Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTam Giang - Cầu Hai: Khu vực đầm phá lớn nhất Việt...

Tam Giang – Cầu Hai: Khu vực đầm phá lớn nhất Việt Nam

BienDong.Net: Nằm giữa chiều dài bờ biển và vùng đất liền của tỉnh Thừa Thiên – Huế, hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có diện tích mặt nước 21.600 ha, chiếm 48,2% tổng số diện tích mặt nước các đầm phá ven bờ Việt Nam.

Về mặt địa lý, khu đầm này gồm bốn đầm nối nhau từ Bắc xuống Nam là phá Tam Giang, đầm Sam, đầm Hà Trung – Thủy Tú, đầm Cầu Hai, chạy dài qua địa phận năm huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc. Giữa đầm với biển ngăn cách bởi các đồi cát cao, có nơi cao đến 20 m.


Làng chài trên Đầm Cầu Hai (Ảnh: TmT)

Phá Tam Giang chạy dài khoảng 27 km bắt đầu từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương với diện tích 5.200 ha. Phá thông với biển bằng mỗi cửa Thuận An. Đầm Sam nhỏ hơn với diện tích 1.620 ha, không thông ra biển. Đầm Hà Trung – Thủy Tú dài và hẹp với diện tích 3.600 ha cũng là đầm kín không thông ra biển. Đầm Cầu Hai lớn nhất với diện tích 11.200 ha. Cửa Tư Hiền thông đầm Cầu Hai với biển. Hệ đầm hứng nước gần như tất cả các con sông lớn trong tỉnh Thừa Thiên – Huế nên nước đầm tương đối ngọt vào mùa mưa lũ và chuyển sang nước lợ vào mùa khô.

Tam Giang – Cầu hai được coi là một trong những vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á. Đây chính là vùng điều hòa khí hậu giữa hai vùng cát, điều tiết lũ lụt và hạn chế nguy cơ ngập úng cho vùng đồng bằng. Ngoài ra, phá Tam Giang – cầu Hai có chức năng duy trì nước ngầm vùng đồng bằng ven bờ và vùng đất cát ven biển, duy trì nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân; là nơi tự phục hồi chất lượng nước trước khi đổ ra biển (tích tụ lắng đọng chất thải) để bảo vệ cho môi trường biển được trong sạch.

 

Đời sống ngư dân trên phá Tam Giang (Ảnh: TmT)

Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là nơi giàu tài nguyên động, thực vật, được đánh giá là phong phú bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á. Số liệu điều tra gần đây cho thấy, có tới 230 loài cá, 63 loài động vật đáy, 43 loài rong, 70 loại chim, 15 loại cò biển, 171 loài phù du thực vật, 37 loại phù du động vật; trong đó có 30 loại cá có giá trị kinh tế, chiếm 70% lượng khai thác hàng năm; có 34 loài chim di cư và 36 loại chim bản địa; chim nước, tập trung ở các vùng cửa sông Ô Lâu, Đại Giang (thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai).

Vùng đầm phá có một vẽ đẹp riêng với vùng nước mênh mông, trong xanh, phẳng lặng nằm kề các đụn cát hùng vĩ chắn phía biển, có các vùng cửa sông. Liền kề đầm Cầu Hai, phá Tam Giang còn có núi, vườn Quốc Gia Bạch Mã, sông Hương thơ mộng và các bãi biển nổi tiếng.

Cư dân vùng đầm phá, ven biển có nguồn gốc lâu đời với một bản sắc văn hóa đặc biệt – văn hóa của cư dân sống trên mặt nước (mưu sinh trên đầm phá là chủ yếu). Các lễ hội dân gian ở đây khá đặc biệt gắn với tín ngưỡng, tôn giáo, tinh thần thượng võ của vùng sông nước; một số lễ hội diễn tả khung cảnh sản xuất trên đầm phá và mong muốn sự may mắn bình yên, có vụ mùa bội thu.

Tất cả những yếu tố nêu trên là tiền đề để tổ chức nhiều loại hình du lịch phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách, đặc biệt là với tuyến du lịch liên hoàn sông – đầm phá – biển – núi rất thú vị.

Phá Tam Giang nổi tiếng với câu ca: “Thương anh em cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang/Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm”.

Trong lịch sử dân tọc, một thời Tam Giang có tên là Hạt Hải, nghĩa là biển cạn, nước sông sâu rộng, sình lầy và chua mặn, sóng gió bất trắc, thuyền bè đi lại dễ gặp nạn, là nơi hội tụ của thành phần bất hảo, sào huyệt của thuỷ tặc. Quá trình “cạn dần” của phá Tam Giang là sự thay đổi môi trường sống dưới tác động của biến đổi khí hậu. Cách nay hàng trăm năm, cha ông ta đã tiến hành quá trình tụ cư canh tác, chiếm lĩnh vùng sông nước, khai lập các làng xã, cộng đồng dân cư quanh vùng đầm phá.

alt 

Phá Tam Giang trong một chiều mưa (ảnh BienDong.Net chụp trên đường xuyên Việt)

Con người xưa “sợ” phá Tam Giang bởi sự chia cắt, sóng to nước dữ, sình lầy, chua mặn, thuỷ tặc. Cùng với hiện tượng “Phá Tam Giang ngày rày đã cạn” là một quá trình khai phá ngày càng mạnh mẽ và dữ dội với sự xuất hiện ngày càng phổ biến của những phương tiện đánh bắt mang tính huỷ diệt khiến cho môi trường Tam Giang ngày một ô nhiễm và nguồn lợi ngày càng cạn kiệt.

Hiện nay, có hơn 41.000 người dân sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Vùng đầm phá này không chỉ bị nạn khai thác tận diệt đe dọa, nó còn bị phong trào nuôi tôm lấn chiếm. Qua 10 năm, việc nuôi tôm hạ triều và nuôi chắn sáo của người dân đã lấn 10% diện tích đầm phá với khoảng 3.000 ha, và qua mỗi mùa vụ tôm, phá Tam Giang phải hứng chịu hàng triệu m3 nước thải. Đã có lần tỉnh Thừa Thiên Huế tính đến một phương án táo bạo là thay nước ở vùng phá Tam Giang bằng cách xả nước ở hồ Truồi bởi tình trạng ô nhiễm do việc nuôi tôm của người dân gây ra đã đến mức báo động.

Do bị khai thác ồ ạt và môi trường suy thoái, nếu như trước năm 1975, sản lượng đánh bắt thuỷ sản trên các đầm phá đạt khoảng 4500 tấn/năm, hiện sản lượng chỉ còn khoảng 2.000 – 2.500 tấn/năm, giảm đi khoảng 40%, với khoảng 1.500 tấn cỏ biển. Sản lượng khai thác ở nhiều đầm riêng lẻ cũng thể hiện xu hướng giảm như sản lượng khai thác tôm ở ngư trường tôm bắc Sông Cầu, thuộc Đầm Cù Mông (chủ yếu khai thác tôm Dăm đỏ) với sản lượng khai thác trước đây 200 – 250 tấn/năm, hiện nay chỉ còn 100 – 150 tấn/năm. Đồng thời, chất lượng sản phẩm cũng giảm do kích thước cá thể nhỏ hơn. Số lượng một số đối tượng như tôm bạc, bống thệ giảm đáng kể, một số loài như Chình Mun, cá Cháy có nguy cơ biến mất do cả nguyên nhân tự nhiên và con người. Năng suất đánh bắt trên đầm phá cũng giảm.

Bảo vệ môi trường và nguồn lợi vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đang là việc làm cấp thiết. Cùng “nói không” với các phương tiện đánh bắt mang tính huỷ diệt, đầu năm 2011, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có quyết định giải tỏa ao nuôi hạ triều vùng đầm phá Tam Giang để bảo đảm diện tích hợp lý và môi trường trong sạch theo hướng phát triển bền vững. Gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện xây dựng mô hình điểm về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại các xã Quảng Lợi (huyện Quảng Ðiền), Phú Diên và Vinh Phú (huyện Phú Vang), Hương Phong (huyện Hương Trà)… với tổng diện tích hơn 500 ha. Ðây là khu bảo vệ thuỷ sản dựa vào cộng đồng, làm cơ sở mở rộng phát triển mạng lưới các khu bảo vệ thuỷ sản dựa vào cộng đồng trên toàn đầm phá, vùng nước nội địa Tam Giang – Cầu Hai và thực hiện tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và tạo các bãi giống, bãi đẻ, nguồn lợi thủy sản ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Việc thành lập các khu bảo vệ thủy sản quy mô nhỏ và giao cho cộng đồng ngư dân tự quản chính là giải pháp cần thiết. Đồng thời, thông qua mô hình này, Nhà nước vừa có thể đạt được mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, người dân vẫn được hưởng lợi từ các khu bảo vệ.

Bên cạnh đó, khai thác vẻ đẹp của thiên nhiên trên vùng đầm phá, qua các kỳ Festival Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức các tour du lịch tham quan đầm phá, ngắm “mặt trời mọc” từ bãi biển Lăng Cô, kết hợp với việc tổ chức các lễ hội “Thuận An biển gọi”, “Lăng Cô huyền Thoại biển” để thu hút khách du lịch. Mới đây, Thừa Thiên – Huế tiến hành khảo sát, xây dựng, tour du lịch đầm phá Tam Giang để đưa vào khai thác.

Khởi hành từ Huế, du khách sẽ được tham quan đình làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa), di tích lịch sử cấp quốc gia với những nét kiến trúc cổ xưa; xem trình diễn đan lưới, quy cách sử dụng các ngư lưới cụ trong đánh bắt của ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh; cùng nhau vượt phá Tam Giang sang xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) tham quan khu lăng mộ, xem múa Náp truyền thống; hoặc ghé thăm làng nghề sản xuất các sản phẩm mây tre đan lát Bao La, với nhiều mặt hàng tinh xảo, có giá trị.

Tour du lịch đầm phá Tam Giang đa dạng, có nhiều hoạt động cho du khách lựa chọn, tham gia và cùng trải nghiệm không khí thanh bình ở những vùng quê ven phá Tam Giang./.

BDN (biên tập theo các báo quốc nội)

RELATED ARTICLES

Tin mới