Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTuyên bố của chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN - 24...

Tuyên bố của chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN – 24 bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông

BienDong.Net: Ngày 11/5, Chủ tịch Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 24 đã ra tuyên bố về tình hình hiện nay ở Biển Đông.

Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra ở Biển Đông. Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố này nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin; thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Theo đó, chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng của Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình hiện nay ở Biển Đông, đã được Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đưa ra ngày 10/5/2014″.

 

Các nguyên thủ Đông Nam Á tại Thượng đỉnh Asean, Naypyidaw, Myanmar (REUTERS/Soe Zeya Tun)

Một văn kiện khác của Cấp cao ASEAN 24 là tuyên bố Naypyidaw về xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 cũng nhấn mạnh lo ngại trước những diễn biến mới đây ở Biển Đông.

RFI dẫn nội dung Tuyên bố cho biết: các lãnh đạo của khối ASEAN «đồng ý đẩy mạnh hợp tác để Tuyên bố chung của các bên về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)». Cũng trong bản Tuyên bố Naypyidaw, các lãnh đạo 10 nước ASEAN đặc biệt kêu gọi «các bên liên quan kiềm chế và không dùng vũ lực, chấm dứt các hành động có thể làm căng thẳng thêm tình hình và sớm tiến tới một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)».

Trước đó, hôm 10/5, các ngoại trưởng ASEAN đã họp 3 cuộc quan trọng và lần đầu tiên kể từ năm 1995 đã nhất trí ra một tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về một tình hình cụ thể là vấn đề Biển Đông hiện nay với 4 điểm rất quan trọng.

Theo Thanh Niên, trong bản “Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình Biển Đông hiện nay”, các ngoại trưởng “bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm gia tăng tình hình căng thẳng tại khu vực”. Tuyên bố “yêu cầu các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Tuyên bố “đồng thời kêu gọi các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ” các nguyên tắc của văn kiện này. Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Không thể im lặng

Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam hôm 10/5 phát biểu trước báo chí rằng “ASEAN không thể im lặng” khi căng thẳng trên Biển Đông “gây quan ngại nghiêm trọng”.

“Chúng ta phải trung lập… ASEAN khó có thể đứng về bên nào, nhưng trung lập không đồng nghĩa với im lặng”, Bangkok Post dẫn lời ông Shanmugam cho biết sau cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN tại thủ đô của Myanmar.

“Nếu những sự kiện này xảy ra cách đây vài ngày, và các ngoại trưởng ASEAN gặp nhau hôm nay, các nguyên thủ gặp nhau ngày mai mà chúng ta không nói năng gì, thì tôi nghĩ khát khao được đóng vai trò trung tâm, thống nhất, khát khao có một khu vực hòa bình và sự toàn vẹn của chính ASEAN, sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng”, ngoại trưởng Singapore nói.

Trao đổi với Thanh Niên về kết quả mà ông gọi là “diễn biến nóng” từ thủ đô Naypyitaw của Myanmar, Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận xét: “Bản tuyên bố phản ánh sự thống nhất và đồng thuận cao giữa các lãnh đạo ASEAN so với trước đây”.

Cũng ghi nhận bản tuyên bố không đề cập cụ thể các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, như các lần AMM ra tuyên bố riêng về một vấn đề cụ thể nóng bỏng năm 1992 và 1995, nhưng giáo sư Thayer nhìn nhận “Tuyên bố này rất đáng chú ý bởi nó nhằm đến tình hình liên quan giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Ông giải thích: “Các thành viên ASEAN thường coi những tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa là một vấn đề song phương Việt – Trung. Trong trường hợp này, bản tuyên bố có thể được nhìn nhận là một sự ủng hộ đối với Việt Nam”.

Đánh giá về tác động có thể có của việc ASEAN đạt được đồng thuận trong vấn đề Biển Đông thể hiện qua bản tuyên bố ngày 10.5.2014, Giáo sư Thayer nói: “Trung Quốc sẽ phải lưu tâm đến bản tuyên bố do tất cả các ngoại trưởng ASEAN đưa ra”. Và, “Trung Quốc tất nhiên sẽ lưu tâm đặc biệt nếu bản tuyên bố được chuẩn thuận bởi các lãnh đạo của khối”, ông phân tích.

Nhận định chung về kết quả Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết: Chủ đề “Đoàn kết hướng tới một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng” của Hội nghị lần này rất phù hợp với tình hình hiện nay, trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang có những diễn biến rất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng là tình hình đang diễn ra ở Biển Đông.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (Ảnh: Hồng Kỹ).

Trả lời báo điện tử Dân Trí, Phó Thủ tướng phát biểu: “Có thể nói, vấn đề Biển Đông là trọng tâm của Hội nghị lần này. Các Nhà Lãnh đạo ASEAN đều bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với việc Trung Quốc lần đầu tiên hạ đặt giàn khoan và đưa nhiều tàu bảo vệ vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một nước thành viên ASEAN, cho rằng đây là hành động nguy hiểm, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 và Tuyên bố về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên ký kết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông cũng như hòa bình và ổn định của khu vực”.

Những mối quan tâm đó đã được phản ánh trong Tuyên bố Nay Pyi Taw về xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN – 24 cũng như Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao về vấn đề này.

Điều này thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và của khu vực nói chung; khẳng định mạnh mẽ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và của ASEAN.

Báo chí quốc tế nhận xét: Lần đầu tiên kể từ khi gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á vào năm 1997 tới nay, Myanma được quyền tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN. Việc đưa tranh chấp tại Biển Đông vào bản Tuyên bố kết thúc hội nghị Naypyidaw đánh dấu thành công ngoạn mục của ngành ngoại giao Myanma.

Trung Quốc không muốn ASEAN xen vào chuyện Biển Đông?

Theo các hãng tin quốc tế, ngay sau khi các Ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “vấn đề Biển Đông không phải chuyện giữa Trung Quốc và ASEAN”.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao nước này còn “phản đối nỗ lực của một hoặc hai nước dùng vấn để Biển Đông để làm tổn hại đến tình hữu nghị và hợp tác nói chung giữa Trung Quốc và ASEAN”.

Giới chuyên gia cho rằng phản ứng của Trung Quốc trước tuyên bố chung của ASEAN có thể dự đoán được, do từ trước tới nay, Trung Quốc luôn muốn giải quyết những trách chấp trên Biển Đông với từng nước liên quan, nhỏ hơn và yếu hơn Trung Quốc, nhằm dễ bề chèn ép.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới