Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTỔNG THỐNG MỸ BARACK OBAMA VÀ CHỦ TỊCH TRUNG QUỐC TẬP CẬN...

TỔNG THỐNG MỸ BARACK OBAMA VÀ CHỦ TỊCH TRUNG QUỐC TẬP CẬN BÌNH CÔNG KÍCH NHAU TẠI ÚC

BienDong.Net: Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đến Úc để tham dự Hội nghị G20. Người đứng đầu nước Mỹ và Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để công kích lẫn nhau nhằm tạo lợi thế trong triển khai chiến lược của mình đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và đối với Biển Đông nói riêng. Tổng thống Obama tranh thủ thúc đẩy chính sách “tái cân bằng chiến lược” ở Châu Á – Thái Bình Dương và can dự sâu thêm vào Biển Đông; còn Chủ tịch Tập Cận Bình tranh thủ thúc đẩy “giấc mơ Châu Á – Thái Bình Dương”, thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông.

Phát biểu tại Đại học Queensland, Australia, bên lề hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) hôm 15/11/2014, Tổng thống Obama cảnh báo về nguy cơ xung đột nhãn tiền ở khu vực Châu Á, khi Trung Quốc tranh giành chủ quyền với các nước láng giềng. Ông Obama nhận định vấn đề tranh chấp lãnh thổ, trên các hòn đảo hay bãi đá, có thể bùng phát thành nguy cơ đối đầu. Trong đó, Trung Quốc hiện là quốc gia liên quan đến một loạt tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi với các quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông và với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.

Trong bài phát biểu của mình, ông Obama nhắc lại quan điểm Mỹ hoan nghênh sự lớn mạnh của Trung Quốc, nếu quốc gia này thể hiện được vai trò trách nhiệm và hòa bình trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc “phải tuân thủ các quy tắc và luật lệ giống như các quốc gia khác, dù trong lĩnh vực thương mại hay các vấn đề trên biển”.

Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh rằng một trật tự an ninh hiệu quả ở Châu Á không thể dựa trên sự ảnh hưởng hay ép buộc, đe dọa của các nước lớn đối với nước nhỏ, mà cần dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama cam kết rằng Washington sẽ vẫn hiện diện mạnh mẽ trong khu vực; khẳng định chính sách xoay trục của Mỹ tại Châu Á là có thực và vẫn đang được thực hiện. Nói về các lợi ích lâu dài của Mỹ ở khu vực, ông Obama nhấn mạnh: “Các thế hệ người Mỹ đã phục vụ và chết ở đây để người dân Châu Á – Thái Bình Dương có thể sống tự do. Vì vậy, không ai có thể nghi ngờ quyết tâm hay cam kết của chúng tôi đối với các đồng minh trong khu vực”; đồng thời tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm các cam kết của mình mỗi ngày, sử dụng mọi phương thức – ngoại giao, quân sự, kinh tế, sự phát triển, và sức mạnh các giá trị của chúng tôi”.

Bằng bài phát biểu của mình tại Đại học Queensland, Australia, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát đi những cảnh báo mạnh mẽ đối với Trung Quốc. Lời cảnh báo được đưa ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm chính thức Bắc Kinh và dự Hội nghị cấp cao APEC đầu tháng 11/2014 cho thấy rõ những bất đồng lớn giữa Washington và Bắc Kinh về các vấn đề an ninh khu vực.

Trong khi đó, Người đứng đầu Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lại có những lời lẽ tỏ ra hòa dịu khi phát biểu tại Quốc hội Úc ngày 17/11/2014 ngay sau Hội nghị thượng đỉnh G20. Trong bài phát biểu dài tại Quốc hội Úc, ông Tập nhấn mạnh: “Nhìn nhận lịch sử cho thấy, các nước cố theo đuổi vũ lực trong quá trình phát triển đều thất bại”… “Hòa bình là quý giá và cần được bảo vệ. Quan điểm lâu dài của Trung Quốc là giải quyết hòa bình các tranh chấp với các nước có liên quan, giải quyết tranh chấp về lợi ích hàng hải thông qua đối thoại và tham vấn”.

Các nhà phân tích cho rằng, phát biểu mang tính chất ‘hòa bình’ này của Tập Cận Bình có vẻ trái ngược với những hành động hung hăng hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua. Trên thực tế thì quân đội Trung Quốc không bác bỏ khả năng xảy ra xung đột trong tranh chấp biển. Ông Tập đã đưa ra những lời biện hộ cho hành động sai trái của Bắc Kinh rằng Trung Quốc “phải luôn đề cao cảnh giác chống lại các yếu tố có thể lấy đi hòa bình” và ưu tiên cho giám sát và phòng thủ ở khu vực Biển Đông, Hoa Đông.

Nhiều nhà quan sát cho rằng với ngân sách quốc phòng ngày càng lớn Trung Quốc đang tự trang bị các khả năng để xử lý vấn đề nhiều hơn là chuyện phòng thủ hay giám sát các biên giới hàng hải, thậm chí có ý kiến cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến trên biển. Một báo cáo gần đây của Diplomat nhấn mạnh rằng, các lực lượng vũ trang của Trung Quốc đang mở rộng khả năng tấn công đổ bộ, gia tăng can dự vào các tranh chấp lãnh thổ. Một số học giả cứng rắn của Trung Quốc cũng tán thành quan điểm “sức mạnh quân sự quy mô lớn” cần được phát triển để ngăn chặn việc bị “lâm vào thế bị động” bởi các nước khác.

Giữa lúc Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” sai trái, tiến tới độc chiếm Biển Đông như hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam; xây dựng sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa; lấn biển, mở rộng các bãi ở Hoàng Sa và Trường Sa thì dư luận quốc tế không thể tin vào những lời nói hoa mỹ mà ông Tập Cận Bình nêu ra trong bài phát biểu của mình tại Quốc hội Úc hôm 17/11 vừa qua.

Các nhà phân tích đều cho rằng lời nói và hành động của Trung Quốc không đi đôi với nhau. Ông Tập chính là người đã khẳng định thêm những đánh giá của các nhà phân tích đó là “nói một đằng làm một nẻo”. Từ khi lên nắm quyền ở Bắc Kinh, ông Tập đã thi hành một chính sách hết sức cứng rắn với các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nhưng trong các bài phát biểu thì ông lại dùng những lời hoa mỹ để lừa bịp dư luận.

Ý đồ của ông Tập là muốn dùng những lời nói hoa mỹ này để đẩy Mỹ ra khỏi khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng. Cho dù ông Tập cố gắng tìm mọi cách để đánh lừa dư luận, nhưng qua các hành động thực tế của Bắc Kinh thì cộng đồng quốc tế đều thấy rõ “bộ mặt” thật của Bắc Kinh là kẻ bành trướng bá quyền.

Ngược lại, đối với Mỹ, mặc dù ông Obama phát biểu với những lời khá mạnh mẽ nhưng các nước đều thấy rõ vai trò của Mỹ trong việc duy trì hòa bình ổn định khu vực; hầu hết các nước trong khu vực đều ủng hộ chính sách “xoay trục” của Mỹ bởi đây là nhân tố quan trọng kiềm chế và ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.

Lời qua tiếng lại giữa ông chủ Nhà Trắng và ông chủ ở Trung Nam Hải cho thấy cạnh tranh Trung – Mỹ ở khu vực nói chung và ở Biển Đông, biển Hoa Đông sẽ ngày càng gay gắt. Để duy trì vị trí siêu cường số 1 của mình Mỹ cần bảo vệ những lợi ích chiến lược của Mỹ ở khu vực, trong đó có Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ý đồ của Trung Quốc muốn gạt Mỹ ra khỏi cuộc chơi ở khu vực khó có thể thực hiện được bởi chính các nước trong khu vực cần đến sự hiện diện của Mỹ để làm nhân tố đối trọng với sự lấn lướt, hăm dọa của Bắc Kinh./.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới