Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiGiàn khoan HD - 981: Bước leo thang nguy hiểm của Trung...

Giàn khoan HD – 981: Bước leo thang nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông

BienDong.net: Hạ đặt trái phép giàn khoan HD – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam không phải lần đầu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Đây là bước leo thang nguy hiểm mới nhất trong chuỗi các hoạt xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc tại Biển Đông.

Sau đây là tổng hợp của BDN để bạn đọc thấy rõ những hành động ngang ngược mang tính hệ thống của Trung Quốc.

Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan, mời thầu dầu khí, sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

Ngày 2/5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD – 981) vào định vị khoan tại vị trí 15029’58” vĩ Bắc – 111012’06” kinh Đông, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) của Việt Nam khoảng 120 hải lý. Sau đó, Cục Hải sự Trung Quốc ngang nhiên ra các lệnh cấm các loại phương tiện không được xâm nhập vào khu vực HD – 981 hoạt động. Rõ ràng hoạt động trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Nguy hiểm hơn, khi được yêu cầu chấm dứt các hoạt động phạm pháp trên, nhiều tàu dân sự và quân sự cùng máy bay của Trung Quốc đã hung hăng tấn công các lực lượng chức năng Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Những hoạt động ngang ngược, ngoan cố trên của Trung Quốc bị Việt Nam và quốc tế lên án mạnh mẽ.

 

Bản đồ minh họa vị trí giàn khoan HD – 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam

Ngày 23/6/2012, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu 09 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Trước đó, trong các năm 1974 và 1988, Trung Quốc đã bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Về vấn đề này, cho đến nay, Việt Nam vẫn liên tục kiên trì đấu tranh đòi lại bằng các biện pháp hòa bình.

Trung Quốc tấn công, bắt giữ tàu cá, cướp tài sản, xâm phạm tính mạng của ngư dân Việt Nam, quấy rối, phá hoại nhiều hoạt động hợp pháp khác của Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam

Ngày 2/1/2014, tàu cá QNg 96679 – TS khi đang khai thác hải sản gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã bị tàu kiểm ngư Trung Quốc mang số hiệu 02 tấn công, khiến tàu bị hư hại nặng. Các lực lượng Trung quốc đi trên tàu kiểm ngư số hiệu 02 còn sử dụng dùi cui hành hung 2 ngư dân đến ngất xỉu, chặt phá gần 1.000 mét dây hơi, dây neo, máy xay đá… cướp đi nhiều tài sản, ước tính tổng thiệt hại lên đến hơn 500 triệu đồng.

Ngày 3/1/2014, tàu cá QNg95739 – TS do thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh điều khiển trong khi đang đánh cá mưu sinh gần quần đảo Hoàng Sa cũng bị tàu kiểm ngư Trung Quốc trấn áp, phá hoại ngư cụ và cướp đi nhiều tài sản trên tàu.

Ngày 1/3/2014, tàu cá QNg96074 – TS của thuyền trưởng Phùng Trung Thành (xã An Hải, huyện Lý Sơn) cùng 12 ngư dân đang đánh bắt bình thường tại đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bị tàu Ngư Chính 02 của TQ khống chế, cướp đi rất nhiều tài sản, tổng thiệt hại hơn 150 triệu đồng…

Ngày 20/3/2013, khi đang đánh bắt hải sản bình thường tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, tàu cá QNg96382 – TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin.

 

Hình ảnh Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn cháy tại vùng biển Hoàng Sa ngày 20/3/2013

Tháng 1/2005, hai tàu đánh cá của ngư dân xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc và xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá trong khi đang đánh cá tại khu vực lãnh hải Việt Nam tại vịnh Bắc Bộ đã bị một tàu cảnh sát biển của Trung Quốc nổ súng tấn công bắn chết 9 người, làm bị thương 7 người và bắt giữ 8 người.

Tháng 5 năm 2011, tàu ngư chính của Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ở Lô 148, 149 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý miền Trung Việt Nam. Tháng 6 năm 2011, tàu cá Trung Quốc dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính phá hoại cáp của tàu Viking 02 của ta ở khu vực Lô 135 – 136 nằm trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý phía Nam Việt Nam. Ngày 30/11/2012, tàu cá Trung Quốc tiếp tục gây đứt cáp thu nổ địa chấn của tàu Bình Minh 02 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

 

Đoạn dây cáp bị đứt trên tàu Bình Minh 02

Trung Quốc áp đặt các lệnh cấm đoán đơn phương trên biển, tổ chức đưa tàu cá quy mô lớn xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

Từ ngày 1/1/2014, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã đơn phương ban hành quy định về việc “thực hiện Luật ngư nghiệp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Theo đó, Trung Quốc đòi người nước ngoài, tàu cá nước ngoài hoạt động “trong vùng biển thuộc quản lý” của Hải Nam, vốn tự cho mình có quyền quản lý cả vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, phải xin giấy phép. Những tàu “vi phạm” sẽ bị phạt gần 500.000 nhân dân tệ (83.000 USD) và tịch thu hải sản. Trước đó, từ năm 1999, hàng năm, Trung Quốc đều đưa ra lệnh đánh bắt cá vào mùa hè ở khu vực Biển Đông mà nước này tự nhận là thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình. Trong thời gian áp đặt lệnh cấm đánh bắt, Trung Quốc sẽ tịch thu tàu thuyền, thiết bị và cá của những ngư dân vi phạm.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tổ chức đưa tàu cá quy mô lớn xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Trong năm 2013, lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh có vùng biển miền Trung Việt Nam đã phát hiện trên 650 lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền, tranh lấn ngư trường đánh bắt thủy hải sản. Thậm chí, các tàu cá Trung Quốc xâm phạm một cách trắng trợn khi vào sâu trong vùng biển Đà Nẵng chỉ cách bán đảo Sơn Trà 25 – 40 hải lý.

 

Tàu cá Trung Quốc dưới sự hộ tống của tàu ngư chính ồ ạt tiến ra biển Trường Sa Việt Nam

Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hoạt động hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông

Từ tháng 5/2012, Trung Quốc phát hành hộ chiếu phổ thông điện tử cho công dân Trung Quốc, trong đó có in hình “đường lưỡi bò”. Việc làm này của Trung Quốc không có ý nghĩa về mặt pháp lý vì bản thân “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Đầu năm 2013, Trung Quốc chính thức phát hành Bản đồ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và công bố “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia 5 năm lần thứ 12”, trong đó có những nội dung vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.

Ngày 21/6/2012, Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và quần đảo Trung Sa với diện tích vùng biển trên 2 triệu km2, cơ bản như yêu sách “đường lưỡi bò”; đặt cơ quan hành chính ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động củng cố cơ quan lập pháp, hành pháp, quân đội và xây dựng cơ sở hạ tầng ở “Tam Sa” như: thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” trên đảo Phú Lâm; tổ chức bầu 45 đại biểu của “Hội đồng nhân dân Tam Sa”; bầu “thị trưởng”; triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng; kéo cờ trong lễ Quốc khánh Trung Quốc, tổ chức lễ kỷ niệm 100 ngày thành lập “Tam Sa”; thành lập “Tòa án Tam Sa”…

Tháng 5/2013, Bưu chính Trung Quốc đã phát hành bộ tem phổ thông gồm 6 mẫu tem mang tên Mỹ lệ Trung Hoa, trong đó có 1 mẫu tem in hình các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (mẫu tem có giá mặt tem là 1,2 nhân dân tệ, mang tên Tam Sa Thất Liên Dữ) vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

BDN (Tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới