Wednesday, May 8, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPHILIPPINES VẬN ĐỘNG CÁC NƯỚC CHÂU ÂU TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

PHILIPPINES VẬN ĐỘNG CÁC NƯỚC CHÂU ÂU TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Trung tuần tháng 9/2014, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã có chuyến thăm Tây Ban Nha, Bỉ, Đức và Pháp để vận động các nước Châu Âu ủng hộ Philippines trên vấn đề Biển Đông.

Tổng thống Aquino chọn 4 nước này để đến thăm vì Tây Ban Nha là quốc gia có mối quan hệ lịch sử, văn hóa lâu đời chặt chẽ với Philippines và là nhà tài trợ ODA chính cho Philippines; Bỉ là được coi là thủ đô của Châu Âu vì đây là là nơi tập trung các cơ quan đầu não của Châu Âu (Ủy ban Châu Âu, Nghị viện Châu Âu…) và NATO, còn Pháp và Đức là 2 nước có tiếng nói và vị thế hết sức quan trọng ở Châu Âu, trong đó Pháp là đồng minh truyền thống và thân cận của Mỹ ở Châu Âu.

Tại Bỉ, ngoài làm việc với lãnh đạo của Bỉ, ông Benigno Aquino còn làm việc với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Heman van Rompuy và Nghị viện Châu Âu để giải thích về quan điểm của Philippines trên vấn đề Biển Đông và đề nghị Liên minh Châu Âu ủng hộ Philippines trong việc ủng hộ sử dụng biện pháp pháp lý giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Tại các nước Châu Âu, Tổng thống Aquino đã tận dụng mọi cơ hội (tại các cuộc trao đổi với Lãnh đạo các nước Châu Âu và Chủ tịch EU, trong các cuộc họp báo và tại các buổi nói chuyện với các trung tâm nghiên cứu của các nước này…) để thông báo về quan điểm, chủ trương của Philippines trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Tổng thống Aquino đã nhận được phản hồi tích cực từ các nước Châu Âu về vấn đề Biển Đông.

Chuyến đi Châu Âu của Tổng thống Aquino diễn ra giữa lúc vụ việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc đang bước vào giai đoạn then chốt nhất, chỉ còn chưa đầy 3 tháng là đến thời hạn Trung Quốc phải nộp Bản phản biện của mình theo yêu cầu của Tòa Trọng tài. Tổng thống Aquino đến thăm Châu Âu bởi lẽ ông hiểu rõ giá trị của các nước Châu Âu là tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ việc sử dụng các cơ chế tài phán quốc tế để giải quyết các tranh chấp, bao gồm tranh chấp lãnh thổ, biển đảo. Tổng thống Aquino muốn thông qua chuyến thăm này để tranh thủ sự ủng hộ vụ kiện của Philippines.

Tại các nước này, Tổng thống Aquino đã trình bày rõ thông điệp về quan điểm của Philippines đối với vấn đề Biển Đông: một là, phát huy vai trò của ASEAN trong giải quyết các tranh chấp trên biển với Trung Quốc, đối thoại trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thúc đẩy ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); hai là, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua Tòa Trọng tài. Ông Aquino nhấn mạnh các hành động vi phạm luật pháp quốc tế không chỉ là mối nguy hiểm đối với các quốc gia tuyên bố chủ quyền trong khu vực mà còn ảnh hưởng tới cộng đồng quốc tế khi tự do hàng hải, tự do hàng không và tự do thương mại bị đe dọa.

Tổng thống Aquino cũng tranh thủ thời gian thăm các nước Châu Âu để kêu gọi các quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc tham gia cùng Philippines giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Tổng thống Aquino nhấn mạnh “Philippines tiếp tục mời gọi các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cùng tham gia với Philippines nhằm thúc đẩy giải pháp giải quyết các tranh chấp kéo dài và gây nhiều căng thẳng cho khu vực trong thời gian gần đây”. Tổng thống Aquino nhấn mạnh “Trung Quốc là nước lớn, có thực lực và sức mạnh quân sự; so với Trung Quốc thì Philippines không có gì, nhưng Philippines có lẽ phải trong tay”.

Thời gian gần đây, trước những hành động hiếu chiến, ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông các nước Châu Âu ngày càng quan tâm và tỏ thái độ mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông. Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa Việt Nam, Châu Âu đã lần đầu tiên có phát biển chính thức bày tỏ lo ngại trên vấn đề Biển Đông, kêu gọi hòa bình giải quyết tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc gây sức ép. Nếu chúng ta còn nhớ thì chính các nước Châu Âu đã chủ động đề xuất đưa nội dung vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM) tại Lào năm 2013; tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM năm nay, Châu Âu đã cùng các nước ASEAN đưa vào nội dung Tuyên bố của Hội nghị bày tỏ quan ngại về những căng thẳng ở Biển Đông.

Trong chuyến thăm Châu Âu, Tổng thống Aquino đã nhận được sự chia sẻ, đồng tình của các nước và của Chủ tịch Liên minh Châu Âu trên vấn đề Biển Đông. Tại Đức, bà Merkel, Thủ tướng Đức bày tỏ “chia sẻ những quan ngại về căng thẳng tại khu vực”; Đức tin tưởng vào cách tiếp cận thực tế và tin tưởng khả năng xử lý tranh chấp bằng công cụ pháp lý; các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế bằng pháp lý là biện pháp hữu hiệu để xử lý các tranh chấp ở Biển Đông. Bà Merkel còn cho biết trong giao tiếp với Trung Quốc bà đã nói với những người lãnh đạo Trung Quốc rằng giải quyết các tranh chấp bằng cách hợp tác luôn là hướng tiếp cận đúng đắn. Bà đề cao vai trò của các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án quốc tế vì chúng được thành lập để giải quyết tranh chấp và EU luôn ủng hộ các bên chọn cách tiếp cận này.

Kết thúc chuyến thăm Pháp, hai bên đã ra Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định khu vực Đông Nam Á; khẳng định thúc đẩy tự do, an toàn hàng hải và hàng không; thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nhanh chóng ký kết COC nhằm thúc đẩy hòa bình ổn định ở khu vực.

Tổng thống Aquino đã đạt được mục tiêu của mình trong chuyến thăm Châu Âu là làm cho các nước hiểu rõ thực trạng ở Biển Đông và quan điểm của Philippines về việc thông qua Tòa Trọng tài để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Quan điểm chung của các nước Châu Âu mà Tổng thống Aquino đến thăm cũng như của Cộng đồng Châu Âu đều là đồng tình với việc Philippines đưa các tranh chấp Biển Đông ra Tòa Trọng tài. Đây là một kết quả hết sức thuận lợi cho vụ kiện của Philippines ở vào thời điểm hiện nay. 4/5 Trọng tài viên trong vụ kiện của Philippines là người Châu Âu, sự ủng hộ của các nước Châu Âu đối với việc Philippines sử dụng Tòa Trọng tài giải quyết tranh chấp Biển Đông phần nào phản ánh quan điểm của các trọng tài viên này.

Hiểu rõ những giá trị của Châu Âu là luôn đề cao luật pháp nên Tổng thống Aquino đến đây để tranh thủ sự ủng hộ của các nước này đối với vụ việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế về tranh chấp Biển Đông và ông Aquino đã nhận được sự phản hồi tích cực từ các nước này. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với Philippines mà nó mở ra một hướng mới cho giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng pháp lý. Tổng thống Aquino đã đạt được mục tiêu đề ra trong chuyến công du Châu Âu lần này là do ông biết gắn kết sự ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông với quyền lợi của các nước Châu Âu ở khu vực.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới