BienDong.Net: Trung Quốc đang chơi nước cờ mạo hiểm trên Biển Đông khi ngang nhiên dùng vũ lực hòng hiện thực hóa bản đồ đường 9 đoạn bao chiếm hơn 80% vùng biển này, bất chấp lợi ích hợp pháp của các nước láng giềng.
Mặt khác, trong khi từ chối quốc tế hóa các cuộc tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc lại vừa tố ngược Việt Nam ra trước LHQ, vu cáo Việt Nam xâm phạm vùng biển Trung Quốc, khiêu khích các tàu của họ bảo vệ giàn khoan hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa và lãnh hải Việt Nam.
Tàu tuần tra Trung Quốc triển khai quanh giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh: REUTERS
Vì sao Trung Quốc hành động như vậy?
Hãng tin CNN dẫn lời Sam Bateman, học giả cao cấp thuộc chương trình an ninh hàng hải tại khoa Quốc tế trường Đại học Nanyang (Singapore) lí giải hành động này của Trung Quốc là nhằm đối phó với chiến dịch có hiệu quả mà Việt Nam đang tiến hành và giành phần thắng trong việc thu hút sự đồng tình của công luận xung quanh vụ Giàn khoan trong những tuần vừa qua kể từ khi nó bùng phát, và giành lại các vị trí đã mất.
Một số học giả khác cho rằng với việc làm này, Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền của họ đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng nước xung quanh nó, trưng ra trước thế giới hình ảnh một Trung Quốc đang là nạn nhân bị Việt Nam nhỏ bé gây rối.
Trung Quốc vẫn sợ quốc tế hóa vấn đề Biển Đông (ảnh minh họa)
Dường như sau khi đi nước cờ mạo hiểm trên thực địa khiến cho các láng giềng nổi giận, Trung Quốc đang đi nước cờ liều trên lĩnh vực ngoại giao.
Giới quan sát đặt câu hỏi, phải chăng với động thái này, Trung Quốc muốn «quốc tế hóa» hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, bởi vì cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chỉ trích các nước có tranh chấp, cũng như bên thứ ba, như Hoa Kỳ, là có ý đồ «quốc tế hóa» vấn đề này.
Tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc và vùng biển xung quanh đó là của họ phải chăng Trung Quốc muốn thuyết phục thế giới rằng bản đồ đường 9 đoạn và việc họ dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa từ cách nay 40 năm là “sự đã rồi” và nó phù hợp với Công ước Luật biển LHQ?
Nếu LHQ đứng ra làm trung gian hòa giải, như tuyên bố của người phát ngôn Tổ chức này sau khi tiếp nhận các văn kiện của phía Việt Nam và Trung Quốc, các cơ quan chức năng của LHQ sẽ phải xem xét toàn bộ các hồ sơ, chứng cứ mà các bên đưa ra và Trung Quốc sẽ không tránh khỏi việc quốc tế hóa vấn đề này, điều mà Bắc Kinh hoàn toàn không mong muốn.
Cũng như vậy, việc LHQ đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ là tiền lệ để Philippines yêu cầu sự trung gian phán quyết đối với cuộc tranh chấp giữa họ và Bắc Kinh xung quanh bãi ngầm Scarbobough và tấm bản đồ đường 9 đoạn đi cùng với vụ kiện mà Trung Quốc vẫn tránh mặt.
Chưa hết, trong thời gian Tòa án trọng tài xem xét vụ tranh chấp, các bên liên quan sẽ phải tuyệt đối kiềm chế dùng vũ lực, không được đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển theo hướng có lợi cho mình.
Đây có thể là hệ quả mà Trung Quốc không mong muốn.
Chính vì vậy, trong bài bình luận đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 10/6, chuyên gia Zachary Keck ở Washington D.C, từng làm việc trong Quốc hội cũng như Trung tâm An ninh mới của Mỹ nhấn mạnh nhìn bề ngoài, quyết định của Bắc Kinh để đưa vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 lên Liên Hiệp Quốc là khá khó hiểu.
Để chặn trước ý định của Việt Nam sử dụng luật pháp quốc tế giải quyết tranh chấp?
Theo chuyên gia Zachary Keck, quyết định đưa vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 lên Liên Hiệp Quốc của Bắc Kinh phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của nước này trước việc nhiều nước láng giềng đang nỗ lực sử dụng luật pháp quốc tế để chống lại Trung Quốc, “vô hiệu hóa” ưu thế quân sự của nước này.
Không chỉ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “Đường lưỡi bò” tranh cãi trên Biển Đông, Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng sẽ khởi kiện Bắc Kinh lên trọng tài quốc tế sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (năm 1982) và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã tham gia ký kết.
Theo ông Zachary Keck, rất nhiều quốc gia và chính phủ bao gồm Nhật, Mỹ, Australia… đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.
Trong bối cảnh đó, Zachary Keck cho rằng, bằng việc chủ động đưa vấn đề tranh chấp ra một cơ chế quốc tế (Liên Hiệp Quốc) đồng thời, nhấn mạnh các tuyên bố chủ quyền của mình, Trung Quốc muốn chặn trước ý định của Việt Nam sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp.
Theo ông Zachary Keck, Bắc Kinh có thể cho rằng, chiến lược của họ có khả năng làm Việt Nam nhụt chí “kiện tụng” và từ đó, ngăn chặn các nước khác, cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc hành động tương tự sau khi chứng kiến “những nỗ lực vô ích” để sử dụng luật quốc tế giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, chuyên gia Zachary Keck cũng nhận định, chiến lược trên là một bước đi vô cùng nguy hiểm đối với Bắc Kinh bởi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng cũng như yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý của nước này trên Biển Đông về cơ bản mâu thuẫn, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Do đó, ông Zachary Keck cho rằng sử dụng chiến lược trên, Trung Quốc cũng tự đẩy mình vào nguy hiểm, dễ hứng đòn “gậy ông đập lưng ông”.
Comments are closed.