Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNgư dân và chương trình tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ

Ngư dân và chương trình tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ

BienDong.Net: Theo báo chí trong nước, Chính phủ đã quyết định chủ trương đóng tàu cá vỏ thép thay thế tàu vỏ gỗ cho 3.000 tàu cá đầu tiên trong tổng số hơn 130.000 chiếc trên cả nước, tạo đột phá nhằm chuyển mạnh sang phương thức đánh cá xa bờ, nâng cao hiệu quả và chất lượng đánh bắt cá.

Phải đi biển với ngư dân để thiết kế tàu thép phù hợp

Thông tin trên được đưa ra tại buổi tọa đàm khoa học Đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân, diễn ra tại Trường đại học Giao thông Vận tải TP. HCM mới đây dưới sự chủ trì của tiến sĩ, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM (Hội Biển) và tiến sĩ Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM.

Mẫu tàu cá vỏ thép đang được giới thiệu với ngư dân – Ảnh: Thanh Niên

Theo Hội Biển, cần có những nghiên cứu tổng quan về toàn bộ kinh tế kỹ thuật ngư nghiệp và ngư dân, đồng thời, cần thực hiện đúng yêu cầu tàu mẫu trước khi đại trà, rút những bài học thất bại trước đây; khuyến khích toàn xã hội tham gia (đóng, huấn luyện sử dụng, bảo quản tàu).

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM cho rằng, chương trình thực hiện gói 10.000 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân “đóng tàu đánh bắt cá vỏ thép” muốn làm nhanh, hiệu quả thì nhà thiết kế phải đi biển trên con tàu của ngư dân để thiết kế phù hợp bởi ngư dân sẽ không dễ tiếp nhận một con tàu trong khi không biết giá thành bao nhiêu, lời lãi sau mỗi chuyến đi biển như thế nào.

Mặt khác, Nhà nước phải đứng ra bao cấp một phần vì đây là chiến lược bảo vệ hải đảo chứ không chỉ dừng lại câu chuyện đánh bắt và tiêu thụ cá.

Nhà nước cũng phải nhìn ngư dân không chỉ là người đánh cá đơn thuần mà như chiến sĩ đang bảo vệ vùng biển và vùng hải đảo của tổ quốc, ông Nguyên nói.

Về phần mình, Tiến sĩ Phạm Ngọc Hòe, chuyên gia tàu cá cho rằng đóng tàu vỏ thép phải hợp đồng với từng ngư dân, thiết kế phải bám sát với nhu cầu của ngư dân, đừng áp đặt theo kiểu đóng xong rồi giao đồng loạt cho họ. Nếu áp đặt thì sẽ phản tác dụng, Nhà nước và ngư dân cùng phá sản. Ngư dân rất muốn tàu tốt, tàu hiện đại nhưng mối quan tâm hàng đầu của họ là hiệu quả đến đâu. Do vậy trước hết phải làm mô hình mẫu cho ngư dân.

Khai thác hải theo hướng đánh bắt xa bờ

Khai thác hải sản những năm gần đây tuy đã có sự chuyển đổi mạnh cơ cấu tàu thuyền nghề ra xa bờ nhưng đến nay vẫn còn khoảng 80% số lượng thuyền nghề khai thác ven bờ bằng vỏ gỗ, không có hầm bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; đa phần bảo quản bằng đá lạnh, muối hoặc phơi khô; thực hiện chuyến biển trong ngày.

 alt

Phần lớn số tàu thuyền của ngư dân hiện nay vẫn làm bằng vỏ gỗ (ảnh BienDong.Net)

Cùng với hạn chế về đội tàu, nguồn nhân lực cho khai thác hải sản cũng chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay chỉ có 30% số thuyền trưởng, máy trưởng được đào tạo nghề, còn lại vẫn hoạt động nghề theo kiểu “cha truyền con nối”. Phần lớn ngư dân có trình độ thấp và chưa được đào tạo tay nghề.

Đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đã xác định tái cơ cấu ngành thủy sản sẽ theo hướng giảm số lượng tàu và sản lượng khai thác ven bờ, tăng sản lượng khai thác xa bờ.

Cụ thể, đến năm 2020, sản lượng xa bờ chiếm 63,6% tổng sản lượng khai thác hải sản (hiện nay chiếm 48%), sản lượng khai thác ven bờ chiếm 36,4% (hiện nay chiếm 52%). Đồng thời, tập trung tăng các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, mực, giảm mạnh sản lượng tôm và cá tạp.

Theo đó, ngành khai thác hải sản sẽ được đầu tư nguồn tài chính thích hợp để hiện đại hóa đội tàu như: đóng mới tàu vỏ thép, đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá…

Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, các thành viên Chính phủ đã thống nhất về quan điểm để sớm ra đời chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, tinh thần chung là tính toán cho ngư dân vay ưu đãi để phát triển tàu sắt dành cho đánh bắt xa bờ một cách an toàn, hiệu quả.

Chính sách này sẽ hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt được vay 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm, với lãi suất cho vay chỉ 3%/năm. Người đi vay thế chấp thân tàu và được bảo hiểm, khi có rủi ro xảy ra Nhà nước sẽ có chính sách đặc biệt hỗ trợ ngư dân yên tâm tiếp tục ra khơi, bám biển. Những tàu hậu cần cho ngư dân cũng được hưởng chính sách như những tàu đánh bắt xa bờ.

Vừa qua, 4 chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên đã được bàn giao cho ngư dân các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Ngãi theo Đề án thí điểm đội tàu đánh cá vỏ thép nhằm hiện đại hóa đội tàu đánh bắt thủy sản của Chính phủ.

Tàu vỏ thép có kinh phí từ 5 – 7 tỷ đồng, cao hơn từ 60 – 70% so với tàu vỏ gỗ nhưng bền hơn, trữ được nhiều nước, lương thực, nhiên liệu và điều kiện sinh hoạt ăn ở cho thuyền viên tốt hơn. Bên cạnh đó, các tàu vỏ thép có mức tiêu hao nhiên liệu ít hơn so với vỏ gỗ nên thời gian đánh bắt trên biển có thể kéo dài từ 2 tuần đến 1 tháng. Đặc biệt tàu vỏ thép được trang bị hệ thống đánh bắt hiện đại như máy dò cá, các khoang cá được thiết kế đúng quy chuẩn nên thời gian bảo quản cá dài hơn.

Trong Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 cũng xác định sẽ thành lập các đoàn tàu công ích hoạt động trên bốn ngư trường trọng điểm: Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã khai thác thủy sản sản xuất hiệu quả.

Các đoàn tàu công ích cùng các đội tàu hậu cần dịch vụ của các thành phần kinh tế hoạt động trên biển sẽ hình thành nên thị trường các sản phẩm dịch vụ nghề cá và các sản phẩm hải sản khai thác trên biển, tạo cơ hội, điều kiện cho lao động nghề cá có thể đi biển dài ngày, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản cho cộng đồng ngư dân.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới