Monday, October 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiYêu sách quyền lịch sử của TQ rất mập mờ!

Yêu sách quyền lịch sử của TQ rất mập mờ!

BienDong.Net: Theo tôi, yêu sách quyền lịch sử của TQ rất mập mờ và có thể gây ra nhiều vấn đề nếu ta xem xét dưới góc độ Luật pháp quốc tế, bởi vì quyền lịch sử là một vấn đề được xem xét rất là hạn chế trong Luật quốc tế và chỉ được quy định rất ít ỏi trong Công ước luật biển 1982.

Ông Ralf Emmers (người Mỹ) – chuyên gia nghiên cứu Biển Đông tại Singapore phát biểu như vậy với báo chí bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 5 vừa diễn ra tại Hà Nội.

alt 

Khát vọng một Biển Đông bình yên: Đại biểu Việt kiều ra thăm Trường Sa (ảnh BienDong.Net)

Ông Ralf Emmers nói: Đối với yêu sách quyền lịch sử của TQ trong thời gian vừa qua đã có sự thay đổi, ban đầu TQ chỉ giới hạn quyền lịch sử, quyền đánh cá, sau đó TQ thay đổi cả yêu sách đối với nguồn tài nguyên dưới đáy biển bao quanh 200 hải lý của quần đảo Trường Sa và tôi nghĩ đây là diễn biến tiêu cực có ảnh hưởng tới quá trình giải quyết tranh chấp.

Theo ông Emmers, có lẽ ngôn từ ngoại giao chung chung, mập mờ để cố gắng giải quyết tình huống của khu vực đã đạt được. Tuy nhiên, những biện pháp cụ thể chưa đạt đến. Chúng ta cần các biện pháp cụ thể để đối phó với những sự kiện liên quan đến đánh bắt cá, tránh trở thành những khủng hoảng ngoại giao. Cần các biện pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện Tuyên bố DOC trong ASEAN và Trung Quốc.

Về phần mình, Giáo sư Clive Symmons đến từ Trường Luật, Đại học Trinity, Ireland. Lập luận rằng Đường lưỡi bò của Trung Quốc không thể dựa trên học thuyết quyền lịch sử và vì vậy Trung Quốc cần phải làm rõ cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò.

 

Giáo sư Clive Symmons (Ảnh Nam Hằng).

Trao đổi với báo giới trong khuôn khổ cuộc hội thảo, Giáo sư Symmons cho biết: “Ban đầu Trung Quốc giới hạn quyền lịch sử với quyền đánh cá và sau đó, Trung Quốc đã thay đổi yêu sách với cả tài nguyên ở đáy biển”.

Giáo sư cũng cho rằng, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông còn rất mập mờ và đây là những yêu sách tiêu cực có ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp.

“Học thuyết quyền lịch sử không có cơ sở trong luật quốc tế hiện đại. Đường lưỡi bò của Trung Quốc không thể dựa trên học thuyết quyền lịch sử, và Trung Quốc cần phải làm rõ cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò”, Giáo sư Symmons nói.

Trong khi đó, chuyên gia TermSak Chalermpalanupap học giả Thái Lan tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore thì cho rằng vấn đề về đường chín đoạn cũng như yêu sách của TQ là vấn đề có liên quan đến luật pháp và không một cường quốc lớn nào có thể áp dụng luật riêng của mình.

Ông nói: Theo tôi, luật ở đây là luật quốc tế, Công ước luật biển là những luật được sử dụng tại vùng biển và vì thế các bạn hãy truyền tải lời kêu gọi của chúng tôi đến TQ trong việc khuyến khích thực thi luật quốc tế trong tranh chấp Biển Đông. 

Theo ông Termsak, Trung Quốc và ASEAN vẫn có những cách tiếp cận khác biệt về COC. Phía ASEAN cho rằng DOC không đủ hiệu lực để có thể ngăn cản những bất đồng nổ ra như năm 2011, 2012, vì vậy cần phải hướng đến cam kết mạnh hơn như COC. Trong khi đó, phía Trung Quốc cho rằng DOC vẫn chưa được thực hiện hết và cần tiếp tục thực hiện DOC. “Vì vậy, dù quá trình tham vấn COC đã bắt đầu, song quan điểm của Trung Quốc cho rằng đây chỉ là một phần của tiến trình thực hiện DOC; trong khi các quốc gia ASEAN lại xem đây như một tiến triển mới” – ông bình luận.

Tiến sĩ Termsak cũng cho rằng, việc các nhóm làm việc hỗn hợp Trung Quốc – ASEAN về DOC sẽ tiến hành đồng thời tham vấn về COC mang lại những tín hiệu vừa tích cực, vừa không tích cực. “Mặt tốt là các nhóm làm việc hỗn hợp sẽ gặp mặt 4 lần vào năm tới, tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc, trong lúc trước đây chỉ là 1 hay 2 lần một năm; nhưng tin không tốt là nó chỉ là các cuộc gặp của quan chức tầm trung và không thể đưa ra được những quyết định chính sách mới” – ông bình luận.

Trong khi đó, học giả Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, vùng tranh chấp chỉ được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển 1982 về xác định đường cơ sở và các vùng biển phải tạo ra từ lãnh thổ đất liền cũng như các đảo.

Đặc biệt, Giáo sư Donald Rothwell, Giáo sư Luật Quốc tế và Trưởng khoa tại trường Cao đẳng luật ANU, Đại học Quốc gia Australia, cho rằng việc ban hành văn bản pháp luật và thực thi quyền tài phán đang trở thành xu hướng chủ đạo để các bên thực thi yêu sách ở Biển Đông.

Nhiều học giả đánh giá Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, mặc dù gần đây tình hình đã có phần được cải thiện. Học giả Dong Manyan của Trung Quốc cho rằng trong năm 2013 Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực ổn định quan hệ với các nước láng giềng, đã đạt thỏa thuận với Ấn Độ kiểm soát tốt hơn đường biên giới, đạt bước tiến tích cực trong hợp tác trên biển với Việt Nam, làm ấm quan hệ với ASEAN, và đã xây dựng Khuôn khổ đối tác nước lớn kiểu mới với Mỹ. Học giả Dong Manyan tin rằng các tranh chấp biên giới lãnh thổ trong khu vực sẽ dịu đi trong thời gian tới.

BDN (theo Đất Việt và VnExpress)

RELATED ARTICLES

Tin mới