Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG GIỮA VIỆT NAM - TRUNG QUỐC TỪ GÓC...

VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG GIỮA VIỆT NAM – TRUNG QUỐC TỪ GÓC ĐỘ LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

BienDong.Net: Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Liên hợp quốc (trong đó Trung Quốc còn là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Do vậy, các bất đồng, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông cần phải được giải quyết theo luật pháp, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và các phán quyết của Tòa án quốc tế về quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa đều có lợi cho các yêu sách của Việt Nam.

Mặc dù, Trung Quốc đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một số cấu trúc ở Trường Sa và đưa ra đòi hỏi về vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cho các cấu trúc thuộc Trường Sa, Hoàng Sa theo yêu sách “đường 9 đoạn” cũng không thể làm thay đổi các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tính từ bờ biển đất liền của Việt Nam được xác định theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Một là, Trung Quốc không có danh nghĩa về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bởi họ chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một số cấu trúc ở Trường Sa bằng vũ lực. Theo các quy định của luật pháp quốc tế thì sự chiếm đóng một vùng lãnh thổ bằng vũ lực không thể tạo ra danh nghĩa về chủ quyền. Nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ đã quy định chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ cần được xác lập một cách hòa bình và việc thực thi chủ quyền phải được thực hiện liên tục, hòa bình, công khai và không bị phản đối của các quốc gia khác. Không có danh nghĩa về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa thì Trung Quốc không có cơ sở nào để đòi hỏi các vùng biển rộng lớn ở Biển Đông theo “đường 9 đoạn”. Hay nói cách khác, các cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không làm phát sinh vùng biển có chủ quyền hoặc quyền chủ quyền và quyền tài phán cho Trung Quốc vì Trung Quốc không có quyền sở hữu hợp pháp đối với chúng.

Hai là, giả sử như Trung Quốc có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đi chăng nữa thì họ cũng không thể đòi hỏi được một vùng biển rộng lớn ở Biển Đông bởi lẽ từ nguyên thủy các cấu trúc ở Trường Sa, Hoàng Sa đều là các bãi hoang không có người ở và các cấu trúc này không đủ điều kiện cho con người sinh sống hoặc có đời sống kinh tế riêng, do vậy các cấu trúc này không thể có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng theo quy định trong Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việc Trung Quốc đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng cho các cấu trúc thuộc Hoàng Sa, Trường Sa là vi phạm luật pháp quốc tế.

Ba là, việc Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động lấp biển, mở rộng quy mô lớn, làm thay đổi tính chất tự nhiên của các cấu trúc ở Hoàng Sa, Trường Sa, xây dựng các đảo nhân tạo thời gian qua không thể làm thay đổi tính chất pháp lý của các cấu trúc này. Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, các đảo nhân tạo chỉ có vùng biển an toàn tối đa 500 mét. Đảo nhân tạo dù lớn đến cả trăm héc ta như Trung Quốc đang tiến hành ở bãi Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo quy định của luật pháp quốc tế.

Như vậy, xét từ bất kể góc độ nào thì yêu sách về một vùng biển rộng lớn ở Biển Đông theo yêu sách “đường 9 đoạn” là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Đòi hỏi của Trung Quốc về các vùng biển rộng lớn là trái với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Ngược lại, Việt Nam có vùng đặc quyền, thềm lục địa tính từ bờ biển đất liền được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Ngoài vùng biển chồng lấn trong và ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ được tính từ bờ biển đất liền miền Bắc và miền Trung Việt Nam và bờ biển đảo Hải Nam Trung Quốc thì không có bất kỳ vùng biển nào khác được coi là chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, hợp tác cùng phát triển có thể được coi là giải pháp quá độ tạm thời ở vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia. Như vậy, Trung Quốc không có lý do gì để đòi hợp tác cùng phát triển (mà Trung Quốc gọi là “cùng khai thác”) ở vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa miền Trung và Nam Việt Nam. Chính vì vậy những hành vi đơn phương của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa miền Trung và Nam Việt Nam đã bị Việt Nam phản đối mạnh mẽ và cộng đồng quốc tế phê phán./.

                                                                                                BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới