Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMALAYSIA TÌM CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI SỰ ĐE DỌA TỪ TRUNG QUỐC

MALAYSIA TÌM CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI SỰ ĐE DỌA TỪ TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Trước những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, Malaysia đang xích lại gần Mỹ để chống lại sự đe dọa từ Trung Quốc. Từ mấy năm trở lại đây, những hành động hung hăng của Trung Quốc đã đe dọa trực tiếp đến các lợi ích của Malaysia ở Biển Đông.

Trong năm 2012 và 2013, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận đổ bộ tại khu vực bãi Tăng Mẫu trong thềm lục địa của Malaysia, cách bờ biển của Malaysia 80 hải lý. Đây cũng chính là điểm cực Nam của “đường lưỡi bò”.

Trung Quốc cũng đã nhiều lần ngăn cản, quấy phá các hoạt động dầu khí của Malaysia tại khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Malaysia. Gần đây nhất, Trung Quốc đã cho tàu quấy rối hoạt động dầu khí của Malaysia tại khu vực ngoài khơi bang Sarawak.

Từ đầu năm 2014, Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh các hoạt động lấn biển mở rộng các bãi ở Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 1988, biến các bãi này thành các đảo nhân tạo rộng hàng chục héc ta. Đặc biệt, Trung Quốc đang tập trung lấp biển ở Gạc Ma chuẩn bị xây dựng đường băng, sân bay, cầu cảng lớn nhằm biến Gạc Ma thành căn cứ quân sự để mở rộng các hoạt động gây hấn xuống phía Nam Biển Đông, bao gồm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia.

Như vậy, hành động gây hấn của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở vùng biển của các nước Việt Nam và Philippines nằm ở phía Bắc và Trung Biển Đông mà đã mở rộng đến tận vùng biển của Malaysia ở phía Nam Biển Đông. Một khi Trung Quốc đã xây dựng xong căn cứ quân sự ở Gạc Ma thì không biết điều gì sẽ xảy ra đối với Malaysia. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Malaysia chỉ còn là vấn đề thời gian. Chính điều này buộc Malaysia phải xem xét lại chính sách phòng thủ của mình, tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ, Nhật để ngăn chặn hành vi xâm lấn của Trung Quốc.

Ngày 08/9/2014, Đô đốc Jonathan Greenert, chỉ huy các hoạt động tác chiến của hải quân Mỹ, tiết lộ rằng chính phủ Malaysia gần đây đã đề nghị Mỹ triển khai các máy bay do thám P-8 Poseidon từ khu vực ở cận đông nước này. Theo một số nguồn tin, các cuộc thảo luận giữa Malaysia và Mỹ về việc sử dụng căn cứ không quân Sabah ở đông bắc Malaysia vẫn đang diễn ra. Căn cứ Sepanggar tại Sabah của Malaysia nằm ở vành đai phía Nam của Biển Đông. Việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận, sử dụng căn cứ quân sự ở Sabah đã được Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Malaysia Najib nhất trí trong chuyến thăm Malaysia của Tổng thống Obama vào tháng 4/2014.

Với vị trí quan trọng của căn cứ quân sự Sepanggar tại Sabah thì sự hiện diện của Mỹ tại đây sẽ giúp cho Mỹ kiểm soát tuyến đường hàng hải quan trọng trên Biển Đông qua eo biển Malacca; còn đối với Malaysia, điều này giúp Malaysia tăng cường an ninh cho các mỏ dầu khí ngoài khơi Sarawak trước sự đe dọa của Trung Quốc.

Mặc dù, ngày 12/9/2014, Phát ngôn viên của ông Greenert, Đại úy Hải quân Danny Hernandez cho biết, ông Greenert xác nhận, chưa có một chuyến bay của Mỹ nào từ Malaysia được chấp thuận và hai bên vẫn chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận về vấn đề này. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động gây hấn ở Biển Đông, thì đây là cơ hội để Mỹ triển khai các máy bay P-8 Poseidon ở Biển Đông để đẩy mạnh chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương” ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc.

P-8 Poseidon là máy bay do thám thế hệ mới do Boeing chế tạo. Nó có thể bay nhanh, hoạt động ở tầm cao và được trang bị các thiết bị điện tử. P-8 Poseidon có thể phát hiện tàu ngầm, cùng các khả năng khác.

Tháng 8/2014, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã chặn đường nguy hiểm một máy bay hải quân tuần tra của Mỹ tại vùng biển gần đảo Hải Nam mà Mỹ cho rằng đây là không phận quốc tế. Mỹ và Trung Quốc đã tranh cãi gay gắt trên vấn đề này. Mỹ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền tự do bay của Mỹ ở không phận quốc tế, chấm dứt những hành động khiêu khích, gây nguy hiểm đối với các máy của Mỹ. Trong khi đó, Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã cảnh báo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice trong chuyến thăm của bà đến Bắc Kinh rằng chính quyền Obama nên chấm dứt các chuyến bay giám sát ở cự ly gần bằng máy bay P-8 Poseidon bên trên Biển Đông và dọc bờ biển Trung Quốc.

Hiện nay, Philippines và Singapore là hai quốc gia duy nhất tại khu vực Đông Nam Á cho phép quân đội Mỹ triển khai tạm thời các máy bay trinh sát P-8A trên lãnh thổ của mình. Nếu máy bay trinh sát P-8A được triển khai từ Malaysia thì sẽ là một “cú đấm” mạnh vào chính sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước mối đe dọa trên biển từ Trung Quốc, Malaysia không chỉ tìm kiếm việc tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ mà còn tích cực thúc đẩy mối quan hệ quân sự với Nhật Bản. Trong ngày 08 và 09/9/2014, Tư lệnh, Thuyền trưởng Koji Tachikawa thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng 2 tàu khu trục của Hải quân Nhật JS Inazuma và JS Umigiri với khoảng 400 thủy thủ đoàn đã có chuyến thăm căn cứ Sepanggar. Phát biểu tại buổi đón tiếp 2 tàu của Nhật Bản tại Sepanggar, ông Makio Miyagawa, Đại sứ Nhật tại Malaysia cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tiêu chí về tự do hàng hải, thương mại, thông tin liên lạc… Điều này không chỉ tác động đến các quốc gia ven Biển Đông mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia ngoài khu vực. Mối đe dọa tại Biển Đông đã tạo ra mối quan tâm và đòi hỏi sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có Nhật. Ông Makio Miyagawa khẳng định Nhật bản sẽ tiếp tục hỗ trợ và tham gia vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông nói riêng và tại Châu Á nói chung.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động hiếu chiến ở Biển Đông, nhất là những hành động đe dọa trực tiếp các lợi ích của Malaysia ở Biển Đông đã thúc giục Malaysia tích cực tìm kiếm sự hợp tác với Mỹ, Nhật trong lĩnh vực quân sự.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới