Saturday, November 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamHoạt động quản lí biển đảo Việt Nam dưới thời Tây Sơn

Hoạt động quản lí biển đảo Việt Nam dưới thời Tây Sơn

BienDong.Net: Thành tựu to lớn bậc nhất của phong trào Tây Sơn là đã phá bỏ được ranh giới chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài, bước đầu và đặt cơ sở nền tảng cho sự nghiệp thống nhất đất nước trên phạm vi rộng lớn tương đương với nước Việt Nam ngày nay, trong đó có đường bờ biển chạy dài từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan với hàng nghìn hòn đảo ven bờ cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Giống như các chúa Nguyễn trước đây, nhà Tây Sơn vẫn tiếp tục tổ chức các đội Hoàng Sa và Bắc Hải với chức năng chủ yếu là bảo vệ và khai thác các vùng quần đảo trên Biển Đông.

alt

Biển Việt Nam – Cầu tàu trên đảo Trường Sa lớn (ảnh minh họa của BienDong.Net)

Ngày nay chúng ta biết về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải chủ yếu thông qua sách Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn. Lê Quý Đôn viết Phủ biên tạp lục vừa bằng nguồn tư liệu lưu trữ của chúa Nguyễn, vừa bằng nguồn tư liệu mắt thấy, tai nghe. Lúc này cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã bùng nổ được 5 năm đang phát triển rất mạnh mà quân Trịnh sau gần 2 năm tiến vào Nam đang gặp nhiều khó khăn, Nguyễn Nhạc chủ động hòa hoãn với quân Trịnh để tập trung lực lượng đánh đổ chế độ chúa Nguyễn. Quân Trịnh đã chấp thuận yêu cầu này và rút về Phú Xuân, nên toàn bộ khu vực từ Quảng Nam trở vào Nam lại thuộc quyền kiểm soát của quân Tây Sơn. Vì thế rất nhiều nội dung hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải được Lê Quý Đôn phản ánh chính là những câu chuyện mà mắt thấy, tai nghe trong khuôn khổ hoạt động của Vương triều Tây Sơn, khi ông làm Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa năm 1776.

Tương tự như Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Quýnh là người làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Song Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), đỗ Tiến sĩ năm 1772, làm quan nhà Trịnh và năm 1775 cũng được điều vào Thuận Hóa đánh chúa Nguyễn. Từ năm 1783 cho đến năm 1785, ông được thăng chức Đốc thị Thuận Quảng và bị chết trận tại đây vào năm 1785. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm ở Thuận Quảng, ông đã tập hợp các nguồn tư liệu và hoàn thành cuốn Quảng Thuận đạo sử tập. Sách có bản đồ Cù Lao Ré và phần chú nói rõ trên hòn đảo này có đội Hoàng Sa Nhị được tổ chức riêng “hàng năm thường cử 8 thuyền ra biển nhặt của quý về nộp tại Phú Xuân”. Những hình ảnh thực tế của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải mà Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Quýnh phản ánh cũng chính là hình ảnh của các lực lượng khai thác và bảo vệ Biển Đông trong thời Tây Sơn và của Vương triều Tây Sơn.

alt

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn – Cù Lao Ré tưởng vọng đội Hoàng Sa (ảnh BienDong.Net)

Phong trào Tây Sơn sau khi bùng nổ đã phát triển rất nhanh và đến cuối năm 1773 đã kiểm soát được một vùng rộng lớn từ Quảng Nam cho đến tận Bình Thuận. Như thế là toàn bộ các vùng quê hương của hai đội Hoàng Sa, Bắc Hải, từ rất sớm, đã nằm trong khu vực kiểm soát của quân Tây Sơn. Nguồn tư liệu thư tịch đương đại khai thác được ở Cù Lao Ré (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là minh chứng sinh động cho thực tế này.

Vào ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), Cai hợp phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn), xã An Vĩnh về kho Nội thuộc Hà Bạc, huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi là Hà Liễu làm đơn trình bày: “Nguyên xã chúng tôi xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631), Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn tâu xin, được cho lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và Quế Hương Hàm với nhân số 30 người. Hàng năm thường nạp thuế bằng 10 (thạch) đồi mồi, hải ba, 5 lượng quế hương. Đến năm Quý Mão (1723), vâng lệnh truyền rằng: Dân trong thuộc Hà Bạc ai có bằng son, đơn son thì nạp thuế biệt nạp và mang theo sổ sách. Thế là dân số phải bổ sung, dân binh cũng bắt đầu. Đến đó quân nhân xã chúng tôi còn 23 người, phải bổ sung người và chi tiền đi đường như trước, nên cai đội mới đốc suất được công việc từ đó đến nay. Bây giờ (năm 1775), chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng, thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo xảy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm nhặt báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp. Xin dốc lòng làm theo sở nguyện chẳng dám kêu ca. Chúng tôi cúi đầu mong ơn”. Tờ đơn này đã được chính quyền Tây Sơn (Thái Đức – Nguyễn Nhạc) xem xét, chuẩn cho và hiện vẫn còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh (nay là thôn Tây, xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Đây là tài liệu chính thức và xác thực xác nhận đội Hoàng Sa đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII, hoạt động liên tục trong các thế kỷ XVII, XVIII, thể hiện rõ vai trò, chức năng khai thác và bảo vệ chủ quyền dưới danh nghĩa chính thức thực thi các nhiệm vụ được Vương triều Tây Sơn (Thái Đức) giao phó và quản lý.

Cũng tại nhà thờ họ Võ, đến nay vẫn còn giữ được bản Chỉ thị ngày 14 – 2 năm thứ 9 niên hiệu Thái Đức (1786) của Thái phó Tổng lý Quản bình dân chư vụ Thượng tướng công “Sai Hội Đức hầu, Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi 4 chiếc thuyền câu vượt biển thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba, cá quý… đều chở về kinh, tập trung nộp theo lệ”. Ngoài ra còn có bản Ngự phê lời tâu của xã An Vĩnh về việc dâng nộp các loại đồi mồi, hải ba, quế hương và xin miễn sưu dịch đã được thánh chỉ ban thưởng vàng và phê “Chuẩn cho”. Văn bản chép rõ: “Niên hiệu Thái Đức năm đầu đến năm thứ 15 (1778 – 1792) ” và “niên hiệu Cảnh Thịnh năm đầu đến năm thứ 9 (1793 – 1801) ”. Tờ đơn của phường An Vĩnh trên đảo Cù Lao Ré xin được tách ra khỏi xã An Vĩnh trong đất liền đề ngày 11 – 2 năm Gia Long thứ 3 (1804) cho biết, dưới thời Tây Sơn cũng như thời các chúa Nguyễn trước đó, việc tổ chức các đội Hoàng Sa Đại Mạo là công việc chung của cả phường An Vĩnh lẫn xã An Vĩnh. Đến đây, phường An Vĩnh mới được chính thức tách ra khỏi xã An Vĩnh trong đất liền, được miễn các nghĩa vụ đắp đê hay đền bù phần sưu thuế thiếu hụt do dân xã An Vĩnh phiêu tán không đảm đương hết, được phép tuyển lập các đội khai thác và bảo vệ các vùng biển đảo không phụ thuộc vào xã An Vĩnh nữa.

J. Barrow là phái viên thuộc của phái bộ của Bá tước Macartney viếng thăm xứ Đàng Trong kể lại trong cuốn Một chuyến du hành tới xứ Đàng Trong, vào những năm 1792 – 1793: “Các tàu thuyền xứ Đàng Trong dùng vào việc buôn bán ven biển, chài lưới, thu lượm hải sản và tổ yến trong nhóm quần đảo gọi là Paracels (Hoàng Sa), thuộc nhiều kiểu dáng khác nhau…”. Nguồn thông tin này xác nhận những mối liên quan mật thiết và chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là thuộc về chính quyền Đàng Trong (lúc đó là chính quyền Quang Toản), cũng như sự có mặt thường xuyên của tàu thuyền Tây Sơn tại vùng quần đảo này.

Những tư liệu trên đã góp phần xác định hoạt động thực thi chủ quyền trên các quần đảo giữa Biển Đông dưới thời Tây Sơn thật phong phú, liên tục, không chỉ dừng lại ở các chủ trương của nhà nước, mà trong thực tế đã được chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm chỉnh.

Chiến thắng triều Tây Sơn, nhà Nguyễn vẫn tiếp tục chính sách tiến ra biển, khẳng định và giữ vững chủ quyền của Việt Nam trên khu vực các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị… đã thực thi chủ quyền của mình bằng nhiều hình thức và biện pháp như vãng thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác các hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ lưu dấu để ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết… Tất cả các hoạt động này đều đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất và chặt chẽ của nhà nước. Những đóng góp đỉnh cao và đặc biệt quan trọng của Vương triều Nguyễn vào lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông chính là sự tiếp nối và nâng cao chính sách của Vương triều Tây Sơn cũng như của Chúa Nguyễn trước đó.

BDN (Theo QĐND)

RELATED ARTICLES

Tin mới