Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrung Quốc trỗi dậy - Hệ lụy gì đối với thế giới?

Trung Quốc trỗi dậy – Hệ lụy gì đối với thế giới?

BienDong.Net: Trong một báo cáo vừa công bố, Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI) đã phân tích về sự tái trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc lớn. Nhấn mạnh tới sức mạnh kinh tế và khả năng nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc, ASPI đặt câu hỏi Australia và thế giới sẽ đối phó như thế nào với giấc mơ mới của Bắc Kinh.

Dưới đây là nội dung báo cáo này theo bản tóm lược của VNA.

alt 

Giấc mơ mới của Trung Quốc

Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc đã giảm từ hai con số trong phần lớn 33 năm qua xuống còn 7,6%. Sự suy giảm này phản ánh sự thụt lùi xuất khẩu do ảnh hưởng của tình trạng kinh tế toàn cầu suy yếu và sự nới lỏng chương trình kích thích vĩ mô mà Trung Quốc đưa ra trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chương trình kích thích dẫn đến sự đầu tư quá mức và nợ tăng vọt. Ngân hàng trung ương và chính phủ mới ở Trung Quốc hiện đang muốn cứu nguy cho nền kinh tế và tăng cường vai trò của tiêu thụ như một nhân tố hàng đầu của tăng trưởng.

Phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2013 đã tuyên bố cải cách sâu rộng để thúc đẩy thành tựu kinh tế trong thập kỷ tới. Thông cáo của phiên họp nhấn mạnh các lực lượng thị trường phải đóng vai trò “quyết định” trong việc định hình nền kinh tế Trung Quốc, điều mà các thông cáo trước đó nói rằng chỉ đóng vai trò “cơ bản”. Theo kế hoạch mới, Trung Quốc sẽ tự do hóa hệ thống tài chính, tăng cường cổ tức từ các doanh nghiệp do nhà nước quản lý, thúc đẩy vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tự do hóa hệ thống “hộ khẩu” (một hệ thống đăng ký xác định quyền công dân của các đối tượng nông dân chuyển ra thành thị), kết thúc chương trình cải tạo 4 năm đối với tội phạm hay người bất đồng chính kiến và nới lỏng chính sách một con. Trung Quốc cần nâng tỷ lệ sinh do lực lượng lao động hiện đang giảm và dân số đang lão hóa nhanh chóng. Chính sách mới có thề cho ra đời thêm từ 1,5 – 2 triệu trẻ em trong hai năm.

Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2010. Bắc Kinh còn có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 10 năm tới. Trung Quốc hiện đang dẫn đầu về đối tác thương mại với 124 nước, cao hơn nhiều so với 76 nước của Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Bắc Kinh đã tăng lên 832 tỷ USD, chỉ sau Mỹ, Pháp và Anh. Trung Quốc cũng đang trở thành nhà xuất – nhập khẩu vốn. FDI từ Trung Quốc ra bên ngoài đạt 84,2 tỷ USD trong năm 2012, chỉ thua Mỹ và Nhật Bản. Trung Quốc có 3,7 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ, mức lớn nhất thế giới. Nhật Bản đứng sau với 1,3 nghìn tỷ USD.

Hiện Trung Quốc là công xưởng lớn nhất thế giới. Bắc Kinh có ngành công nghiệp ô tô lớn nhât, với sản lượng gấp đôi của Mỹ. Năm 2012, Trung Quốc xuất xưởng 19,27 triệu sản phẩm, trong khi Mỹ làm ra 10,3 triệu sản phẩm, Nhật Bản 9,9 triệu, Đức 5,6 triệu và Hàn Quốc 4,6 triệu. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ hơn một nửa sản lượng chất bán dẫn và sản xuất 75% điện thoại di động, 87% máy tính cá nhân và 52% TV màu trên toàn cầu.

Trung Quốc có 4 thuận lợi chính trong việc tiến hành công nghiệp hóa nhanh chóng. Bắc Kinh có nguồn cung lớn về lực lượng lao động giá rẻ. Họ điều hành hệ thống tài chính theo cách đảm bảo mức chi phí thấp khi đầu tư mới. Họ duy trì mức tỷ giá hối đoái thấp một cách giả tạo nhằm gia tăng xuất khẩu. Họ thờ ơ với vấn đề môi trường. Tất cả những nhân tố đó hiện đang đảo ngược. Lực lượng lao động của Trung Quốc đang thu nhỏ. Tự do hóa hệ thống tài chính sẽ tăng lãi suất. Tỷ giá hối đoái đã tăng 26% so với đồng USD kể từ năm 2005. Trung Quốc đã gặp các vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng và hiện buộc phải cải thiện cách ứng xử với môi trường.

Năm năm trước, Trung Quốc đã thay thế Mỹ và Châu Âu để trở thành nước tiêu thụ nhiều kim loại nhất. Hiện Bắc Kinh tiêu thụ 40% sản lượng đồng toàn cầu, so với chỉ 13% trong năm 2000. Họ không chỉ có nhu cầu lớn về nguyên liệu thô mà còn đầu tư rất lớn vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Australia, Canada, Châu Phi, Mỹ Latinh, Kazakhstan, Myanmar và các nước phát triến khác. Trung Quốc cũng có nhiều tỷ phú nhất nhì thế giới, với 122 tỷ phú trong năm 2013, so với 422 ở Mỹ, 110 ở Nga.

Sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc đã cho phép tăng một lượng lớn chi tiêu quân sự. Trong năm 2012, chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc đạt 166,2 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 22,2 tỷ USD trong năm 2000. Hiện mức chi tiêu này chỉ đứng sau Mỹ. Từ sức mạnh quân sự được nâng cao, Trung Quốc đã tích cực can dự hơn trong chính sách đối ngoại. Các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gia tăng là minh chứng rõ rệt nhất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được xem là vị lãnh đạo Trung Quốc nhiều quyền lực nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Người của ông kiểm soát 6/7 vị trí trong Ban thường vụ Bộ Chính trị. Phiên họp toàn thể mới đây đã bầu ông đứng đầu cả ủy ban an ninh quốc gia và Uy ban cải cách kinh tế. Sẽ còn các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề và Chính phủ Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao ý kiến của dư luận về các vấn nạn như tham nhũng và môi trường. Mặc dù khuyến khích cải cách pháp lý và kinh tế, ông Tập không tha thứ cho bất kỳ điều gì tạo nguy cơ đối với quyền lực tối thượng của Đảng Cộng sản. Hệ thống địa chính trị Trung Quốc vì vậy sẽ tiếp tục là một câu chuyện mở, kết hợp một đội ngũ lãnh đạo độc tài với một tầng lớp trung lưu đang đòi chính phủ phải hành động có trách nhiệm hơn.

Cuộc chạy đua vũ trang ở Châu Á

Một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra tại Châu Á, với danh sách các loại vũ khí mới, đắt tiền, được đặt hàng ngày một nhiều. Tàu sân bay, tàu ngầm, máy bay chiến đấu là các mặt hàng mà các nước đang phát triển nhắm tới, đặt Australia vào nguy cơ tụt hậu.

alt 

Sự trỗi dậy về kinh tế đi cùng với việc gia tăng sức mạnh quân sự (ảnh minh họa từ Internet)

Đằng sau tất cả là sự gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Bắc Kinh không giấu tham vọng trở thành cường quốc thế giới vào năm 2025.

Căng thẳng trong khu vực thực tế đã gia tăng. Bắc Kinh trở thành tâm điểm chú ý sau khi tuyên bố khu vực nhận diện phòng không tại Biển Hoa Đông. Động thái này làm gia tăng căng thẳng kiểu Chiến tranh Lạnh giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang xem xét việc thiết lập Khu vực phòng không tương tự tại các vùng nước giữa Philippines, Malaysia và Việt Nam. Chúng đều bao gồm các vùng nước giàu nguồn dầu mỏ, khí đốt và hải sản.

Mỹ phản đối những hành động trên của Trung Quốc, và Australia – đồng minh truyền thống của Mỹ – cũng vậy. Tại một cuộc hội thảo hải quân ở Virginia vào tháng 2/2014, Tổng tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương Samuel Locklear nhấn mạnh: “Sự thống trị lịch sử của chúng ta đang thu nhỏ, không còn gì nghi ngờ… Có những nơi trên thế giới này, trong thế kỷ này, chúng ta không kiểm soát được họ… Trung Quốc đang trỗi dậy, tất cả chúng ta biết điều đó… Nhưng họ đang cư xử như thế nào? Đó mới thực sự là câu hỏi”.

Trung Quốc dễ dàng chiếm vị trí dẫn đầu trong cuộc chạy đua vũ trang ở Châu Á, với 2,2 triệu binh sỹ tại ngũ, so với chưa đầy 1,5 triệu binh sỹ Mỹ. Tiếp sau đó là Ấn Độ với 1,3 triệu binh sỹ và Triều Tiên 1,1 triệu binh sỹ. Nhưng quân số không phải là phép đo sức mạnh duy nhất. Mỹ dẫn đầu về “vật chất”, với hơn 8.700 xe tăng, 6.400 máy bay chiến đấu và 11 tàu sân bay. Quan điểm của Mỹ là công nghệ sẽ mạnh hơn sức người.

Ấn Độ đang theo đuổi chính sách tương tự, nhưng 5.900 xe tăng, 140 máy bay và 2 tàu sân bay nghe có vẻ ấn tượng, lại đều không hiện đại bằng. Và vị trí dẫn đầu của Mỹ không thể bị tước đi nhanh chóng. Mỹ chi hơn 700 tỷ USD mỗi năm cho quân đội, lớn hơn 14 nước đứng sau cộng lại. Tuy nhiên, người ta dự tính Trung Quốc sẽ thay thế mức chi tiêu quốc phòng “khủng” của Mỹ trong 20 năm tới. Và mức chi tiêu quốc phòng thực sự của Bắc Kinh luôn được giữ bí mật.

Australia vẫn dựa vào đồng minh là Mỹ để được hỗ trợ. Trong khi sự can dự ở Timor Leste có thể làm gia tăng hình ảnh của Australia, nó cũng có thể cho thấy khả năng tối đa của Canberra khi tác chiến độc lập. Những rắc rối xung quanh dự án quốc phòng hàng năm chứng tỏ Australia đã tụt lùi xa trên bảng xếp hạng của khu vực và sẽ như vậy trong những năm tới.

Lãnh thổ Australia không bị đe dọa trực tiếp, chỉ các đồng minh và láng giềng đang rơi vào tình trạng đó. Nhưng Australia là thành viên của các liên minh khu vực và sẽ buộc phải theo kịp các thành viên khác như một công dân quốc tế có trách nhiệm để giúp các đồng minh. Sự đóng góp như vậy trong tương lai sẽ được quyết định bằng việc chi tiêu cho quốc phòng ngày hôm nay.

Nguy cơ lớn nhất của Australia là Trung Quốc

Sự tái trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là một thách thức đối ngoại lớn nhất của Australia trong thế kỷ 21. Điều thế giới lo ngại không chỉ là sức mạnh kinh tế, quân sự của Trung Quốc mà còn là sự sẵn sàng sử dụng vũ lực của Bắc Kinh để đạt được các mục tiêu đề ra. Ví dụ, Bắc Kinh đang đòi chủ quyền ở nhiều vùng trên Biển Đông, gây tranh cãi với Việt Nam và Philippines. Bắc Kinh cũng đang tranh chấp với Nhật Bản về quyền kiềm soát đảo Điếu Ngư (phía Nhật Bản gọi là đảo Senkaku). Tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố Khu vực nhận diện phòng không mới. Xu hướng này có thể tạo ra sự leo thang căng thẳng và tâm lý lo sợ chiến tranh xảy ra. Nhật Bản đã bị cảnh báo về những động thái trên của Trung Quốc do ngân sách quốc phòng của Tokyo hiện chưa bằng 1/3 so với của Trung Quốc, trong khi vào năm 2000, mức ngân sách quốc phòng của Nhật Bản lớn gấp hơn hai lần của Trung Quốc.

Canberra sẽ phải khéo léo cân bằng mối quan hệ kinh tế ngày càng lớn mạnh với Trung Quốc và liên minh truyền thống với Mỹ. Nguy cơ chủ yếu đối với hành động “đi dây” này là khi các vấn đề tài chính của Mỹ buộc Washington phải giảm chi tiêu quốc phòng và rút khỏi khu vực Đông Á. Trong viễn cảnh đó, Australia sẽ không có một đồng minh hùng mạnh và sẽ rơi vào tình trạng khó khăn nhất trong việc thực thi chính sách đối ngoại kể từ năm 1942.

Nước Châu Á duy nhất trong tương lai có thể thách thức vị thế của Trung Quốc là Ấn Độ. Do đó, Australia nên tìm lối thoát trong cuộc chơi với Mỹ và Trung Quốc bằng cách tăng cường mối quan hệ tốt hơn nữa với New Delhi.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới