Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung quốc thách thức dư luận quốc tế, tiếp tục thực hiện...

Trung quốc thách thức dư luận quốc tế, tiếp tục thực hiện các hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam

BienDong.net: Trong bối cảnh bị Mỹ và nhiều quốc gia lên án mạnh mẽ hành động đặt giàn khoan và hung hăng tấn công các lực lượng chức năm của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc đã phớt lờ, thậm chí vu cáo lại những nước này.

Trước hành động đặt giàn khoan HD – 981 xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam đồng thời sử dụng tàu, gồm cả tàu chiến tấn công các lực lượng chức năng của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trong vùng biển chủ quyền Việt Nam, ngày 7/5/2014, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã nêu rõ quan điểm của Washington coi hành động trên của Trung Quốc là cách hành xử “gây hấn, không giúp ích gì cho an ninh khu vực” và Mỹ “cực kỳ quan ngại về các diễn biến nguy hiểm và hăm dọa của tàu bè tại các vùng biển có tranh chấp”.


Bà Psaki khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu tới vùng biển của Việt Nam là cách hành xử “gây hấn và không giúp ích gì cho an ninh khu vực”. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lại tuyên bố Washington không có quyền đưa ra những bình luận “vô trách nhiệm” về cái mà Trung Quốc gọi là “chủ quyền” của nước này.

Không dừng lại ở đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục ngang ngược đổ lỗi cho Mỹ đã gây thêm căng thẳng ở Biển Đông. Theo hãng tin Reuters, ngày 9/5/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ đang kích động các nước có tranh chấp lãnh thổ với nước này ở Biển Đông bao gồm cả Philippines và Việt Nam. Thậm chí bà Hoa Xuân Oanh quy kết: “Hàng loạt những lời bình luận vô trách nhiệm và sai lầm gần đây từ Mỹ đã kích động các nước có hành vi nguy hiểm”, Mỹ cần “nói chuyện, hành động một cách thận trọng về các vấn đề có liên quan, ngừng đưa ra những lời nhận xét vô trách nhiệm và hành động hơn nữa để duy trì hòa bình và ổn định khu vực”.

 

Vị trí giàn khoan Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam

Ngày 8/5/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo về tình hình Biển Đông với sự tham dự của đông đảo phóng viên quốc tế. Theo đó, Trung Quốc cố gắng đưa ra thông tin không có cơ sở để lập luận với báo chí quốc tế rằng nơi đặt trái phép giàn khoan HD – 981 không thuộc vùng biển tranh chấp với Việt Nam. Để chứng minh cho sự vô lý đó, ông Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới Hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã minh họa bằng bản vẽ giản lược có đánh dấu một số đảo tại Biển Đông đồng thời đưa ra so sánh nơi đặt giàn khoan HD – 981 cách đảo Tri Tôn 17 hải lý và cách bờ biển Quãng Ngãi 150 hải lý. Tuy nhiên, ông Dịch Tiên Lương lại cố tình không đề cập tới chi tiết Tri Tôn vốn chỉ là bãi ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cả quần đảo Hoàng Sa và bãi ngầm này đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Điều này cho thấy việc Trung Quốc lấy Tri Tôn để khẳng định tính hợp pháp của hoạt động đặt giàn khoan là hoàn toàn phi lý, vi phạm cả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) lẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

 

Tàu số hiệu 37102 của Trung Quốc đâm vào mạn 1 tàu của Việt Nam

Cũng trong cuộc họp báo, ông Dịch Tiên Lương cho rằng tàu Trung Quốc chỉ sử dụng vòi rồng khi “bị tàu Việt Nam đâm” đồng thời khẳng định, chiến hạm của Trung Quốc không tham gia bất cứ hoạt động nào tại khu vực này. Trong khi đó, video clip của Việt Nam cung cấp trước đó cho thấy các tàu rất lớn, gồm cả các tàu chiến của Trung Quốc đã phối hợp tấn công, dùng vòi rồng phun nước làm hư hỏng nhiều tàu và gây ra thương tích cho nhiều người của Việt Nam. Trung Quốc cũng không đưa ra được hình ảnh nào làm bằng chứng chứng minh cho chỉ trích của nước này về việc “tàu Việt Nam quấy nhiễu tàu Trung Quốc”. Ông Dịch Tiên Lương cũng rất vô lý khi nói rằng Trung Quốc sẵn sàng cố gắng giải quyết vấn đề với Việt Nam qua đàm phán với điều kiện hết sức phi lý là Việt Nam phải rút tàu khỏi khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan DH – 981, tức thềm lục địa của Việt Nam.

 

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu của Việt Nam.

Khi các phóng viên hỏi nhiều lần về vấn đề tại sao Trung Quốc phải điều đến 80 tàu các loại để hộ tống một giàn khoan, trong khi bình thường chỉ cần 3 đến 4 tàu phục vụ là đủ, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng như đại diện Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã không giải thích được. Trước câu hỏi việc lực lượng chức năng của Trung Quốc dùng vòi rồng và cho tàu công vụ tấn công tàu Việt Nam có phải là hành vi ức hiếp thô bạo hay không và Trung Quốc đã điều bao nhiêu tàu đến khu vực giàn khoan HD – 981, trong đó có bao nhiêu tàu hải quân, Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ ra lúng túng, cố tình né tránh câu trả lời.

Thông tin ông Dịch Tiên Lương cung cấp trong họp báo vừa qua cũng trái ngược với thông tin của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình đưa ra. Vì trước đó ông Trình Quốc Bình cho rằng “không có đụng độ xảy ra” kể từ khi giàn khoan dầu khí HD – 981 được hạ đặt trên Biển Đông… Những điều này làm cho các phóng viên quốc tế tại buổi họp báo cảm thấy những câu trả lời của phía Trung Quốc không thỏa đáng, đồng thời ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề này.

BDN (Tổng hợp)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới