BienDong.Net: Từ ngày 01/01/2014, Biện pháp sửa đổi của tỉnh Hải Nam thực thi “Luật ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” có hiệu lực. Hành động mới này của Trung Quốc được dư luận quốc tế hết sức quan tâm, báo chí các nước đã đưa tin nhanh chóng về sự việc này.
Hầu hết các bài viết đều chỉ trích hành động này của Trung Quốc, coi đây như một bước leo thang mới gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông.Báo chí Mỹ có nhiều bài viết phê phán hành động đơn phương áp đặt các luật lệ đối với tàu cá ở Biển Đông. Tạp chí “American Interest” ngày 08/01/2014 có bài viết nhan đề “Trung Quốc quyết tâm trấn áp tàu cá nước ngoài tại Biển Đông” nhận định Trung Quốc đang từng bước tăng cường sự kiểm soát tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông; đồng thời cho rằng với việc Trung Quốc tiếp tục đe dọa các tàu cá nước ngoài ở Biển Đông mà Trung Quốc coi là sân nhà sẽ khiến cho cuộc chạy đua vũ trang hải quân đang lan tỏa khăp khu vực không có hồi kết và nguy cơ đối đầu sẽ leo thang.
Nhật báo Phố Wall của Mỹ ngày 09/01/2014 cho rằng Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh cơ sở pháp lý cho các lực lượng an ninh hàng hải của các nước này hoạt động ở Biển Đông, đe dọa làm phức tạp thêm các mối quan hệ vốn đã căng thẳng với các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tờ Thời báo New York ngày 10/01/2014 đưa tin rằng quy định mới của tỉnh Hải Nam về đánh cá đã gây quan ngại cho Mỹ, một lần nữa khiến sự quan tâm của Quốc tế tập trung vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ phức tạp và đặt ra câu hỏi về loại hình cường quốc mà Trung Quốc sẽ trở thành; đồng thời cho rằng bấy lâu nay Mỹ đã liên tục thúc giục các bên có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử để giảm nguy cơ đối đầu, nhưng kể cả khi đạt được Bộ quy tắc này thì nó cũng không thể giải quyết được vấn đề tuyên bố chủ quyền. Tờ báo nhấn mạnh Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho “đường chín đoạn” của họ ở Biển Đông theo luật quốc tế.
Thời báo Los Angeles ngày 10/01/2014 đăng bài phân tích của tác giả Gary Schmitt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu An ninh Marilyn Ware tại viện American Enterprise, đặt câu hỏi: Tại sao Trung Quốc bất ngờ hành xử hiếu chiến thời gian gần đây? Ông Schmit cho rằng lý do Trung Quốc hành xử hiếu chiến là do sự suy yếu của Mỹ. Tuy nhiên, sự yếu đi của Mỹ không phải là nguyên nhân chính. Vẫn đề rõ ràng ở đây là những tham vọng của Trung Quốc. Các nhà Lãnh đạo Trung Quốc muốn nước họ trở thành cường quốc.
Báo Yomiuri Shimbun của Nhật ngày 11/01/2014 nhấn mạnh việc Trung Quốc thực thi quy chế mới một lần nữa cho thấy ý đồ kiểm soát trên biển và trên không tại vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Báo Sankei ngày 10/01/2014 đưa lại phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó nhấn mạnh đây là động thái thực thi “đường chín đoạn”; Trung Quốc đã không đưa ra lời giải thích hay cơ sở nào chiểu theo luật pháp quốc tế cho những tuyên bố hàng hải trên phạm vi rộng lớn này.
Báo Akahata của Nhật ngày 11/01/2014 đăng bài viết với tựa đề “Trung Quốc đơn phương áp đặt quy chế nghề cá”, trong đó đưa lại thông tin về việc lực lượng kiểm ngư Trung Quốc truy đuổi chặn bắt một số tàu cá của Việt Nam đang tác nghiệp bình thường tại khu vực quần đảo Hoàng Sa trong các ngày 02 – 03/01/2014.
Báo chí Nga đưa lại tin về quan điểm của một số nước: Báo nước Nga viết “Trung Quốc thay đổi chính sách đối ngoại và tăng cường sức mạnh”; Itar – tass viết “Bắc Kinh đưa ra quy định mới đối với tàu thuyền đánh bắt hải sản ở Biển Đông và Hà Nội không công nhận quy định mới này; Portnews viết “Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng hành động của Bắc Kinh là khiêu khích với việc hạn chế tàu thuyền nước ngoài đánh bắt hải sản trên Biển Đông, Mỹ phản đối “việc tư nhân hóa” Biển Đông của Trung Quốc…
Nhiều học giả nước ngoài đã lên án hành động mới này của Bắc Kinh. Chuyên gia về Trung Quốc John Tkacik, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định quyết định mới của Hải Nam nằm trong chiến lược từng bước siết chặt quyền kiểm soát của họ ở Biển Đông mà bước trước đây chính là việc công khai hóa tấm bản đồ “đường chín đoạn” rất mơ hồ về mặt pháp lý; quyết định này là nhằm thăm dò phản ứng của quốc tế và khu vực. Ông nói “với thông báo này, Trung Quốc rõ ràng là đang xem thường Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982”.
Giáo sư Carl Thayer nhận định rằng động thái mới của Bắc Kinh lập vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông và ban hành “Biện pháp sửa đổi năm 2013” đều là đơn phương và nhằm gia tăng căn cứ pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Thayer nhấn mạnh: “Các hành động của Trung Quốc thách thức chủ quyền của các quốc gia láng giềng và có khả năng làm gia tăng căng thẳng, cũng như làm bùng phát xung đột vũ trang”. Ông Thayer cho rằng “tất cả tàu thuyền và tàu nghiên cứu khảo sát trong khu vực đều có quyền tự do đi lại trong các vùng biển quốc tế. Bất kỳ hành động ngăn chặn những tàu thuyền này có thể bị xem như hành động của hải tặc nhà nước. Điều này có thể dẫn đến việc quốc tế chống lại các tàu thuyền Trung Quốc”. Ông gọi hành động của Trung Quốc là “cướp biển nhà nước”.
Hành động leo thang mới này của Trung Quốc cho thấy ý đồ của Ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh thông qua chính sách biển cứng rắn để thay đổi cục diện hiện nay ở Biển Đông. Ý kiến của báo chí và giới học giả cho thấy rõ mối lo ngại của cả cộng đồng quốc tế về chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh.
BDN