Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh mất mặt khi Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận...

Bắc Kinh mất mặt khi Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam

BienDong.Net: Theo tin từ Hiệp hội Chính sách Đối ngoại có trụ sở ở Mỹ, việc Trung Quốc thể hiện sự hiếu chiến thời gian qua một lần nữa đã có tác dụng ngược trở lại khi các nước láng giềng của nước này tiếp tục củng cố tiềm lực quân sự và ký kết các thỏa thuận quốc phòng với các nước trong, ngoài khu vực.

Hôm thứ Năm vừa qua, trong một động thái mang tính chất biểu tượng, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố “Mỹ đã có các bước đi tiến tới cho phép chuyển giao thiết bị quốc phòng có liên quan đến an ninh hàng hải cho Việt Nam trong tương lai”.

Quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương kéo dài này của Mỹ được đưa ra sau một số các chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam hồi tháng Tám của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Martin Dempsey, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thượng nghị sỹ John McCain.

Nhu cầu đảm bảo an ninh hàng hải của Việt Nam đã trở lên rõ rệt hơn sau khi Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động khiêu khích này của Trung Quốc đã đánh động các quốc gia láng giềng và gây ra một làn sóng phản đối tại Việt Nam, một loạt các vụ va chạm giữa tàu hải quân Việt Nam và Trung Quốc và các vụ bạo loạn chống Trung Quốc trước khi giàn khoan này được dời đi vào ngày 16/7. Vụ đối đầu cũng gửi tín hiệu báo động tới Washington, nơi mong muốn duy trì tự do hàng hải và hạn chế tối đa xung đột ở khu vực này.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối nêu cụ thể loại vũ khí sẽ được bán cũng như thời điểm dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận mua bán vũ khí đầu tiên. Các quan chức Mỹ chỉ tiết lộ rằng bất cứ thương vụ mua bán nào cũng sẽ được xem xét trên cơ sở từng mặt hàng một, và chỉ bán các loại vũ khí phục vụ cho mục đích bảo đảm an ninh hàng hải.

Quyết định chóng vánh này của Chính quyền Obama đã làm cho nhiều nhà phân tích bị bất ngờ, bởi quyết định này được cho là sẽ được đưa ra vào cuối năm nay. Tuy vậy, quyết định này phần nhiều mang tính biểu tượng bởi phần lớn vũ khí của Việt Nam dựa trên hệ thống vũ khí có giá rẻ và chất lượng tốt của Nga. Mặc dù Việt Nam sẽ mong muốn mua thiết bị chống tàu ngầm, song các thỏa thỏa thuận mua bán đầu tiên nhiều khả năng sẽ là máy bay P-3 Orion không trang bị vũ khí của hãng Lockheed Martin được sử dụng cho việc do thám, hiện đang được Mỹ thay thế bằng máy bay P-8A thế hệ mới hơn của hãng Boeing. Các thỏa thuận mua bán trong tương lai có thể bao gồm cả máy bay và tàu chiến.

Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí này nhiều khả năng sẽ gây khó chịu cho các quan chức Trung Quốc. Việt Nam đã bác bỏ quan điểm cho rằng động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng trên biển giữa nước này với Trung Quốc, bởi Việt Nam vẫn có thể mua vũ khí từ các nước khác bao gồm cả Nga, bất kể Mỹ có dỡ bỏ lệnh cấm vận hay không. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cũng cho rằng sẽ không có phản ứng tiêu cực nào từ phía Trung Quốc bởi các loại vũ khí bán cho Việt Nam chỉ là các hệ thống phòng thủ.

Bất chấp sự trấn an từ các nhà ngoại giao Mỹ và Việt Nam, sự kiện này sẽ làm mất lòng các quan chức Trung Quốc bởi họ coi đây là sự can thiệp của Mỹ vào tình hình tranh chấp. Trung Quốc hiện tuyên bố chủ quyền đối với trên 90% diện tích Biển Đông và chắc chắn sẽ coi động thái này là một bước đi của Mỹ để hiện thực hóa chính sách “hướng về Châu Á”. Trong những ngày tới, mặc dù bận rộn với vấn đề biểu tình ở Hồng Kông, song sẽ không bất ngờ nếu Trung Quốc có một số hành động trả đũa để giữ thể diện trên khu vực Biển Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới