Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamTRIỀU ĐÌNH NHÀ NGUYỄN PHÒNG THỦ VÀ CHỐNG CƯỚP BIỂN TRÊN BIỂN...

TRIỀU ĐÌNH NHÀ NGUYỄN PHÒNG THỦ VÀ CHỐNG CƯỚP BIỂN TRÊN BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Triều Nguyễn – với tư cách là triều đại phong kiến Việt Nam đầu tiên thống nhất đất nước và cũng là triều đại đã xây dựng chiến lược để quản lý lãnh thổ, lãnh hải biển đảo từ Móng Cái đến Hà Tiên. Đặc biệt triều Nguyễn đã thực hiện nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Bằng chứng là những Châu bản, thư tịch và nhiều tư liệu được các Hoàng đế triều Nguyễn ban hành, đó chính là những văn bản chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam. Triều Nguyễn đã để lại cho hậu thế một di sản lịch sử quý giá về bằng chứng sống động trong công cuộc thực thi và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí triều Nguyễn có chép …Phía Đông có dải đảo cát nằm ngang (Hoàng Sa đảo) liền với biển xanh làm hào che, phía Tây khống chế vùng Sơn Man có lũy đá dài chồng chất giữ cho vững vàng, phía Nam kề bên tỉnh Bình Định, có sườn núi Bến Đá làm mũi chặn ngang, phía Bắc tiếp giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh sa có thể làm giới hạn…

Triều Nguyễn luôn coi biển đảo là vấn đề hết sức quan trọng của đất nước. Đối với hàng ngàn đảo lớn nhỏ, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, triều Nguyễn đã triển khai nhiều biện pháp thực thi chủ quyền, quản lý và khai thác. Bên cạnh đó, triều Nguyễn cũng thi hành nhiều biện pháp trấn áp nạn hải tặc, duy trì trật tự trị an trên các vùng biển của đất nước, trước hết là chống lại bọn cướp biển tàu ô từ phương Bắc.

Trong thời kỳ triều Nguyễn trị vì, cửa biển Đại Chiêm (nay là biển Cửa Đại, Hội An) là vị trí trọng điểm của đất nước. Đây là cửa biển có vị trí chiến lược quan trọng vì có nhiều thuyền bè của các nước qua lại giao thương, đồng thời là nơi thần dân triều Nguyễn tập trung ra khơi đánh bắt sản vật biển. Nhận thức được vị trí chiến lược quan trọng này, nhà Nguyễn nói chung và thời kỳ vua Minh Mạng nói riêng đều rất quan tâm đến cửa Đại Chiêm. Một trong những vấn đề nổi bật thời kỳ vua Minh Mạng trị vì đất nước tại cửa biển Đại Chiêm là nạn cướp biển. Để đối phó với nạn cướp biển ở cửa Đại Chiêm, vua Minh Mạng đã có những hành động nhằm trấn áp bọn cướp biển để bảo vệ thuyền bè các nước qua lại và bảo vệ cho thần dân nhà Nguyễn trong những chuyến ra khơi.

Mộc bản triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt, Lâm Đồng) gồm có 34.619 bản khắc bằng gỗ là tài liệu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của nhân loại và đã được đưa vào chương trình “Ký ức thế giới”. Đây là nguồn tư liệu quý giá và có tính chính xác cao. Trong rất nhiều nội dung mà khối tài liệu này đang hàm chứa, có nội dung về việc vua Minh Mạng mạnh tay trấn áp bọn cướp biển ở cửa Đại Chiêm.

Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 59, năm Minh Mạng thứ 10 (1829), chép: Tháng 5, mé ngoài biển đảo Đại Chiêm thuộc Quảng Nam có giặc biển cướp thuyền buôn, trấn thần phi tấu. Vua như Bộ binh tâu rằng …Ngày nọ, Thanh Hóa, Nam Định có 2, 3 thuyền giặc đi lại đón cướp thuyền buôn rồi bị quan binh bắt được, địa phương được yên. Nay Quảng Nam bỗng có tin ấy, chỉ là lũ chuột vất vưởng ở đáy nồi, rồi cũng khó tránh được lưới trời. Duy cõi biển xa rộng, lũ ấy sớm thì đông tối thì tây, nhân thế mà thừa cơ lén nổi. Bọn giặc lớn ấy, không thể để chậm mà không giết, vì sợ lửa đom đóm sẽ bùng lên… Lập tức sai bọn Vệ úy vệ Thành võ là Nguyễn Đức Trường quản lĩnh binh thuyền ra biển dò bắt. Lại hạ lệnh từ Quảng Trị trở ra Bắc, từ Quảng Nam trở vào Nam, đều theo địa phận phái binh đi tuần bắt. Nếu gặp thuyền người Thanh (Trung Quốc) dị dạng, trong thuyền có súng ống binh khí, cùng là hóa vật của nước Nam cướp được, và tình hình đáng ngờ thì bắt để trị.

Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 121, năm Minh Mạng thứ 15 (1834), chép: Ở Quảng Nam có 2 thuyền giặc Thanh lén lút nổi lên ở hải phận Đại Chiêm, đón cướp của cải những người đi buôn, lại lên bờ đốt phá nhà dân. Binh thuyền do tỉnh phái đi đánh, bắn giết được mấy tên. Giặc liền giong buồm chạy về phía đông. Không bao lâu, chúng lại đến chỗ biển mé ngoài Thái Cần thuộc Quảng Ngãi, cướp bóc rồi đi. Sau đó bộ biền bắt được một chiếc thuyền lạ của người nhà Thanh (Trung Quốc) ở vũng An Vĩnh thuộc Sa Kỳ.

Được tin, vua hạ lệnh cho quan tỉnh xét hỏi và nhân đó bảo Bộ binh rằng: …Bọn thuyền người nhà Thanh cứ quen thói cũ, thường lảng vảng ở ngoài biển, mua lậu gạo, rồi gặp chỗ vắng người, nhân kẻ sơ hở, đón cướp thuyền buôn, tưởng không phải chỉ riêng một chiếc thuyền này. Và, gần đây ở hải phận Nam Ngãi cũng có hai ba chiếc thuyền giặc bị quan quân đuổi đánh, tìm đường lẩn trốn. Hiện nay gió Bắc đương lộng, thế tất chúng còn ẩn nấp quanh các hải đảo, chưa thể đi xa được. Vậy, truyền dụ cho các tỉnh từ Quảng Nam trở vào Nam tới Bình Thuận, phải nghiêm sức các bộ biền tuần dương và các tấn sở thủ sở, phải ngày đêm đi lại tuần tra, thoăn thoắt đưa như thoi, nếu gặp thuyền lạ người Thanh (Trung Quốc), có vẻ khả nghi, xét không phải là thuyền buôn, thì lập tức bắt giải để xét trị…

Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 200, năm Minh Mạng thứ 20 (1839), chép …Cách vài ngày, giặc lại ở cửa Đại Chiêm, đón cướp thuyền công giải của kho Quảng Ngãi, Suất đội Nguyễn Văn Trí ra sức đuổi bắt, đâm chết 4 tên giặc, cứu được 2 chiếc thuyền buôn. Vua nghe tin, ngợi khen, thưởng cho quan quân ở chuyến đi ấy được kỷ lục và tiền có từng bậc. Lại phái một Quản vệ bộ binh hai Suất đội Thủy sư ở Kinh và trên 90 biền binh, chia ngồi thuyền phòng dương, thuyền hiệu Tuần hải, đi ngay đuổi bắt, định cứ bắt được một chiếc thuyền giặc, thưởng cho 500 quan tiền…

Từ việc ra sức trấn áp bọn cướp biển tại cửa biển Đại Chiêm cho thấy triều đình nhà Nguyễn nói chung và vua Minh Mạng nói riêng đã có một tầm nhìn xa trong việc phòng thủ đất nước và bảo vệ thần dân. Không nhân nhượng với cướp biển là việc cần thiết vì đó có thể là mầm họa sau này. Trấn áp bọn cướp biển ở cửa Đại Chiêm không phải là việc riêng của Bộ nào mà đó là việc chung của cả vương triều. Vấn đề này đã được đem ra bàn bạc trong những buổi thiết đại triều. Những cá nhân và tập thể nếu làm tốt sẽ được vua Minh Mạng ban thưởng, còn làm không tốt sẽ bị phạt. Vua Minh Mạng mạnh tay trấn áp với bọn cướp biển thể hiện ông là một vị vua anh minh bởi ông biết đó là một việc làm để củng cố chủ quyền đất nước mà ông đang là người đứng đầu.

Trên Biển Đông, bên cạnh hải tặc tàu ô từ phương Bắc, triều Nguyễn còn phải thường xuyên đối phó với nạn cướp phá của hải tặc Chà Và từ các vùng biển đảo ở phía Nam kéo lên. Hải tặc Chà Và từng hoạt động trên một phạm vi khá rộng trong các vùng biển của An Nam. Vùng Biển Tây là nơi gánh chịu nạn hải tặc Chà Và với tần suất rất cao. Đặc biệt, thời Tây Sơn và thời Nguyễn, chúng thường xuyên cướp phá ở các đảo Hòn Tre, Hòn Cau, Hòn Rái, Hòn Cổ Rồng, Phú Quốc, biển Kiên Giang, biển Hà Tiên…

Thư tịch thời Nguyễn ghi chép về nạn hải tặc này dưới nhiều tên gọi khác nhau, gồm giặc Chà Và, giặc Chà Bà, giặc Đồ Bà, giặc Côn Lôn, trong đó tên Chà Và được sử dụng nhiều nhất. Những cuộc đụng độ giữa thủy quân từ thời chúa Nguyễn với hải tặc Chà Và được thống kê trong thư tịch như sau:

Tháng 12 năm Nhâm Tý 1792, giặc biển Chà Và đến bãi Hà Tiên cướp phá, bị quan Bảo hộ Nguyễn Văn Nhàn đem quân đánh đuổi, chúng chạy ra đảo Hòn Cau …gặp đoàn thuyền của Cai cơ Nguyễn Tiến Lượng và Nguyễn Văn Thoại đi sứ Xiêm về chặn đánh, chém hơn 30 đầu giặc, bắt sống 2 tên, thu được một chiếc thuyền…

Tháng 8 năm Bính Thìn 1796, 17 chiếc thuyền giặc biển Chà Và kéo đến đảo Hòn Tre và cướp ở Kiên Giang nhưng bị Vệ úy Nguyễn Đức Xuyên chỉ huy đánh tan tác bắt được tướng cướp và hơn 80 quân giặc, 15 chiếc thuyền.

Đến triều Nguyễn, nhiều vụ đụng độ giữa hải tặc Chà Và với thủy quân đã diễn ra liên tục vào các năm 1822, 1823, 1825, 1828, 1830, 1834 ở bãi biển Hà Tiên, đảo Hòn Rái, đảo Cổ Rồng.

Tháng 6 năm Đinh Dậu 1837, 3 chiếc thuyền hải tặc Chà Và đến đảo Hòn Rái tỉnh Hà Tiên, tuy nhiên toán cướp này đã bị Quản cơ Nguyễn Văn Do và Phòng thủ úy Nguyễn Toán đem quân đuổi đánh… bắt được đầu mục giặc là Băng Ly Ma Ô Tôn, Băng Ly Ma Cô Lý và đồng đảng 43 tên, chém được 12 đầu giặc, số còn lại nhảy xuống biển chết, thu hết được thuyền súng và khí giới…

Đảo Phú Quý, nay thuộc tỉnh Bình Thuận, cũng là một trong những điểm bị hải tặc Chà Và tấn công nhiều nhất. Bằng chứng là trong văn bản hành chính của làng Thới An trên đảo gửi lên triều đình Huế ngày 10 tháng 9 năm Quý Tỵ 1833, Lý trưởng của làng khi báo cáo về hộ tịch thuật lại rằng …ngày 9 tháng 7 năm đó, có 23 chiếc thuyền của giặc Chà Và xuất hiện gần bờ và bắn chết 32 người dân trên đảo…

Cướp biển Chà Và còn kết hợp với hải tặc tàu ô phương Bắc cướp phá tận Vịnh Bắc Bộ. Ví như …tháng 1 năm Tân Mùi, hơn 20 chiếc thuyền của hải tặc quấy nhiễu cướp bóc các thuyền buôn ở vịnh Cát Bà. Tổng đốc Lưỡng Quảng của nhà Thanh (Trung Quốc) đã gửi thư sang yêu cầu triều Nguyễn hợp quân để cùng đánh dẹp…

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới