BienDong.Net: Ngày 07/12/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa lên trang mạng của mình Văn kiện lập trường của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về vấn đề thẩm quyền của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện. Trong Văn kiện, Trung Quốc đưa ra những lập luận nhằm bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài, tuy nhiên Trung Quốc không đưa ra được bất cứ lập luận mới nào mà chỉ nhắc lại những luận điệu cũ rích nên không thể bác bỏ được thẩm quyền của Tòa.
Thứ nhất, Trung Quốc cho rằng bản chất của nội dung vụ kiện là vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với các cấu trúc địa lý ở Biển Đông, và vấn đề này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước và không liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước.
Trung Quốc lập luận rằng họ có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông (quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa)) và các vùng nước phụ cận và tất cả các vấn đề ở Biển Đông liên quan đến chủ quyền các quần đảo này. Các nội dung kiện của Philippines chủ yếu liên quan đến chủ quyền lãnh thổ đối với một số cấu trúc biển ở Biển Đông. Nội dung này nằm ngoài phạm vi của Công ước và không liên quan đến việc áp dụng Công ước. Như vậy, Tòa Trọng tài không có thẩm quyền đối với các nội dung kiện do Philippines đệ trình.
Lập luận này của Trung Quốc đã xuyên tạc sự thật lịch sử để biện minh cho những yêu sách của họ nhằm lừa bịp Tòa Trọng tài vì trên thực tế Việt Nam mới là nước có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong các văn bản của luật pháp quốc tế về biển hoàn toàn không có khái niệm về “vùng nước phụ cận” như Trung Quốc nêu trong văn bản lập trường của họ.
Do vậy, Trung Quốc không thể lấy lập luận này để bác bỏ thẩm quyền của Tòa.
Trong Tuyên bố khởi kiện, Philippines đã chủ động đề nghị Tòa không xem xét vấn đề chủ quyền đối với các cấu trúc biển mà các bên cùng yêu sách; chỉ yêu cầu Tòa ra phán quyết về sự phù hợp của các yêu sách biển của Trung Quốc đối với các quy định của Công ước, cụ thể là đề nghị Tòa ra phán quyết yêu sách “đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Nội dung này là thuộc thẩm quyền của Tòa theo quy định của Điều 288 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Về vấn đề quy chế pháp lý của 8 cấu trúc nêu trong Tuyên bố khởi kiện của Philippines, Trung Quốc cho rằng khi chủ quyền đối với các cấu trúc này chưa được xác định thì Tòa không có thẩm quyền xem xét quy chế pháp lý của nó. Đây là lập luận hoàn toàn không có căn cứ bởi Tòa hoàn toàn có quyền xem xét và ra phán quyết về giải thích, áp dụng các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đối với quy chế pháp lý của các cấu trúc này.
Trong Văn kiện, Trung Quốc trích dẫn Công hàm số CML/8/2011 ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Trung Quốc gửi Tổng Thư Ký Liên hợp quốc nói rằng “theo những quy định liên quan của Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982, cũng như là Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp (1992) và Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1998), Quần đảo Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc hoàn toàn có đầy đủ Lãnh hải, Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa”. Giả sử như Trường Sa thuộc về Trung Quốc thì đây cũng là một đòi hỏi vô lý, trái với quy định của Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Do vậy, Tòa cần xem xét áp dụng các điều khoản của Công ước để phán xét yêu sách của Trung Quốc có phù hợp hay không. Chính nội dung Công hàm này của Trung Quốc đã tạo ra thẩm quyền của Tòa đối với vụ kiện.
Thứ hai, Trung Quốc đưa ra lập luận giữa Trung Quốc và Philippines có nhận thức chung về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán, và Philippines không có quyền đơn phương khởi kiện ra Tòa Trọng tài. Lập luận này của Trung Quốc là không phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Đúng là luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 khuyến khích các nước thông qua đàm phán để giải quyết các tranh chấp. Tuy nhiên, thời gian đàm phán không phải là vô hạn và đàm phán phải trên cơ sở bình đẳng, không ép buộc. Luật pháp quốc tế đã quy định rõ sau một thời gian đàm phán nếu không đạt kết quả thì có thể đưa vấn đề tranh chấp ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế. Trong Tuyên bố khởi kiện, Philippines đã nói rõ không thể đàm phán với Trung Quốc để giải quyết vấn đề Biển Đông vì thực tế Trung Quốc không muốn giải quyết mà chỉ muốn gây sức ép để buộc các nước chấp nhận yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thứ ba, trong Văn kiện, Trung Quốc lập luận rằng dù chủ đề của vụ kiện liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước thì nội dung thực chất của vụ kiện này sẽ vẫn có thể là một phần không thể tách rời của phân định biển và thuộc phạm vi bảo lưu của Tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc và do đó Tòa không có thẩm quyền xét xử. Đây là một lập luận không có cơ sở bởi lẽ Philippines đã chủ động đề nghị Tòa không xem xét vấn đề phân định các vùng biển chồng lấn giữa Philippines và Trung Quốc, cũng như giữa các nước này với Việt Nam ở Biển Đông, không thuộc phạm vi thẩm quyền của Tòa theo Điều 288 Công ước. Trên thực tế, các nội dung Philippines đề nghị Tòa xem xét và ra phán quyết cũng không liên quan gì đến vấn đề phân định biển. Do vậy, lập luận này không thể bác bỏ được thẩm quyền của Tòa.
Thứ tư, Trung Quốc lập luận rằng theo luật pháp quốc tế, mỗi quốc gia được tự do lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp, do vậy Tòa Trọng tài phải tôn trọng hoàn toàn quyền của các quốc gia thành viên Công ước được lựa chọn các biện pháp giải quyết tranh chấp theo ý của các nước. Trung Quốc là một thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Trung Quốc phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Công ước. Chính việc Trung Quốc gây sức ép đòi Philippines từ bỏ vụ kiện là vi phạm nguyên tắc tôn trọng quyền của mỗi quốc gia được lựa chọn biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trung Quốc cũng lập luận thẩm quyền của bất kỳ cơ quan tài phán hay trọng tài quốc tế nào đối với tranh chấp giữa các quốc gia phụ thuộc vào sự chấp thuận trước của các bên tranh chấp và coi đây như một nguyên tắc trong luật pháp quốc tế. Đây hoàn toàn là một sự bịa đặt. Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 quy định rất rõ ràng rằng một bên có thể đơn phương khởi kiện một bên khác ra Tòa Trọng tài về những vấn đề liên quan đến việc áp dụng, giải thích Công ước mà không cần sự chấp thuận của bên kia. Sau khi nghiên cứu rất kỹ các quy định của luật pháp quốc tế, Philippines đã chọn Tòa Trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 để khởi kiện Trung Quốc bởi đây là cơ chế tài phán duy nhất không cần sự chấp thuận của bên bị kiện mà Tòa vẫn có thẩm quyền xem xét và ra phán quyết.
Trong Văn kiện lập trường, Trung Quốc khẳng định rằng Trung Quốc luôn thực hiện nhất quán chính sách quan hệ hữu nghị với các quốc gia láng giềng, và đấu tranh cho việc giải quyết công bằng các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và phân định biển thông qua đàm phán, trên cơ sở bình đẳng và 5 Nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Điều này hoàn toàn trái ngược với những hành động trên thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh các hoạt động gây hấn, xâm lấn vùng biển của các nước láng giềng, Trung Quốc cũng đang đơn phương tiến hành nhiều hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Trung Quốc hoàn toàn không muốn giải quyết các bất đồng trên biển với các nước ven Biển Đông mà chỉ muốn dùng sức mạnh kinh tế và quân sự để gây sức ép buộc các nước liên quan phải chấp nhận yêu sách phi lý của họ.
Một điều cần nhấn mạnh ở đây là nội dụng chính trong Tuyên bố khởi kiện của Philippines là bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong Văn kiện lập trường ngày 07/12/2014, Trung Quốc không đưa ra được bất cứ một giải thích nào về yêu sách phi lý này của họ và cũng không đưa ra được bất kỳ lập luận nào để bác bỏ thẩm quyền của Tòa xem xét và ra phán quyết về “đường lưỡi bò”.
Tóm lại, Văn kiện lập trường của Trung Quốc về vấn đề thẩm quyền của Tòa Trọng tài vụ kiện của Philippines chỉ nêu lại những quan điểm đơn phương lâu nay của Trung Quốc, không có nội dung nào mới. Những lập luận này đều thiếu tính thuyết phục, các lập luận đều không phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, thậm chí có lập luận còn xuyên tạc, bóp méo sự thật và viện dẫn sai luật pháp quốc tế cũng như các án lệ. Do vậy, Văn kiện này của Trung Quốc không thể bác bỏ được thẩm quyền của Tòa đối với các nội dung trong Tuyên bố khởi kiện của Philippines. Chúng ta tin tưởng rằng Tòa Trọng tài sẽ có cái nhìn khách quan để xem xét các nội dung kiện của Philippines để đưa ra phán quyết công bằng, khách quan; tạo cơ sở pháp lý để giải quyết hòa bình tranh chấp giữa các bên trong vụ kiện; làm rõ hơn các tranh chấp pháp lý giữa các bên trong vụ kiện và các bên thứ ba có liên quan, góp phần bảo vệ và duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông./.
BDN