BienDong.Net: Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác cũng như hội nghị SOM chuẩn bị cho Diễn đàn ARF diễn ra tại Myanmar trong những ngày đầu tháng 6/2014. ASEAN dường như đang có được sự đồng thuận cao hơn trên vấn đề Biển Đông sau khi Trung Quốc có hành động leo thang ở Biển Đông xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam thông qua việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
Trước đó, trong tháng 5/2014, vụ việc giàn khoan 981 đã trở thành một trọng tâm của Hội nghị ASEAN các cấp, kể cả ở Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN.Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, các Bộ trưởng đã ra Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm gia tăng tình hình căng thẳng tại khu vực; yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cũng như Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc kỷ niệm 10 năm Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); kêu gọi các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ tuyên bố này nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Tuyên bố riêng là hình thức phản ứng cao nhất của ASEAN, đòi hỏi phải có sự thống nhất chung của cả 10 nước ASEAN về nội dung, từng ngôn từ và hình thức văn bản. Đây mới là lần thứ ba trong lịch sử, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra tuyên bố riêng về một vấn đề “nóng” với lần gần đây nhất là năm 1995, cách đây hai thập kỷ. Theo thủ tục của ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao là nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao nhưng ở chính Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần này, các nước đã chia sẻ với Việt Nam về tính cấp thiết của vấn đề Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong thời điểm các Bộ trưởng Ngoại giao họp thì tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn do vậy các nước ASEAN đã vượt qua tiền lệ chưa từng có là một Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao mang tính trù bị lại ra tuyên bố riêng khi ngay trước khi Hội nghị cấp cao diễn ra. Một điểm đáng nói nữa là Tuyên bố được ra đúng trong ngày họp. Đây là điều hiếm có bởi thương lượng nội dung một bản tuyên bố thường đòi hỏi nhiều thời gian. Phát biểu của quan chức các nước ASEAN thể hiện rõ mối lo ngại của các nước đối với hành động gây hấn của Trung Quốc trên thềm lục địa của Việt Nam.
Ông Aung Lynn, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết: “ASEAN là một tổ chức khu vực gồm 10 quốc gia thành viên. Mỗi quốc gia lại có một hệ thống chính trị khác nhau nhưng khi chúng ta làm việc với tư cách ASEAN, chúng ta luôn làm việc chỉ với một tiếng nói, đó là tiếng nói chung. Đây cũng là cách mà các nước ASEAN sẽ làm trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông. Biển Đông là một khu vực quan trọng mà các quốc gia thành viên ASEAN sử dụng để triển khai lực lượng hải quân, đi ra các vùng biển khác cũng như thực hiện các hoạt động thương mại. Điều này là rất quan trọng đối với ASEAN và vì thế chúng ta muốn khu vực này phát triển hòa bình, ổn định và mang lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên ASEAN”
Ông Marty Natalegawa, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia: “Những vụ việc xảy ra như thế này càng cho thấy tầm quan trọng việc ASEAN và Trung Quốc phải sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông bởi nguy cơ của khủng hoảng, nguy cơ của các vụ va chạm tiếp theo là rất hiện hữu”.
Ông Wan Zaidi Wan Abdullah, Bộ Ngoại giao Malaysia “ASEAN cần phải sát cánh cùng nhau tìm ra một giải pháp hoà bình cho vấn đề Biển Đông”.
Tiếp đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam đã có bài phát biểu về những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông với những lời lẽ khá mạnh mẽ. Đây được coi là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ quan điểm chính thức về vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Trong bài phát biểu của mình ông Dũng nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
Ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của Khu vực và Thế giới. Song, lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế”.
Ông Dũng khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và Tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam: “Trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng này, Việt Nam đề nghị ASEAN, chúng ta tăng cường đoàn kết, thống nhất và khẳng định lại mạnh mẽ các nguyên tắc đã được nêu tại Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đặc biệt phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và cùng ASEAN thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử COC.
Việt Nam đề nghị ASEAN đưa các nội dung nêu trên về vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung của Hội nghị và Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này. Việt Nam đánh giá cao việc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, ngày 10/5/2014, đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, thể hiện rõ sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động và trách nhiệm cao của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực”.
Phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị đã gây sự chú ý đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo ASEAN và giới truyền thông quốc tế. Tổng thống Philippines Aquino đã kêu gọi Hiệp hội ASEAN cần tiếp tục tăng cường thống nhất và đoàn kết, trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn với Trung Quốc trên Biển Đông, và cho rằng đó là cách duy nhất để Hiệp hội với 10 nước thành viên này có thể trở thành một tổ chức được tôn trọng và đáng tin cậy. Tổng thống Indonesia Yudhoyono thì đề nghị ASEAN phải thể hiện và có dũng khí, cũng như phải ngăn chặn chính sách ngoại giao dựa trên sự đe dọa dùng vũ lực. Còn Thủ tướng Malaysia Najib Razak thì đề nghị trước hành động của Trung Quốc ASEAN phải thể hiện sự quyết tâm. Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thì cho rằng vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 xảy ra ngay tại cửa ngõ của ASEAN, nên ASEAN phải có quan điểm vì an ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại Biển Đông.
Điều này cho thấy, các nước ASEAN đều nhận thấy đây là hành động nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trên Biển Đông, vì với giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc cũng có thể có thực hiện hành động như vậy với các nước khác, không phải như lập luận của Trung Quốc, đây chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với một vài nước ASEAN.
Việc Tuyên bố Nay Pyi Taw của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN – 24 bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cho thấy ASEAN có sự đồng thuận cao trên vấn đề Biển Đông. Như vậy, là sau rất nhiều năm, ASEAN đã có được một tiếng nói thống nhất đối với vấn đề Biển Đông, vấn đề đã khiến ASEAN không thể đạt được quan điểm đồng thuận cách đây 2 năm.
Sự quan tâm lớn của các nước ASEAN đối với vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam cho thấy, Biển Đông không chỉ là vấn đề của riêng quốc gia nào mà nó là vấn đề chung của ASEAN. Có một điểm đặc biệt là trong khi Trung Quốc cố tình chọn vị trị đặt giàn khoan để cố gắng vô hiệu hóa tiếng nói của ASEAN vì họ cho rằng vị trí đặt giàn khoan đó chỉ liên quan tới Việt Nam và Trung Quốc, nhưng việc ASEAN cho rằng vị trí đó mặc dù chỉ liên quan tới Hoàng Sa, tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng họ vẫn có tiếng nói, nói lên quan điểm rõ ràng, bởi họ cho rằng đó là vấn đề hòa bình ổn định chung của cả khu vực.
Rõ ràng hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép và đưa hàng trăm tàu các loại vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam đang gây mối lo ngại chung cho các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Các nước ASEAN đã thấy rõ thực chất về chính sách bá quyền, từng bước xâm lấn Biển Đông của Trung Quốc. Thái độ mạnh mẽ của ASEAN đã làm thất bại mưu toan của Trung Quốc phân hóa, chia rẽ các nước ASEAN trên vấn đề Biển Đông.
BDN