Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiGiàn khoan Hải dương – 981: Ông Kerry quan ngại về hành...

Giàn khoan Hải dương – 981: Ông Kerry quan ngại về hành động hiếu chiến của Trung Quốc

BienDong.Net: Vượt ra ngoài khuôn khổ khu vực, căng thẳng Biển Đông do hành động của Trung Quốc liên quan đến giàn khoan Hải dương 891 đang gây lo ngại rộng khắp trên phạm vi quốc tế.

Chính giới lo ngại

Truyền thông quốc tế cho biết: Ngày 12/5, trong tuyên bố được đưa ra trước cuộc đàm phán của ông với Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugan đang ở thăm Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là “hiếu chiến” và gây quan ngại đặc biệt do những gì mà ông gọi là “thách thức của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa”.

“Chúng tôi đặc biệt quan ngại, tất cả các quốc gia đang tham gia vào giao thông hàng hải trong khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông lo ngại sâu sắc về hành động hiếu chiến này”, ông Kerry nói.

“Chúng tôi muốn các bên liên quan thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử (COC). Chúng tôi muốn thấy việc này được giải quyết một cách hòa bình thông qua Luật biển, thông qua trọng tài, và bất kỳ phương tiện nào khác, nhưng không có đối đầu trực tiếp và hành động hiếu chiến”, Ngoại trưởng Mỹ nói.


Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam (trái) (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)

BBC ngày 12/5 đưa tin: Bộ Ngoại giao Anh đã nói chuyện với Trung Quốc để nêu quan ngại về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trên Biển Đông.

Quốc vụ Khanh Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Hugo Swire ra tuyên bố nói việc hạ đặt giàn khoan ở “vùng biển tranh chấp” đã dẫn tới “căng thẳng gia tăng” trên biển.

Ông Hugo Swire ra tuyên bố như trên để ủng hộ thông cáo trước đó của người phát ngôn của Đại diện Cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) về Tình hình Căng thẳng trên Biển Đông.

Ông tiết lộ Anh đã “nêu vấn đề với chính phủ Trung Quốc ở cấp bộ”.

“Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế và hạ nhiệt căng thẳng”, đại diện ngoại giao Anh nói.

Trước đó, hôm 8/5 người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU đã ra tuyên bố về tình hình căng thẳng trên Biển Đông sau khi Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương – 981 (Haiyang Shiyou – 981) vào hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, cũng như việc các tàu thuyền nước này, trong đó có tàu quân sự, uy hiếp và gây hại cho các tàu thuyền Việt Nam.

Tuyên bố viết: “Chúng tôi quan ngại về những diễn biến giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến hoạt động của giàn khoan Hải Dương – 981. Đặc biệt, EU lo ngại các hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh trong khu vực, bằng chứng là các vụ va chạm gần đây giữa các tàu của Việt Nam và Trung Quốc. 

Chúng tôi hối thúc các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, và tiếp tục đảm bảo tự do và an toàn hàng hải. Chúng tôi cũng kêu gọi các bên thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng và tránh đưa ra các hành động đơn phương có thể gây bất lợi cho hòa bình và ổn định tại khu vực. EU sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến này”, tuyên bố viết.

Trong khi đó, truyền thông Đức dẫn lời tiến sỹ Gerhard Will, một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP), cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam không chỉ khiến Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đặc biệt quan ngại.

Ông khẳng định: “Hành động này là một sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên Biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN) và Trung Quốc đã ký kết”.

Chuyên gia Đức cũng cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rõ ràng vi phạm các quy định trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) cũng như DOC.

Tại Châu Á, ngày 12/5, Nhật Bản đã bày tỏ ủng hộ việc các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kêu gọi kiềm chế và giảm leo thang căng thẳng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản hy vọng các bên liên quan sẽ không thực hiện những hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng, và hành động kiềm chế phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo ông Suga, Nhật Bản “quan ngại sâu sắc” trước tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực do hành động đơn phương của Trung Quốc.

Một tâm điểm của truyền thông

Tờ New York Times của Mỹ số ra mới đây chạy tít: “Việt Nam đương đầu với Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp”.

“Những tranh chấp này không có gì mới, nhưng một nước Trung Quốc ngày càng hùng mạnh với những khả năng mới để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình đang gây sóng trong khu vực trong những năm vừa qua”, bài báo nhận định.

Cũng theo New York Times thì đường chín đoạn của Trung Quốc bị những người chỉ trích cho rằng không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, trang mạng của Forbes dẫn ý kiến của nhà phân tích Gordon G. Chang cho rằng vụ việc xảy ra là cách để các nhà lãnh đạo Trung Quốc thách thức cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với an ninh khu vực không lâu sau chuyến công du Châu Á của ông hồi cuối tháng trước.

“Với hành động lần này, Bắc Kinh đã vượt qua hai lằn ranh quan trọng”, bài báo dẫn nguồn từ Nelson Report, một bản tin nội bộ của Washington, nhận định.

“Đây là lần đầu tiên Trung Quốc khoan ở vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc công khai sử dụng tàu thân xám, tức tàu hải quân, để hỗ trợ cho tàu thân trắng, tức tàu hàng hải dân sự”.

Theo bài báo của Forbes, Bắc Kinh có thể đang tranh thủ lúc Washington đang tập trung vào cuộc khủng hoảng Ukraine, bày tỏ sự khinh thường ông Obama, hoặc nước này chỉ nhằm vào một nước nhỏ mà tấn công.

“Dù Trung Quốc có làm gì đi nữa thì nó cũng cực kỳ nguy hiểm”, bài báo viết.

Trong bài viết trên trang mạng của mình, kênh truyền hình Mỹ CNBC, dẫn ý kiến của hai phân tích gia Ernest Bower và Gregory Poling ở Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington cho rằng vụ việc dàn khoan này có ý nghĩa ‘quan trọng’.

“Việc Trung Quốc làm tới để đặt giàn khoan ngay sau khi chuyến Á du của Tổng thống Barack Obama cho thấy rõ quyết tâm của Bắc Kinh muốn thử phản ứng của Việt Nam, các nước trong Asean và Washington”.

Cũng theo hai vị này thì Bắc Kinh đang tìm cách ‘thay đổi lớn trên hiện trạng’ vì họ cảm thấy Washington đang bị phân tâm với tình hình ở Ukraine.

“Nếu Trung Quốc tin rằng Washington đang mất tập trung… và không sẵn sàng thực hiện những cam kết an ninh mạnh mẽ mà ông Obama đã nhắc đi nhắc lại với Nhật Bản và Philippines thì những hành động ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa sẽ để lại hậu quả lâu dài đối với khu vực và thế giới”.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới