được vẽ thành một cái hồ của Nhật. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thám hiểm vùng biển này lần đầu vào năm 1947 với các con tàu mang tên Zhongjian, Zhongye, Taiping và Yongxing. Họ chỉ khảo sát đo đạc vùng biển này nhiều năm sau đó. Sau chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc nội chiến vào năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chỉnh lại bản đồ này của Tưởng Giới Thạch thành “đường chín đoạn” sau khi xóa hai đoạn vào năm 1953 ở Vịnh Bắc Bộ, nơi họ chưa bao giờ khảo sát. Đến cuối năm 2005, bản đồ của Hải quân Trung Quốc công bố về bãi cạn Scarborough cũng chỉ là “sao – y – bản – chính” từ bản đồ của Hải quân Hoa Kỳ (cám ơn Barney Moreland cung cấp cho tác giả thông tin này).

Kể từ khi kết thúc Thế Chiến Thứ 2, Trung Quốc đã vẽ lại bản đồ, xác định lại biên giới, ngụy tạo bằng chứng lịch sử, sử dụng vũ lực để tạo “sự đã rồi” về lãnh thổ, đổi tên đảo, và tìm cách áp đặt phiên bản lịch sử của mình trên các vùng biển trong khu vực. “Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp” của họ, thông qua vào năm 1992, tuyên bố chủ quyền tại 4/5 diện tích Biển Đông, tiếp đó họ tiến hành xung đột vũ trang với hải quân Philippines và Việt Nam trong suốt những năm 1990. Gần đây, nhiều tàu cá Trung Quốc và tàu hải giám được điều đến vùng biển tranh chấp nhằm tiến hành “chiến tranh nhân dân trên biển” đã làm tình hình ngày càng căng thẳng thêm. Theo phân tích của Sujit Dutta, “Để cho tinh thần tìm lại quá khứ hào hùng của Trung Quốc phát triển không kiểm soát được dựa trên... lý thuyết là phải chiếm cái chưa cốt lõi để đảm đảm cái cốt lõi. Lý thuyết này là một khái niệm đế quốc cơ bản được đưa vào nội hàm của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, cả Quốc Gia và Cộng Sản. Những nỗ lực của chế độ [hiện nay] để đạt được biên giới địa lý tưởng tượng của họ dựa vào những chứng cớ lịch sử ít ỏi đã và tiếp tục tạo ra các bất ổn chiến lược”.

Rõ ràng, một trong những lý do các nước Đông Nam Á cảm thấy khó chấp nhận yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc vì điều đó đồng nghĩa chấp nhận rằng người Hán ưu việt hơn các chủng tộc và đế chế khác ở Châu Á. Jay Batongbacal thuộc trường Đại học Luật pháp Philippines cho rằng “Chấp nhận đường chín đoạn là từ chối bản sắc và lịch sử của tổ tiên người Việt Nam, Philippines, và Mã Lai; điều này thực chất là sự hồi sinh của tư tưởng hủ lậu đã coi những chủng người không phải Trung Quốc là ‘mọi rợ’, không đáng được bình đẳng tôn trọng và nhân phẩm như một dân tộc”.

Tóm lại, các đế chế và vương quốc ngày xưa không bao giờ thực thi chủ quyền theo quan điểm hiện đại. “Câu hỏi lịch sử” rất phức tạp và không chấp nhận một lời giải thích dễ dãi. Nếu yêu sách chủ quyền theo lịch sử có giá trị thì Mông Cổ có thể khẳng định chủ quyền với toàn Châu Á, đơn giản vì họ đã từng chinh phục châu lục này. Hoàn toàn không có cơ sở lịch sử cho “đường lưỡi bò” vì lãnh thổ của đế quốc Trung Hoa chưa bao giờ được vạch rõ ràng, cẩn thận như của một quốc gia hiện đại mà chỉ được dùng để khoanh vùng ảnh hưởng giữa “trung tâm văn minh” và “ngoại bang mọi rợ”. Đây là luận điểm mà nhà nước Trung Quốc áp đặt từ những năm 1960 trong khi đàm phán biên giới trên đất liền với một số nước láng giềng. Nhưng họ không dùng luận điểm này trong việc hoạch định bản đồ, hoạt động ngoại giao và xung đột quân sự để xác định biên giới biển.

Kết hợp việc liên tục xuyên tạc lịch sử để đạt các mục đích chính trị, lãnh thổ và hàng hải hiện đại với sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng Sản để bật hay tắt núi lửa “tinh thần dân tộc” trong những thời điểm căng thẳng với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines, khiến Bắc Kinh khó trấn an các nước láng giềng rằng sự “trỗi dậy hòa bình” của họ là hoàn toàn hòa bình. Chấp nhận của phiên bản lịch sử của Trung Quốc đồng nghĩa với từ chối của lịch sử của các nước khác và từ chối khái niệm về bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền. Vì có sáu nước tuyên bố chủ quyền với các đảo, rạn san hô, bãi đá, và các mỏ dầu ở Biển Đông, các tranh chấp quần đảo Trường Sa là đa phương và phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Nhưng Bắc Kinh luôn khẳng định giải quyết tranh chấp song phương vì họ tin sẽ thành công do mình mạnh hơn các nước ASEAN mất đoàn kết. Tuyên bố của Trung Quốc về “chủ quyền không thể tranh cãi ở Biền Đông”, bắt nguồn vào cuối những năm 1940 chứ không phải từ thời cổ đại, thách thức tất cả các quốc gia biển.

Mohan Malik

(Mohan Malik là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Honolulu. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và không phản ánh quan điểm của Trung tâm Châu Á – Thái Bình Dương. Phiên bản ngắn hơn của bài viết sẽ được xuất bản tại tạp chí “Vấn đề Thế giới” tháng 6 năm 2013. Tác giả đặc biệt cảm ơn Carleton Cramer, Carlyle Thayer, Justin Nankivell, Denny Roy và Barney Moreland về những góp ý quý báu).

BDN (theo viet-studies.info)

RELATED ARTICLES

Tin mới