Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông thực sự là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN

Biển Đông thực sự là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN

BienDong.Net: Như tin đã đưa, ngay sau khi các Ngoại trưởng ASEAN ra tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tỏ rõ thái độ khó chịu khi nói bừa rằng “vấn đề Biển Đông không phải chuyện giữa Trung Quốc và ASEAN”.

Diễn biến tiếp theo Hội nghị ASEAN 24 một lần nữa cho thấy thực tế không phải như đánh giá của đại diện nền ngoại giao Trung Quốc.

Thực tế, dù e ngại sức mạnh kinh tế và chính trị của Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo ASEAN vẫn chỉ rõ rằng họ quan tâm, lo ngại tình hình căng thẳng trên Biển Đông và đòi hỏi khu vực này phải được quản lí theo luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng sức mạnh của nước lớn.

Theo BBC, việc ASEAN “bày tỏ quan ngại sâu sắc” về vụ việc là động thái đáng ghi nhận.

Căng thẳng Biển Đông gây lo ngại cho các nước ASEAN (ảnh minh họa)

Như các nhà phân tích chỉ rõ: Sau 20 năm, tại ASEAN 24, lần đầu tiên ASEAN có một tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông.

“Điều này thể hiện sự lo ngại của tất cả các nước ASEAN, chứ không chỉ là sự lo ngại của các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực, đến hòa bình và an ninh, tự do hàng hải”, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nói.

Ông Minh cũng cho biết tại hội nghị, “tất cả các nước đều phát biểu về tình hình Biển Đông”, cho rằng tuyên bố thể hiện sự “đồng thuận” của mọi nước thành viên.

Phân tích của hãng tin AFP chia sẻ quan điểm này, cho rằng ASEAN đã lập nên “mặt trận thống nhất hiếm hoi” trước Bắc Kinh.

Bài của phóng viên Martin Abbugao nói Việt Nam và Philippines “đã thúc đẩy thành công để ASEAN đưa ra sự phê phán ngầm với Trung Quốc”.

 

Nói với AFP, giáo sư người Australia Carl Thayer chỉ ra rằng hội nghị tại Myanmar đã có giọng khác với hội nghị 2012 tại Campuchia, khi Phnom Penh khước từ các đề nghị liên quan đến Biển Đông vì sợ làm mất lòng Trung Quốc.

Tuyên bố lần này “thể hiện sự cứng rắn hơn một chút trong lập trường của ASEAN”, giáo sư Thayer nhận định

Cũng theo ông Thayer, “Tuyên bố đó tế nhị đến mức nó sẽ không làm Bắc Kinh giận dữ, nhưng lãnh đạo ASEAN bày tỏ rõ là họ chia sẻ quan ngại chung”.

Trong khi đó, tại Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói ông hài lòng vì sự “đồng thuận” của các lãnh đạo ASEAN và bản tuyên bố chung.

Vị tổng thống nói ông đã trình bày các vụ tranh chấp của Philippines với Trung Quốc tại cuộc họp.

Ông nói “không phải dễ” khi có được bản tuyên bố mà mọi thành viên ASEAN đều chấp thuận.

Báo Inquirer dẫn lời Tổng thống Philippines Aquino tiết lộ rằng tại hội nghị ở Myanmar, rất nhiều nhà lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ sự lo ngại về những căng thẳng mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông. Một nhà lãnh đạo mô tả việc Bắc Kinh đưa giàn khoan và tàu chiến tới vùng biển Việt Nam là “chính sách gây hấn nguy hiểm”.

Theo phía Indonesia, Ngoại trưởng Indonesia được chỉ thị liên lạc với Trung Quốc để bày tỏ “quan ngại và hy vọng vấn đề có thể được giải quyết tốt, ngăn không cho biến thành khủng hoảng lớn hơn”.

Phát biểu với các phóng viên sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24, Thủ tướng Malaysia Najib nói rằng, vấn đề căng thẳng trong tranh chấp trên Biển Đông đã được 10 quốc gia thành viên tham gia Hội nghị thảo luận sâu rộng.

Ông Najib nói: “Tinh thần và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế là nền tảng cho chúng ta trong việc tìm giải pháp giải quyết các tranh chấp”.

Ông khẳng định ASEAN cần có quyết tâm chung tay giải quyết vấn đề “nếu muốn tiếp tục là một tổ chức đáng được tôn trọng”.

Theo truyền thông Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long hoan nghênh tuyên bố chung ngày 10/5 của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông.

Báo Straits Times cho biết tại Myanmar Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố ASEAN cần đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc quản lý các vấn đề trên Biển Đông. Ông cảnh báo các xung đột trên biển có thể leo thang, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng và cho rằng những diễn biến vừa qua trên Biển Đông lời lời cảnh tỉnh đối với ASEAN rằng cần phải gấp thành lập COC để ngăn chặn xung đột.

Về phản ứng của Trung Quốc, đưa ra sau tuyên bố nói trên của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, rằng vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng đó luôn là quan điểm của Trung Quốc vì Trung Quốc coi các vụ xung đột trên Biển Đông là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng ASEAN cần phải thể hiện quan điểm chung về các vụ xung đột ở Biển Đông vì các sự vụ này “xảy ra ngay tại cửa ngõ của chúng ta, chúng ta phải có quan điểm vì an ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại Biển Đông”.

Ông nhấn mạnh “đó cũng là lý do vì sao các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua tuyên bố và đó cũng là quan điểm nhất quán, lâu dài mà Singapore vẫn thường thể hiện”.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới