Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc phô trương sức mạnh tại khu vực giàn khoan

Trung Quốc phô trương sức mạnh tại khu vực giàn khoan

BienDong.Net: Trao đổi với báo chí hôm 10/5/2014, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm nhận định tình hình tại khu vực TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp trong khi Trung Quốc đã điều ‘hàng chục tốp máy bay’ cùng hàng chục tàu đến khu vực này.

Trong hành động phô trương sức mạnh, Trung Quốc đã đưa 3 tàu quân sự (gồm một tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 354, hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 752 và 753) và 39 tàu chấp pháp (36 tàu hải cảnh, 3 tàu hải tuần) đến khu vực này.

alt

Tàu Trung Quốc giăng hàng bảo vệ giàn khoan HD981 hoạt động trái phép

Bên cạnh đó là 14 tàu vận tải, 6 tàu dịch vụ dầu khí và 12 tàu cá. Ngoài lực lượng này phía TQ cũng có đội tàu dự bị ở tuyến sau sẵn sàng thay thế hỗ trợ.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, TQ đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho hoạt động này.

“TQ chủ động vi phạm, chuẩn bị phương án tỉ mỉ. Trong tuần qua họ luôn duy trì từ 70 đến 80 tàu hoạt động quanh khu vực giàn khoan Hải Dương – 981. TQ đã có các hành động ngang ngược, chủ động va chạm, gây những thiệt hại cho lực lượng thực thi pháp luật của VN”, ông Đạm cho biết.

Bên cạnh đó lực lượng CSBVN cũng đã phát hiện nhiều tốp máy bay của TQ hoạt động trong khu vực này. Có những máy bay hải cảnh bay áp sát tàu VN ở độ cao 200 – 300 m.

Đáng lưu ý là những ngày qua cũng phát hiện những tốp máy bay quân sự xuất phát từ căn cứ Du Lâm đến khu vực này.

“Đây cũng là vấn đề chúng tôi hết sức quan tâm (căn cứ hải quân Du Lâm đặt tại Tam Á, thành phố cực nam thuộc đảo Hải Nam của TQ. Đây được cho là căn cứ tàu ngầm của TQ) ”, tướng Đạm nói.

Ông cũng lưu ý, hành động này của TQ đã ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường an ninh hàng hải. Trong quá trình xảy ra vụ việc, có rất nhiều tàu container, tàu vận tải đi qua khu vực này.

“VN rất lo ngại sự ảnh hưởng an toàn, an ninh cho các phương tiện này. Nếu hành động vi phạm của TQ tiếp tục diễn ra chắc chắn tuyến đường hàng hải qua khu vực sẽ bị thu hẹp lại. Đây là điều VN không mong muốn”.

Trong khi đó, Chi đội kiểm ngư 3, Cục Kiểm ngư Việt Nam (đóng tại Đà Nẵng) cho hay hiện phía TQ ngang ngược không cho tàu VN vào khu vực cách vị trí giàn khoan trái phép, lên đến 10 hải lý.

So với phạm vi trước đây, hiện phía TQ ngang ngược không cho tàu Việt Nam vào khu vực cách vị trí giàn khoan trái phép, lên đến 10 hải lý. Đồng thời ngày càng hung hăng ngăn chặn không cho tàu thuyền Việt Nam tiếp cận gần giàn khoan.

Đại diện Chi đội kiểm ngư 3 của Việt Nam, ông Vương Mạnh Hòa, hôm 9/5 được các báo trong nước dẫn lời cho biết có thêm 3 kiểm ngư viên bị thương trong các cuộc đụng độ với tàu Trung Quốc, nâng con số bị thương từ phía Việt Nam lên 9 người từ khi căng thẳng nổ ra.

Vị trí đối đầu được tin là ở gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, hiện đang được đặt ở phía nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn 120 hải lý.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/5, ông Lê Khuân, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết một tàu cá của Quảng Ngãi đã bị hai tàu của Trung Quốc rượt đuổi và đâm trực diện, làm cho hư hỏng nặng khi đang khai thác hải sản gần Hoàng Sa hôm 7/5.

Về phía mình, Trung Quốc đã ngang ngược bác bỏ các cáo buộc của phía Việt Nam và nêu quan điểm cho rằng hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển ‘ngoài khơi Việt Nam’ là “hoàn toàn hợp pháp lý và có cơ sở” vì đây là vùng biển “lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc”.

“Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với Việt Nam, nhưng điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải chấm dứt quấy rối ngăn cản hoạt động của Trung Quốc và phải rút ngay tàu cùng người khỏi hiện trường”, Vụ phó Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dịch Tiên Lương nói.

Theo AFP, giữa lúc tàu Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục ‘đối đầu’ trên biển, hôm 9/5, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki – moon đã đưa ra lời kêu gọi ‘kiềm chế tối đa’ nhằm tránh căng thẳng trong khi tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp.

“Ông hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và sự tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

Phân tích tình trạng đối đầu Việt – Trung trên Biển Đông những ngày qua, RFI dẫn lời giáo sư Lý Minh Giang (Li Mingjiang), chuyên gia về an ninh Đông Á, thuộc Học viện nghiên cứu quốc tế ở Singapore, cho rằng động thái cứng rắn của Trung Quốc chống Việt Nam có thể là do lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, ông Tập Cận Bình, thiên về «cách tiếp cận mạnh tay» hơn so với các thế hệ lãnh đạo trước.

Nhưng, phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam cho thấy thái độ các nước trong khu vực đối với Trung Quốc đã cứng rắn hơn và đây là điều mà dường như Bắc Kinh không lường trước, ông nói. «Hầu như chắc chắn là Trung Quốc không tính đến việc Việt Nam có thể đưa tất cả tàu bè của mình ra nhằm đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan đi».

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới