BienDong.Net: Ngày 17/9, ngay trước khi kết thúc ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp Quốc hội Hoa Kỳ tháng 9 (Quốc hội sẽ làm việc trở lại vào 12/11/2014), Thượng Nghị sĩ John McCain đã chủ trì giới thiệu Nghị quyết 567 bày tỏ quan điểm ủng hộ việc nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đồng bảo trợ cho Nghị quyết 567 có các Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy, Bob Corker, Ben Cardin và Sheldon Whitehouse.
Thượng Nghị sĩ John McCain cũng là người nêu ra việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8/2014.Nghị quyết 567 gồm một số nội dung chính sau:
– Việt Nam là đối tác quan trọng đang nổi lên mà Hoa Kỳ ngày càng chia sẻ các lợi ích chiến lược và kinh tế, bao gồm nâng cao năng lực song phương và đa phương trong các vấn đề như viện trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, bảo vệ các nguyên tắc tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, đẩy mạnh một trật tự thương mại khu vực mở và duy trì thế cân bằng quyền lực có lợi tại Châu Á – Thái Bình Dương.
– Chính phủ Việt Nam gần đây đã thực hiện nhiều bước đi khiêm tốn nhưng đáng khích lệ nhằm cải thiện nhân quyền, bao gồm ký Công ước chống Tra tấn, tăng cường số lượng đăng ký các điểm nhóm tôn giáo, nỗ lực chống nạn buôn người, rà soát lại Luật Hình sự và bắt đầu có các đối thoại cấp cao với các tổ chức nhân quyền phi Chính phủ của Mỹ và quốc tế.
– Trong bối cảnh các thách thức ngày càng tăng ở Châu Á – Thái Bình Dương và những bước đi cải thiện nhân quyền của Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ nên bắt đầu tiến trình nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Đây là vấn đề hoàn toàn thuộc thẩm quyền hành pháp và có thể thay đổi mà không cần qua quy trình lập pháp nhưng nên tham khảo ý kiến của Quốc hội.
– Việc nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vào thời điểm này chỉ riêng trong lĩnh vực bảo vệ biển và bờ biển sẽ thúc đẩy các lợi ích của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các bước sau này nới lỏng hơn nữa lệnh cấm bán vũ khí sẽ đòi hỏi Chính phủ Việt Nam phải có các bước cải thiện bền vững và quan trọng về nhân quyền, bao gồm thả tù nhân lương tâm và cải cách tư pháp.
– Hoa Kỳ nên tiếp tục đối thoại cấp cao với Việt Nam để xác định các bước đi cần thiết liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ song phương, bao gồm cả việc nới lỏng hơn nữa lệnh cấm bán vũ khí sát thương.
Đây là lần đầu tiên một Nghị quyết được giới thiệu ra Quốc hội Hoa Kỳ thể hiện mong muốn của các Nghị sĩ trong việc nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam và là cơ sở chính trị quan trọng để Chính quyền của Tổng thống Obama xem xét các bước đi trong việc bãi bỏ lệnh cấm.
Nội dung Nghị quyết 567 trước mắt đề xuất nới lỏng lệnh cấm trong các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ biển và bờ biển cho thấy Hoa Kỳ thực sự lo ngại trước những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông nên muốn tăng cường khả năng bảo vệ biển và bờ biển cho Việt Nam để đối phó với sự xâm lấn của Trung Quốc.
Để ủng hộ quan điểm của các Nghị sĩ nêu trong Nghị quyết 567, ngày 18/9, chuyên gia quốc phòng Paul J. Leaf đã viết một bài phân tích trên tờ The Diplomat có trụ sở ở Nhật và cho rằng Hoa Kỳ cần phải chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam để nâng cao sức mạnh quốc phòng cho Việt Nam.
Năm 1984, Hoa Kỳ bắt đầu áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, và lệnh cấm này chỉ được nới lỏng vào năm 2007 khi chính quyền của cựu Tổng thống Bush cho phép xuất khẩu vũ khí phi sát thương tới Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, vì nhiều lý do khác nhau, Hoa Kỳ vẫn chưa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, ông Leaf cho rằng Washington cần phải nhanh chóng thay đổi chính sách này vì chính lợi ích của Hoa Kỳ. Theo ông Leaf, môi trường an ninh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là khi Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ để thực hiện tham vọng vươn ra biển lớn, đồng thời biến các vùng biển xung quanh thành “ao nhà”. Trung Quốc đã sử dụng nguồn ngân sách quốc phòng khổng lồ để chế tạo những loại vũ khí mới, hiện đại hơn nhằm chống lại sự tiếp cận của Hoa Kỳ trong các vùng biển và không gian lân cận.
Ông Leaf cho rằng với sự tự tin vào sức mạnh quân sự của mình cũng như thái độ hoài nghi quyết tâm “xoay trục Châu Á” của Hoa Kỳ, Bắc Kinh đang ngày càng tỏ ra quyết liệt hơn, hung hăng hơn trên các vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng. Biển Đông, nơi có hơn một nửa lượng hàng hóa của thế giới đi qua, và cũng là nơi có tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt rất lớn. Tuy nhiên, vùng biển này đang ngày càng sôi sục với những hành động ngang ngược của Trung Quốc nhằm thực hiện yêu sách “đường chín đoạn”, khống chế, độc chiếm Biển Đông. Từ tháng 1/2014, Trung Quốc áp luật lệ buộc tàu cá nước ngoài phải được Trung Quốc cho phép khi đánh bắt cá trên diện tích 90% Biển Đông. Đặc biệt, tháng 5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế và phản ứng của cộng đồng thế giới.
Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, quan hệ giữa hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Gần đây, Hoa Kỳ đã có nhiều tiếng nói công khai ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh với những hành động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Rào cản lớn nhất hạn chế quan hệ quốc phòng giữa 2 nước là lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lấn tới và hung hăng ở Biển Đông đe dọa lợi ích an ninh của Hoa Kỳ thì ngày càng nhiều tiếng nói tại Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu Chính quyền Obama sớm bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Ngay từ hồi tháng 6/2014, ông Ted Osius, người được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đề cử chức vụ đại sứ thay ông David Shear đã phát biểu với báo chí rằng, đã tới lúc Washington cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm bán và chuyển giao vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng ở Biển Đông cũng như trong việc triển khai chính sách “tái cân bằng chiến lược” của Hoa Kỳ ở Châu Á – Thái Bình Dương”. Hiện Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Việc Hoa Kỳ sớm bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là một lời cảnh báo có tác dụng răn đe với Trung Quốc. Do vậy, nay chính là thời điểm để Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận, giúp cho Việt Nam có thể mua sắm vũ khí của Hoa Kỳ để phòng thủ trên biển. Đây cũng chính là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, kiềm chế sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vậy khi lệnh cấm vận vũ khí sát thương được bãi bỏ, Việt Nam sẽ có lợi gì?
Một là, Việt Nam sẽ có được thị trường vũ khí rộng mở với nhiều lựa chọn. Việt Nam sẽ được chào đón một cách cởi mở, sẽ được tạo điều kiện thông thoáng hơn để mua sắm các loại vũ khí, khí tài do Hoa Kỳ chế tạo. Không chỉ vậy, sau khi lệnh cấm vận vũ khí sát thương được bãi bỏ, thị trường vũ khí của Việt Nam không chỉ có thêm các hãng vũ khí Hoa Kỳ, mà sẽ còn là rất nhiều các công ty trang thiết bị quân sự của nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước Châu Âu thuộc khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Các quốc gia này đều có hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ. Nhiều sản phẩm vũ khí có các linh kiện chế tạo tại Hoa Kỳ, chịu ảnh hưởng của lệnh cấm vận. Trong lúc Việt Nam đang phải đối phó với sự xâm lấn trên biển từ Trung Quốc thì đây là một cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa các loại vũ khí để phòng thủ biển đảo, nhất là các loại vũ khí tầm xa.
Hai là, Việt Nam sẽ có cơ hội nghiên cứu, hợp tác phát triển vũ khí. Với một quốc gia có tiềm lực kinh tế – kĩ thuật còn non yếu như Việt Nam, điều rất cần thiết là phải đẩy mạnh nghiên cứu, tự chủ chế tạo các loại vũ khí, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân – kĩ sư trong nước, vừa hạn chế tốn kém ngoại tệ do mua sắm từ nước ngoài, có thể tiến tới xuất khẩu để thu lợi nhuận. Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này, rất cần nguồn vốn cũng như nguồn lực công nghệ – kĩ thuật cao. Nếu như có thể xem xét hợp tác cùng có lợi với các hãng vũ khí của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể đẩy mạnh tự chủ sản xuất vũ khí. Với ưu thế về năng lực tài chính mạnh mẽ và nguồn lực kĩ thuật, các hãng vũ khí của Hoa Kỳ là lựa chọn sáng giá của Việt Nam khi tìm kiếm đối tác cùng phát triển vũ khí.
Thị trường vũ khí sẽ rộng mở hơn với Việt Nam sau khi lệnh cấm vận vũ khí được bãi bỏ. Tuy nhiên, đó chỉ là cơ hội, còn có tận dụng được cơ hội đó không thì phụ thuộc nhiều vào chính Việt Nam. Lâu nay, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vũ khí từ Nga mà hiện nay quan hệ Nga – Trung khá mật thiết, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng, Nga cũng đã bán nhiều vũ khí thậm chí còn hợp tác về kỹ thuật với Trung Quốc. Do vậy, nếu chỉ mua vũ khí của Nga thì sẽ hạn chế khả năng phòng thủ của Việt Nam trước sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí của mình, tránh “để tất cả trứng vào một giỏ”. Trong chiến tranh hiện đại, sẽ không có nhiều thời gian để cứu vãn tình thế hay sửa chữa sai lầm, do vậy việc cần hơn hết là đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, từ đó đa dạng hóa chiến thuật tiến công, đa dạng hóa phương án đánh địch, tránh để đối phương tập trung áp chế. Thị trường vũ khí rộng mở với nhiều lựa chọn cũng sẽ tạo ưu thế cho Việt Nam trên bàn đàm phán, tránh bị đối tác chèn ép, áp đặt giá cả.
Bài toán đặt ra với những lãnh đạo ở Hà Nội là phải cân nhắc tổng thể các mặt lợi ích của đất nước để tận dụng cơ hội từ việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Hoa Kỳ nhằm nâng cao khả năng phòng thủ của đất nước. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay của Việt Nam là cần nâng cao khả năng phòng thủ trên bờ biển bằng các loại tên lửa răn đe tầm xa. Đây là điều Hoa Kỳ hoàn toàn có thể đáp ứng sau khi lệnh cấm vận vũ khí được bãi bỏ. Hy vọng những lãnh đạo ở Hà Nội đủ tỉnh táo để đưa ra những quyết sách đúng đắn trong lĩnh vực này.
BDN