Monday, September 9, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc di chuyển giàn khoan và vu cáo Việt Nam tại...

Trung Quốc di chuyển giàn khoan và vu cáo Việt Nam tại LHQ

BienDong.Net: Tình hình xung quanh khu vực giàn khoan vẫn căng thẳng trong khi Trung Quốc bất ngờ lên tiếng tố ngược Việt Nam khiêu khích họ tại điểm nóng này.

Đấu tranh trên biển

Theo tin từ cảnh sát biển Việt Nam, hôm 10/6, tại khu vực giàn khoan, Trung Quốc sử dụng 112 tàu để bảo vệ, cụ thể: 6 tàu chiến; 30 Hải cảnh; 4 Hải giám; 3 Hải tuần; 2 Ngư chính; 20 tàu kéo; 13 tàu vận tải; 34 tàu cá (tăng 2 tàu chiến, 1 tàu Hải cảnh, 2 Hải tuần, 2 tàu kéo; giảm: 1 tàu Hải giám, 4 tàu cá).

Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc gần khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981

Lực lượng tàu Trung Quốc vẫn chia thành 3 vòng bảo vệ và duy trì từ 6 – 8 tàu sẵn sàng ngăn cản, đâm va, hú còi, phun nước vào các tàu của VN trên mỗi hướng từ khoảng cách 8 – 10 hải lý tới giàn khoan. Lực lượng tàu đánh cá Trung Quốc kết hợp với 2 tàu Hải cảnh luôn vây ép, chặn các nhóm tàu cá của ngư dân VN ở phía tây nam giàn khoan 38 – 40 hải lý.

Theo trinh sát kỹ thuật, giàn khoan đã tác nghiệp xong ở vị trí hiện tại, có dấu hiệu di chuyển để tác nghiệp ở vị trí mới. Hiện các lực lượng chức năng của Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ mọi di biến động của giàn khoan.

Mặc dù vậy, theo hãng tin Reuters, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 10/6 khẳng định là Bắc Kinh không hề điều chiến hạm đến để bảo vệ giàn khoan, cho rằng những cáo buộc của Việt Nam là «hoàn toàn sai lạc».

Bà Oánh còn tố ngược lại rằng chính Việt Nam đã đưa nhiều tàu có vũ trang đến để cản trở hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trong khi bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 11/06/2014 lên án Hoa Kỳ làm gia tăng căng thẳng khu vực, đặc biệt là qua những cuộc tập trận chung và qua việc đưa ra những «thông điệp sai lạc» về tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Cuộc đấu tại Liên Hiệp Quốc: Trung Quốc vu cáo!

Trước đó, hôm 9/6, Phó Trưởng đoàn đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên hiệp Quốc Wang Min đã gửi một bản “tuyên bố lập trường” của Bộ ngoại giao Trung Quốc về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông lên Tổng thư ký Ban Ki – moon, đồng thời đề nghị ông Ban Ki – moon chuyển tuyên bố này đến các nước thành viên Liên hiệp quốc.

Theo AP, trong “tuyên bố lập trường” này, Bắc Kinh cáo buộc Việt Nam “xâm phạm chủ quyền” và “tìm cách làm gián đoạn bất hợp pháp” hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981.

Giàn khoan Hải Dương 981 của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) được nước này hạ đặt trái phép vào vùng biển của Việt Nam hôm 1/5. Kể từ đó, giàn khoan này đã vài lần thay đổi vị trí và hiện nằm cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 32 km, cách bờ biển Việt Nam 278 km.

“Tuyên bố lập trường” của Trung Quốc nói rằng CNOOC đã tiến hành hoạt động địa chất và nghiên cứu khu vực giếng thăm dò ở khu vực trên trong suốt 10 năm qua và hoạt động thăm dò hiện nay “là sự tiếp diễn quy trình thăm dò thông thường và nằm hoàn toàn trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”.

Cũng trong tuyên bố này, Bắc Kinh cáo buộc Việt Nam tìm cách làm gián đoạn hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 “một cách bất hợp pháp và bằng vũ lực” thông qua việc “cử tàu có vũ trang và cố tình đâm va vào tàu Trung Quốc”, bất chấp các bằng chứng trên thực tế là phía Việt Nam chỉ đưa các tàu dân sự (cảnh sát biển, kiểm ngư) ra khu vực có giàn khoan, và các tàu dân sự này nhiều lần đã bị tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng hoặc đâm va.

“Việt Nam còn cử người nhái và các nhân tố dưới nước khác tới khu vực, đồng thời thả một số lượng lớn các chướng ngại vật, bao gồm lưới đánh cá, và vật thể nổi xuống vùng nước”, Trung Quốc vu cáo.

Bản tuyên bố này nêu rằng, hành động của Việt Nam đã “vi phạm chủ quyền” của Trung Quốc, tạo ra “những nguy cơ lớn” đối với nhân sự của Trung Quốc trên giàn khoan Hải Dương 981, và “vi phạm luật pháp quốc tế”, bao gồm Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Ngoài ra, bản tuyên bố còn dẫn một số tài liệu tham khảo nhằm biện minh cho tuyên bố rằng quần đảo Hoàng Sa “là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và không có tranh chấp gì đối với quần đảo này”.

Việt Nam bác bỏ luận điệu của Trung Quốc và yêu cầu rút giàn khoan

Theo báo chí trong nước, ngày 10/6, tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã gặp Ngài John Ashe, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ để tiếp tục trao đổi ý kiến về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương – 981 (Haiyang Shiyou – 981) trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

 

Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ John Ashe. Ảnh THX/TTXVN

Tại cuộc gặp, Đại sứ Lê Hoài Trung đã nêu rõ, từ khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 ngày 1/5/2014, Trung Quốc sử dụng nhiều tàu và phương tiện, kể cả tàu quân sự, nhằm ngăn cản các cơ quan Việt Nam chấp pháp tại vùng biển của Việt Nam, thậm chí còn chủ động đâm húc, sử dụng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp và tàu cá của Việt Nam, gây thương tích cho một số cán bộ kiểm ngư và mới đây nhất còn đâm chìm một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động tại ngư trường truyền thống.

Đại sứ Lê Hoài Trung cũng khẳng định xuất phát từ chính sách nhất quán là giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế và mong muốn gìn giữ, phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, Việt Nam kiềm chế tối đa, nỗ lực giải quyết tình hình hiện nay thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Đại sứ thông báo Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp song phía Trung Quốc không những không đáp ứng đề nghị của Việt Nam mà còn gia tăng những hành động gây căng thẳng nêu trên. Đại sứ Lê Hoài Trung cũng đề nghị LHQ và cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm, ủng hộ những yêu cầu, đề nghị thiện chí của Việt Nam.

Chủ tịch ĐHĐ John Ashe bày tỏ và chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình đang diễn ra tại Biển Đông, ủng hộ chủ trương của Việt Nam nhằm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng hiện nay theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Ông cũng cho rằng các bên liên quan không nên có các hành động đơn phương làm căng thẳng gia tăng. Chủ tịch ĐHĐ cho biết văn phòng của ông theo dõi sát sao tình hình và khẳng định ông luôn sẵn sàng hỗ trợ các bên giải quyết tình hình hiện nay.

Cũng tại cuộc gặp, Đại sứ Lê Hoài Trung đã trình bày với Chủ tịch ĐHĐ John Ashe các cơ sở để khẳng định rõ hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của UNCLOS, đồng thời vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) cũng như thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về vấn đề này, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực cũng như an ninh, an toàn và tự do hàng hải. Vì vậy, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, các tàu và phương tiện ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đề nghị Trung Quốc giải quyết tranh chấp trên biển cũng như liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

 

Đại sứ Lê Hoài Trung

Đại sứ Lê Hoài Trung cũng khẳng định rõ Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời bác bỏ những lý lẽ trái với thực tế, không có cơ sở pháp lý quốc tế về các vấn đề trên trong các tài liệu Trung Quốc đã lưu hành tại LHQ, trong đó có những nội dung được đề cập tại Tuyên bố ngày 8/6/2014 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Liên hiệp quốc muốn hòa giải Việt – Trung về Biển Đông

Tin từ BBC cho biết, Liên hiệp quốc vừa tuyên bố sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Hãng tin này dẫn lời phát ngôn viên Stephane Dujarric của Liên hiệp quốc kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp bằng hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Động thái này của Liên hiệp quốc được đưa ra sau khi Việt Nam và sau đó là Trung Quốc cùng gửi hồ sơ khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki – moon. 

Nhật Bản kêu gọi không sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông

Ngày 11/6, với sự nhất trí tuyệt đối, Hạ viện Nhật Bản đã ra tuyên bố về Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan thể hiện sự kiềm chế, không sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng và áp đặt chủ quyền một cách đơn phương trên Biển Đông.

Tuyên bố nêu rõ: Hạ viện Nhật Bản tuyệt đối không chấp nhận bất cứ hành vi nào mang tính đe dọa, áp đặt hay sử dụng vũ lực để đòi quyền lợi trên cả vùng biển hay đất liền. Hòa bình và ổn định trên Biển Đông liên quan không chỉ đến quyền lợi của Nhật Bản, mà còn ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng quốc tế và cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại.

Hạ viện “kêu gọi Chính phủ Nhật Bản tăng cường phối hợp với các quốc gia khác, trước hết là với ASEAN và Mỹ, để mạnh mẽ yêu cầu các bên liên quan thể hiện sự kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế, tuyệt đối tránh các hành vi đơn phương có thể khiến tình hình căng thẳng leo thang”.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc nên rút giàn khoan

Trong cuộc họp báo qua điện thoại hôm 10/6 sau khi dự cuộc họp của các quan chức ASEAN tại Yangon, Myanmar, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel đã nêu lên hàng loạt các quan ngại của Mỹ đối với căng thẳng xung quanh Giàn khoan Hải Dương – 981 (Haiyang Shiyou – 981) cũng như việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa để khẳng định cái gọi là chủ quyền của họ trên phần lớn Biển Đông.

“Các nước tham gia tranh chấp tại Biển Đông cần bảo đảm hành vi của mình không mang tính khiêu khích… Đó là cơ sở để hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói. Bình luận cụ thể về tình hình gia tăng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc quanh khu vực Giàn khoan Hải Dương – 981, ngoài việc nhấn mạnh các bên cần thể hiện như tinh thần hợp tác, tự kiềm chế và bảo đảm an toàn cho ngư dân cũng như tàu bè, ông Russel nhận định yếu tố quan trọng để hạ nhiệt là “Trung Quốc phải rút giàn khoan”.

 

Ông Daniel Russel – Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Mặc dù Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, ông Russel lưu ý rằng Việt Nam từ lâu đã tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Hơn nữa, Việt Nam lâu nay đã thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực mà Việt Nam chính thức tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế tính từ đất liền.

Ông Russel cũng nhắc đến việc Tòa trọng tài thường trực có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) vừa yêu cầu Trung Quốc trong vòng 6 tháng phải trả lời đơn kiện của Philippines liên quan đến yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. “Đây là cơ hội quan trọng để Trung Quốc gỡ bỏ những mập mờ liên quan đến tuyên bố chủ quyền dựa trên đường 9 đoạn của mình. Chính những tuyên bố chủ quyền trên cơ sở này đang không ngừng làm gia tăng căng thẳng và bất an trong khu vực”, ông Russel nói.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới