Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLỄ KHAO LỀ THẾ LÍNH HOÀNG SA

LỄ KHAO LỀ THẾ LÍNH HOÀNG SA

BienDong.Net: Đảo Lý Sơn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120 hải lý, là nơi xuất phát của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thực thi chủ quyền theo lệnh của nhà nước phong kiến Việt Nam. Hiện ở Lý Sơn còn lưu giữ nhiều di tích gắn liền với hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải.

Xin giới thiệu với các bạn về những gì tôi được mắt thấy tai nghe về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sau trong chuyến về thăm Quảng Ngãi, Lý Sơn lần này.

Lý Sơn chỉ có diện tích gần 10 km2 với số dân hơn 20 nghìn người, nhưng lại chứa đựng trong mình hàng trăm di tích cùng rất nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: đình làng An Vĩnh, Chùa Hang, Âm linh tự, đình làng An Hải, Chùa Đục, giếng Vua, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa – Trường Sa, các di chỉ, dấu vết văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa…

Và nói đến đảo Lý Sơn, người ta thường nghĩ ngay đến những nét văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo như: Lễ hội đua thuyền tứ linh, lễ hội đình làng An Hải… và đặc biệt là tục Khao thề hay còn gọi lễ Khao lề thế lính. Lễ Khao lề thế lính “là nghi lễ truyền thống, đã có từ hàng trăm năm qua để tri ân những người đã hi sinh thân mình để gìn giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây cũng là một lễ tế sống người đi lính, sự tôn vinh, ngưỡng vọng đồng thời là lễ tế tự, tri ân những người lính ra đi thực thi chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà đã không trở về. Ngày 15/4/2014 tức là ngày 16/3 âm lịch Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được tổ chức trọng thể trên đảo Lý Sơn. Đây là lần thứ 2 Lễ khao lề thế lình Hoàng Sa được tổ chức với quy mô lễ hội của tỉnh Quảng Ngãi.

Lần giở lại những trang lịch sử như Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí… của Quốc sử quán triều, hay những trang ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, của Phan Huy Chú trong Hoàng Việt địa dư chí… ta thấy cách đây 3, 4 thế kỷ trước, các chúa Nguyễn đã ý thức được việc sớm xác lập chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông vừa để mở mang bờ cõi của đất nước, vừa để khai phá đến nguồn tài nguyên trên biển. Đội Hoàng Sa được chính thức thành lập từ năm nào, lịch sử không ghi rõ, chỉ biết vào đầu thế kỷ 17, dưới thời của chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã có các sự kiện liên quan đến hoạt động của Đội Hoàng Sa. Và như vậy với khoảng thời gian hoạt động liên tục suốt mấy trăm năm từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 đã có biết bao nhiêu người phải vượt qua sóng gầm, bão tố để đến Hoàng Sa, Trường Sa đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ và khai thác sản vật theo lệnh của các chúa Nguyễn và các triều Nguyễn sau này.

Hoàng Sa trời nước mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về

Hoàng Sa mây nước bốn bề

Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”

Câu ca dao trên là lời tóm tắt số phận của những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa từ thuở xa xưa ấy – những người được vua Tự Đức phong tặng danh hiệu “hùng binh”. Trong số những người từng ra đi, không có nhiều người may mắn trở về. Hình ảnh những khu mộ chiêu hồn không xác người của các tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn… trên đảo Lý Sơn là một minh chứng đầy bi hùng trong quá khứ.

Hàng năm vào khoảng tháng 3 âm lịch, người dân Lý Sơn làm lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, hay Khao lề tế lính Hoàng Sa. Hầu hết các tộc họ trên đất đảo có người đăng lính Hoàng Sa, Trường Sa đều thực thi lễ thức này. Đây là Lễ hay Lệ, nhằm khao quân, tế sống và làm cả nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ triều đình giao phó; đồng thời cũng còn để tế lễ và tưởng nhớ những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa đã khuất.

Có lẽ lễ thức này cũng chỉ bắt đầu có từ khi đội Hoàng Sa gánh vác sứ mệnh lịch sử thiêng liêng trên Biển Đông. Khao lề chỉ là lệ khao định kỳ hàng năm, nhưng thế lính lại là nghi lễ tế sống, mang đậm yếu tố phù phép của đạo giáo nhằm thế mạng cho người đi lính, bởi ai cũng biết rằng người đi lính Hoàng Sa sẽ phải đối mặt với cái chết. Tuy biết khó có cơ may trở về, nhưng con người vẫn phải hy vọng, dù hy vọng đó mong manh. Chính vì vậy, trước mỗi chuyến đi, các tộc họ sửa soạn lễ vật, hương đăng, thầy phù thủy sẽ nặn hình nhân thế mạng bằng bột gạo, hay đất sét hoặc giấy, đặt cạnh linh vị đã ghi tên tuổi người đi lính Hoàng Sa. Trong khói hương nghi ngút, lời phù chú trên nền nhạc bát âm hoặc ngũ âm, xen lẫn tiếng mõ thị uy của thầy phù thủy sẽ giúp cho người đi lính Hoàng Sa xua được tà ma quỷ ám trên dặm dài sóng nước giữa khơi xa.

Sau lễ thức ở nhà thờ tộc họ, người Lý Sơn sẽ đặt các hình nhân và linh vị, cùng các thứ tượng trưng mà người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thường mang theo như gạo, muối, củi, nước ngọt… bỏ vào chiếc thuyền rồi đem thả ra biển. Lời nguyện cầu về sự bình yên lẫn với lời xua đuổi rủi ro sẽ gửi gắm vào thuyền lễ. Giữa bập bềnh sóng gió, hình nhân là kẻ thế mạng cho người đăng lính. Nhưng không phải chỉ có ý nghĩa là tế sống, mà trong nghi lễ này còn có hàng trăm linh vị cắm trên nải chuối và các hình nhân của các tộc họ tượng trưng cho những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa nhưng đã vĩnh viễn nằm lại nơi biển cả bao la, với lời thỉnh cầu, linh hồn họ sẽ trở về với đất mẹ. Đó cũng là nghi lễ nhằm tri ân những người đã vì Tổ quốc hy sinh trên vùng biển đảo.

Vốn là lễ thức văn hóa tín ngưỡng của các dòng họ có người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa tồn tại hàng trăm năm qua trên đất đảo Lý Sơn và dọc ven biển Quảng Ngãi. Vậy nên lễ thức này đã trở thành lễ thức chung của nhiều dòng họ tại Lý Sơn.

Từ năm 2013, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được nâng cấp thành lễ hội cấp tỉnh và được tổ chức long trọng, gắn với Tuần Văn hóa biển đảo tại Quảng Ngãi. Cũng trong năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với những ý nghĩa đó, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một di sản văn hóa phi vật thể hết sức quý giá, không chỉ góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, mà còn thể hiện lại đạo lý uống nước nhớ nguồn để tỏ lòng tri ân tưởng nhớ đến những hùng binh Hoàng Sa năm xưa, đã vâng mệnh triều đình ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để tuần thú, khai thác sản vật và cắm mốc khẳng định chủ quyền biển đảo. Và hình ảnh những người lính Hoàng Sa năm xưa lại trở về với đất nước hôm nay. Những con sóng giữ họ lại với biển, nhưng tinh thần bất diệt của họ luôn hiện hữu trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã góp phần bác bỏ những luận điệu sai trái của nhà cầm quyền phương Bắc về cái gọi là “chủ quyền” của họ đối với quần đào Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới