BienDong.Net: Trung Quốc đang tìm cách “thay đổi thực trạng” ở Biển Đông – đó là nhận định chung của chuyên gia quốc tế, khi hành động xây dựng trái phép của Bắc Kinh đối với các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) bị phát hiện và vạch trần.
Vậy vì sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để làm cái việc bất chấp luật pháp quốc tế, đi ngược lại với những gì mà họ đã cam kết các nước ASEAN trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cần phải hành xử với hành động ngang ngược của Bắc Kinh thế nào? BDN xin giới thiệu bài phân tích về vấn đề này do báo quốc nội Petrotimes thực hiện.Theo hai nhà phân tích James Hardy và Sean O’Connor của tạp chí quốc phòng IHS Jane Defense, vào đầu năm 2014, những gì được gọi là “nhân tạo” ở bãi đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bằng vũ lực từ năm 1988) chỉ là một công sự nhà nổi bê tông nhỏ, ở trên đặt một cơ sở thông tin liên lạc, một đơn vị đồn trú và một bến tàu. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nhà nổi đó đã được bao quanh bởi một hòn đảo nhân tạo có diện tích khoảng 100.000 m2 và chỗ rộng nhất lên tới gần 400 m.
Xung quanh toàn bộ hòn đảo nhân tạo này, Trung Quốc đã xây dựng một đê chắn sóng bằng bê tông. Ngoài ra còn có bến cảng cho tàu hàng, tàu quân sự và tàu container ở phía Tây Bắc. Một tòa nhà lớn được nhìn thấy ở phía Tây Nam cùng với các cơ sở khác bao gồm nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, một nhà máy trộn bê tông và một bãi chứa nhiên liệu.
Không chỉ ở bãi đá Gạc Ma, Bắc Kinh còn đang xây dựng trái phép các hòn đảo mới trên 5 bãi ngầm khác nhau ở quần đảo Trường Sa. Việc làm ngang ngược này của Trung Quốc đã bị Việt Nam và Philippines lên án gay gắt. Manila thậm chí còn cảnh báo những hòn đảo nhân tạo này có thể được Bắc Kinh sử dụng để xây dựng một đường băng, hoặc một căn cứ quân sự, nhằm thực hiện âm mưu kiểm soát phi pháp toàn bộ Biển Đông, đe dọa đến an ninh, hòa bình ở khu vực.
Vậy quan điểm của giới chuyên gia quốc tế về việc làm này của Trung Quốc thế nào?
Hình ảnh vệ tinh chụp “đại công trường” biến đá thành đảo trái phép của Trung Quốc ở bãi đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 14/8/2014
IHS Jane Defense cảnh báo rằng, Bắc Kinh có thể dựng nên các căn cứ quân sự ở các hòn đảo nhân tạo này và sử dụng chúng làm bàn đạp cho các cuộc tấn công, xâm chiếm các đảo, đá, rạn san hô ở gần đó. Mặc dù cho đến nay, Trung Quốc vẫn dùng thủ đoạn nhấn mạnh yêu sách chủ quyền phi lý của mình bằng lực lượng tàu biển bán quân sự và chiến thuật phong tỏa (như đã làm ở Bãi Cỏ Mây), nhưng lịch sử các cuộc xung đột ở Biển Đông cho thấy, Bắc Kinh luôn chực chờ cơ hội và sẵn sàng chiếm đoạt những thứ không thuộc về mình bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn với tờ DW (Đức) mới đây, ông Gregory Poling, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ đã khẳng định: Bắc Kinh dường như đang cố gắng thay đổi tình hình thực địa để khiến cho việc xem xét, ra quyết định của Tòa án trọng tài thường trực thụ lý đơn kiện của Philippines về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông trở nên khó khăn hơn, thậm chí là không thể làm gì.
Cần nhắc lại là hồi năm 2013, khi đâm đơn kiện Trung Quốc, Manila đã yêu cầu làm sáng tỏ việc Trung Quốc (hay bất kỳ bên nào) tuyên bố chủ quyền với các bãi chìm, cũng như các bãi nửa nổi nửa chìm có phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 hay không. Trong khi đó, chiếu theo UNCLOS 1982, các bên không thể tuyên bố chủ quyền đối với các bãi chìm dưới mặt nước. Biến các bãi chìm này thành đảo, Trung Quốc đương nhiên đã khiến nội dung này trong đơn kiện của Philippines trở nên không còn ý nghĩa.
Chuyên gia Gregory Poling cũng lưu ý rằng, việc xây dựng và cải tạo (trái phép – PV) của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa không phải là mới xảy ra. Bởi, không lâu sau khi chiếm Đá Vành Khăn vào năm 1995, Trung Quốc đã bắt đầu làm công việc này. Điều quan trọng là phải nhớ rằng, vào thời điểm Trung Quốc xâm phạm Trường Sa vào những năm 80 của thế kỷ trước, Bắc Kinh đã không có gì để chiếm ngoài một vài bãi chìm và bãi đá trơ trọi.
Về việc tại sao Bắc Kinh lại chọn thời điểm này để xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, ông Poling cho rằng, đó là do pháp lý và chính trị. Bắc Kinh muốn che giấu, thay đổi tình trạng ban đầu của các bãi đá, bãi chìm mà họ đã chiếm được bằng vũ lực và thủ đoạn. Không bãi đá, bãi chìm nào mà Bắc Kinh đang cải tạo trái phép nằm gần khu vực có dầu khí, chứ chưa nói nguồn dầu khí đó có khả thi về thương mại hay không. Bên cạnh đó, ở những nơi này cũng rất khó xây dựng các cơ sở hỗ trợ việc khai thác thủy sản.
Theo ông Poling, kể cả khi Trung Quốc đưa dân ra sinh sống (trái phép – PV) trên các hòn đảo nhân tạo này thì Bắc Kinh cũng khó có thể đòi yêu sách vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa theo UNCLOS 1982.
Ông Poling cho rằng phản ứng tốt nhất đối với Việt Nam và Philippines trong trường hợp này là cần làm nổi bật tính bất hợp pháp rõ ràng của việc biến bãi đá ngầm thành đảo nổi, thay đổi hiện trạng Biển Đông mà Trung Quốc đã và đang làm; và Trung Quốc đang thách thức các khuôn khổ luật pháp quốc tế và vi phạm thỏa thuận giữa các bên. Sử dụng biện pháp pháp lý để chống lại hành động này của Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất.
Chuyên gia này nhấn mạnh, ngay bây giờ, cần phải tiến hành khảo sát chính xác các bãi chìm, đảo, đá ở Trường Sa trước khi Bắc Kinh tiếp tục công trình cải tạo và khiến không thể xác định được vị trí địa lý ban đầu của chúng nữa.
BDN