Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỸ THI HÀNH CHÍNH SÁCH KHÁCH QUAN TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

MỸ THI HÀNH CHÍNH SÁCH KHÁCH QUAN TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Gần đây, trên báo chí Mỹ có nhiều bài viết khuyến nghị về chính sách của Mỹ trên vấn đề Biển Đông. Trong đó cho rằng sức mạnh đang lên của Trung Quốc khiến nước này hành động ngày càng hung hăng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến những lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực, đặc biệt là về quyền tự do hàng hải và hàng không, các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, quan hệ với các đối tác và đồng minh quan trọng của Mỹ.

Tranh chấp Biển Đông và biển Hoa Đông có một số điểm tương đồng, nhưng có nhiều điểm khác biệt quan trọng. Tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông chỉ liên quan đến 2 nước Nhật Bản và Trung Quốc xoay quanh một số hòn đảo không có người ở mà cả 2 nước đều tuyên bố chủ quyền; Nhật Bản là nước có tiềm lực kinh tế mạnh thứ 3 thế giới và có Hiệp ước An ninh chung với Mỹ nên Trung Quốc khó mà có thể “bắt nạt” Nhật Bản.

Tranh chấp Biển Đông rất phức tạp liên quan đến một vùng biển rộng lớn hơn với những yêu sách về chủ quyền và các vùng biển của các nước chồng lấn nhau (tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan); đặc biệt là sự mất cân bằng về sức mạnh giữa Trung Quốc với các nước tranh chấp khác ở Biển Đông nên Trung Quốc luôn dùng sức mạnh để đe dọa lấn lướt các nước tranh chấp khác, tạo nguy cơ xung đột leo thang và nguy cơ đối với quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Các tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến việc diễn giải và áp dụng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Mỹ có lợi ích to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; Mỹ có lợi ích then chốt trong việc làm yên lòng các đồng minh và đối tác của mình trong khu vực rằng Mỹ sẽ duy trì một sự hiện diện an ninh hùng mạnh để ngăn chặn một khoảng trống quyền lực phát triển khi Trung Quốc trỗi dậy. Điều đó đòi hỏi sự can dự tích cực liên tục của Mỹ ở Biển Đông để khuyến khích các hành vi có trách nhiệm của Trung Quốc hoặc ngăn chặn sự hăm dọa, hiếu chiến ở Biển Đông.

Mỹ cần thực hiện những cam kết trong khuôn khổ Hiệp ước đồng minh với Philippines, nước đang bị Trung Quốc chĩa mũi nhọn công kích do nước này khởi kiện Trung Quốc về các vấn đề ở Biển Đông, trong đó có yêu sách “đường lưỡi bò”. Mỹ cần hành động để chứng minh rằng luôn đứng bên cạnh các đồng minh trong lúc khó khăn. Điều này sẽ giúp Mỹ củng cố vai trò ở khu vực nói chung và trong tranh chấp Biển Đông nói riêng.

Biển Đông rộng khoảng 3,5 triệu km2 và yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc thì chiếm 80% diện tích Biển Đông. Trung Quốc đang ráo riết triển khai các hoạt động để củng cố chỗ đứng ở Biển Đông như mở rộng đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa; lấn biển, mở rộng các vị trí Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông năm 1988 để biến các cấu trúc này thành các căn cứ quân sự, tạo bàn đạp mở rộng các hoạt động xuống phía Nam Biển Đông, thực hiện mục tiêu khống chế, độc chiếm Biển Đông.

“Đường lưỡi bò” được Trung Hoa Dân quốc đưa vào bản đồ năm 1947 với cái tên “Bản đồ vị trí các đảo tại Nam Hải” và đến năm 2009, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho lưu hành tấm bản đồ này tại Liên hợp quốc. Cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ về tấm bản đồ này, nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn im lặng, không chịu làm rõ nội hàm của tấm bản đồ này. Một số học giả Trung Quốc thì phát biểu với ngụ ý rằng Trung Quốc có cái gọi là “quyền lịch sử” trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò”. Trong luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 không tồn tại khái niệm về cái gọi là “quyền lịch sử” trong một vùng nước rộng lớn như vậy.

Trong mấy năm qua, trước các hành động hiếu chiến của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ven Biển Đông, chính quyền Mỹ đã có một loạt các tuyên bố công khai chỉ trích các hành vi hung hăng của Trung Quốc thông qua phát biểu của Người phát ngôn và các quan chức chính quyền, kể cả Ngoại trưởng Mỹ. Mở đầu là phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) ở Hà Nội năm 2010. Mỹ đã phản đối các hành vi đe dọa, bắt nạt các nước khác.

Quyền tự do hàng hải và hàng không là lợi ích thiết thân và cũng là giá trị của Mỹ. Những hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đang đe dọa lợi ích này của Mỹ. Tự do thương mại không bị cản trở là một phần quan trọng trong chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ”. Giải quyết hòa bình các tranh chấp và tránh biện pháp hăm dọa là mục tiêu sống còn của Mỹ và có ý nghĩa then chốt đối với việc duy trì ổn định khu vực. “Sự trỗi dậy hòa bình” mà Trung Quốc lớn tiếng rêu rao chỉ là lời nói sáo rỗng, còn trên thực tế Trung Quốc đang đe dọa các nước láng giềng và đang thách thức cộng đồng quốc tế thông qua các hành vi ngày càng hiếu chiến ở Biển Đông.

Làm rõ các yêu sách ở Biển Đông, nhất là “đường lưỡi bò” theo luật pháp quốc tế là điều cần làm trước hết hiện nay. Chính quyền Bắc Kinh luôn mập mờ, không chịu làm rõ các yêu sách của mình, nhưng chính quyền Trung Hoa Dân quốc ở Đài Loan đã bước đầu làm rõ yêu sách này thông qua phát biểu của ông Mã Anh Cửu – Tổng thống Đài Loan tại Lễ khai mạc triển lãm về Biển Đông ở Đài Bắc hôm 01/9/2014. Sự tôn trọng luật pháp quốc tế là nền tảng cơ bản của hệ thống quốc tế; sự áp đặt những tuyên bố lớn vượt ra ngoài tính pháp lý sẽ tác động sâu sắc đến quyền của nhiều nước khác và gây bất ổn ở khu vực. Dư luận đang hy vọng phát biểu của ông Mã Anh Cửu sẽ giúp làm sáng tỏ yêu sách “đường lưỡi bò” dưới góc độ luật pháp quốc tế và là cơ sở để giải quyết những tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.

Mỹ có lợi ích trong việc thúc đẩy các bên đàm phán ngoại giao để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, bất kể là song phương hay đa phương vì nó sẽ giúp giảm căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, với chính sách cứng rắn của Trung Quốc hiện nay khó có thể hy vọng về một giải pháp cho vấn đề Biển Đông thông qua đàm phán ngoại giao, kể cả việc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vì Bắc Kinh đang mưu toan phá vỡ nguyên trạng để thiết lập một cục diện mới dưới sự khống chế, điều phối của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong bối cảnh đó, Mỹ nên làm gì trong thời gian tới để bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở Biển Đông và thúc đẩy chính sách “xoay trục”? Trên cơ sở chính sách hiện nay đối với vấn đề Biển Đông, Mỹ nên tiếp tục phát triển thêm một bước với 2 nội dung cơ bản là: (i) hối thúc các bên tuân thủ các tiêu chí của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; (ii) Mỹ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trước các hành động hiếu chiến ở Biển Đông, yêu cầu các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, không đe dọa hay sử dụng vũ lực.

Điểm mấu chốt cho việc tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 là Mỹ và cộng đồng quốc tế cần kêu gọi Bắc Kinh theo gương ông Mã Anh Cửu, Tổng thống Đài Loan làm rõ lập trường của mình về “đường lưỡi bò” phù hợp với Công ước Liên hợp quốc mà Trung Quốc là thành viên. Mỹ nên làm rõ bằng những hành động của mình rằng hành vi hăm dọa của các bên tuyên bố chủ quyền sẽ dẫn đến cái giá phải trả. Mỹ nên tích cực hỗ trợ các nước Việt Nam, Philippines tăng cường năng lực hải quân của mình. Mỹ nên khuyến khích các diễn đàn đàm phán kể cả song phương lẫn đa phương, miễn là giúp giảm căng thẳng và thúc đẩy tiến trình đàm phán về COC; Mỹ cần tăng cường sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ ở Biển Đông, kể cả tàu sân bay và tàu ngầm… Đặc biệt, Mỹ cần hối thúc các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông tạm ngừng việc tiến hành các hoạt động có thể làm căng thẳng leo thang ở Biển Đông như không lấn biển mở rộng các cấu trúc làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông; không biến các cấu trúc này thành các căn cứ quân sự; không chiếm đóng các cấu trúc hiện chưa có ai chiếm đóng… Mặt khác, Mỹ cũng cần xem xét có các bước đi cần thiết nếu Trung Quốc thi hành một chiến lược quân sự mới hiếu chiến, quyết đoán hơn đe dọa sự ổn định khu vực.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới