Friday, July 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHẠ VIỆN MỸ CHỈ TRÍCH MẠNH MẼ TRUNG QUỐC

HẠ VIỆN MỸ CHỈ TRÍCH MẠNH MẼ TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Sáng 04/12/2014, với số phiếu ủng hộ tuyệt đối (100% phiếu tán thành), Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết mang mã số H.Res – 714, nhấn mạnh sự cần thiết tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết liên quan tới vấn đề Biển Đông và Hoa Đông và chỉ trích đích danh Trung Quốc.

Nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được các nước công nhận đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông.

Nghị quyết cũng một lần nữa khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển và vùng trời ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế.

Nghị quyết nêu rõ các khu vực biển tại Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả vùng biển và vùng trời, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thịnh vượng, ổn định và an ninh của khu vực cũng như thương mại toàn cầu. Các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông vào năm 2002, theo đó các bên cam kết tôn trọng và đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được công nhận trên toàn thế giới, cũng như giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, căng thẳng đã gia tăng tại các khu vực biển và lãnh thổ có tranh chấp kể từ thời điểm đó.

Nghị quyết đã đưa ra các dẫn chứng cụ thể về các hành động hiếu chiến của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông như: tàu Trung Quốc đã cố tình đâm tàu tuần duyên Nhật Bản tại biển Hoa Đông; bắn tàu cá của Philippines; 2 lần cắt cáp tàu Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; sử dụng súng đe dọa 4 tàu đánh cá Việt Nam tại vùng biển gần quần đảo Trường Sa. Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc còn mời thầu thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2012 và hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam vào tháng 5/2014. Hơn 80 tàu Trung Quốc, trong đó có 7 tàu quân sự, đã được triển khai tại đây để hậu thuẫn hành động khiêu khích này.

Nghị quyết nhấn mạnh các tàu hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 đã hăm dọa tàu cảnh sát biển Việt Nam, vi phạm Công ước các quy tắc quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển. Tàu Trung Quốc còn đâm va, sử dụng trực thăng và vòi rồng để ngăn cản các tàu Việt Nam, đồng thời thiết lập khu vực cấm qua lại với bán kính 3 hải lý xung quanh giàn khoan Hải Dương 981. Các hành động trên nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Ngoài ra, Trung Quốc còn đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông với những quy định vi phạm Công ước Chicago của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.

Nghị quyết của Hạ viện Mỹ nhấn mạnh, tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời đã được quy định trong luật pháp quốc tế chứ không phải do bất kỳ quốc gia nào ban phát. Mỹ quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương nhằm ngăn cản nước khác thực thi quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước đó thông qua những đòi hỏi chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế hay tuyên bố thành lập đơn vị hành chính và quân sự trên các khu vực tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông, cũng như áp dụng quy định đánh bắt cá mới tại các vùng tranh chấp, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Nghị quyết nêu rõ dù không phải là bên liên quan đến các tranh chấp biển tại Biển Đông hay biển Hoa Đông nhưng Mỹ có lợi ích trong việc giải quyết một cách hòa bình, thông qua con đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế đối với các đòi hỏi gây tranh cãi. Mỹ có lợi ích trong tự do hàng hải và hàng không, các hoạt động thương mại tự do không bị cưỡng ép, hăm dọa hoặc sử dụng vũ lực. Hạ viện Mỹ kêu gọi các bên làm rõ hoặc điều chỉnh yêu sách chủ quyền và các vùng biển theo luật pháp quốc tế.

Nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Mỹ đối với việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển tại Biển Đông và biển Hoa Đông một cách hòa bình, đồng thời cam kết tiếp tục các nỗ lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một tiến trình hòa bình và phối hợp để giải quyết các tranh chấp này. Nghị quyết cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Hạ viện Mỹ đối với tự do hàng hải và hàng không, lên án các hành động cưỡng ép, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực bằng tàu quân sự hoặc dân sự nhằm cản trở sự tự do này tại các vùng biển quốc tế, thay đổi hiện trạng hoặc gây mất ổn định tại Châu Á – Thái Bình Dương.

Trong bản Nghị quyết, Hạ viện Mỹ hối thúc Trung Quốc kiềm chế, không thực thi Vùng nhận dạng phòng không mà nước này đơn phương tuyên bố tại biển Hoa Đông, không thiết lập các vùng nhận diện phòng không mới ở Biển Đông. Hạ viện Mỹ ủng hộ chính phủ Mỹ tiếp tục có những hành động duy trì tự do hàng hải, hàng không tại các vùng biển và vùng trời quốc tế tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nghị quyết H.Res – 714 kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đồng minh, bạn bè của Mỹ và các nước có tranh chấp cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc yêu cầu các bên thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC), tiến tới thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); khuyến khích chính phủ Mỹ tăng cường các quan hệ đối tác trong khu vực nhằm xây dựng năng lực trong nhận thức về biển, đảm bảo tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định cũng như sự tôn trọng đối với các nguyên tắc luật pháp đã được quốc tế công nhận.

Trước đó, Nghị quyết H.Res – 714 đã được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua ngày 21/11/2014. Bảy Hạ nghị sỹ cùng đỡ đầu Nghị quyết này là Eni F.H. Faleomavaega, Elliot Engel, Steve Chabot, Madeleine Bordallo, Ros – Latihnen, Ani Bera và Steve Stockman.

Hạ viện Mỹ lần đầu tiên thông qua Nghị quyết về Biển Đông và biển Hoa Đông với sự đồng thuận cao là do Trung Quốc gia tăng các hành vi đơn phương hiếu chiến với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nhất là từ đầu năm 2014, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động làm thay đổi nguyên trạng, phá vỡ cân bằng lực lượng ở khu vực. Mỹ đã nhiều lần hối thúc Trung Quốc kiềm chế, hành xử có trách nhiệm, nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ các ý kiến của Mỹ và ngày càng hung hăng hơn. Điều này khiến các Hạ Nghị sỹ Mỹ thấy rằng cần thể hiện một lập trường mạnh mẽ phản đối Trung Quốc.

Việc Hạ viện Mỹ lần đầu tiên thông qua một Nghị quyết với những lời lẽ mạnh mẽ lên án Trung Quốc phản ánh rõ sự bức xúc và lo ngại của cơ quan lập pháp Mỹ đối với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nội dung của Nghị quyết H.Res – 714 là sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho các nước ven Biển Đông và biển Hoa Đông trong cuộc đối phó với chính sách bá quyền trên biển của Trung Quốc./.                                                                     

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới