BienDong.Net: Biendong.net tiếp tục giới thiệu đến quý độc giả ý kiến của chính giới và các chuyên gia quốc tế về nguy cơ đối với hoà bình ổn định và tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông do yêu sách “đường 9 đoạn” tạo ra:
Ông Richard Cronin, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson: “Hiện tại, tác động của “đường 9 đoạn” tới sự ổn định của khu vực là rất đáng kể. Đường 9 đoạn chính là nguồn gốc của hầu hết các căng thẳng quan trọng ở Đông Nam Á. Về dài hạn, nó cũng sẽ tác động đến tự do hàng hải”.
Erik Franckx, thành viên Toà Trọng tài thường trực, Trưởng Khoa Luật Quốc tế và Châu Âu, Đại học Vrije, Brussel, Bỉ: “Tôi nghĩ yêu sách này (yêu sách đường 9 đoạn) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tự do, an toàn hàng hải vì các nước không biết Trung Quốc muốn gì. Khi bạn đang đánh bắt cá ở một khu vực nào đó, bỗng nhiên tàu tuần duyên Trung Quốc đi tới yêu cầu bạn dừng lại và bạn không hiểu tại sao họ lại làm thế. Việc này sẽ tạo ra một tình huống phi an ninh hàng hải và gây ra nhiều căng thẳng không cần thiết trong khu vực”.
Tiến sĩ Chris Robert, Giảng viên cao cấp về Chính trị và an ninh Châu Á, Quyền Phó Giám đốc trường An ninh quốc gia, Đại học quốc gia Úc: “Cách Trung Quốc xử lý vấn đề này, như là công khai “đường 9 đoạn” và các hành động của Trung Quốc. Điều này đã làm tăng mức độ quả quyết trong cách hành xử của Trung Quốc trong những năm gần đây, cũng tạo ra yếu tố gây mất an ninh và ngờ vực giữa các quốc gia và sự mở rộng của nó làm tổn hại khá nhiều tới chính sách ngoại giao mềm mỏng của Trung Quốc bởi vì sự thiếu tin cậy và nghi ngờ không chỉ ở các nước có yêu sách mà còn tới các nước láng giềng trong khu vực, như là đất nước của tôi – nước Úc”.
Ông Gregory Poling, Nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ: “Xuất phát từ sự mập mờ của “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) cũng như những vi phạm rõ ràng của đường này đối với luật pháp quốc tế, bao gồm cả luật điều ước và luật tập quán, tôi coi “đường 9 đoạn” như một mối đe dọa đối với an ninh dầu mỏ của toàn khu vực Châu Á nói chung. Có thể nhận thấy rõ ràng rằng “đường 9 đoạn” là mối đe dọa cho các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách tại Biển Đông, nguyên nhân phần lớn là vì “đường 9 đoạn” được nhìn nhận như một “tín hiệu” cho thấy Trung Quốc có vẻ không muốn tuân thủ luật quốc tế. Tôi nghĩ, đối với các nước ASEAN có yêu sách cũng như Mỹ hay các cường quốc khác, “đường 9 đoạn” là sự khẳng định ý đồ của Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường trong thế kỷ 21. Những gì chúng ta nhìn thấy hiện tại đó là Trung Quốc đang mong muốn biến “đường đoạn” trở thành căn cứ pháp lý duy nhất, đáp ứng được những lợi ích của mình nhưng đồng thời cũng cho phép Trung Quốc bỏ qua luật pháp quốc tế. Đó rõ ràng không phải là cách thức để có được sự ổn định”.
Giáo sư Stein Tonesson, Viện Nghiên cứu hoà bình Oslo, Nauy: “Vấn đề là ở chỗ hầu hết người dân Trung Quốc nghĩ rằng mọi thứ nằm trong “đường 9 đoạn” đều thuộc về họ. Và, dĩ nhiên, điều này tạo ra sự khiêu khích đối với các nước láng giềng khác tại Biển Đông. Không may là cách suy nghĩ này, điều hiểu lầm này cũng tồn tại cả trong các ban, ngành, lực lượng của Trung Quốc. Vì vậy, các tàu khảo sát của Trung Quốc, lực lượng hải quân Trung Quốc hay các đơn vị khác đều đang cố gắng để đòi hỏi quyền tài phán tại các khu vực mà rõ ràng thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Ma – lai – xia, Bru – nây và Phi – líp – pin”.
Ông Probal Kumar Ghosh, Tiến sĩ, nghiên cứu viên cao cấp Quỹ Nghiên cứu quan sát Ấn Độ bày tỏ: “Nói thật, tôi hơi hoài nghi về giá trị pháp lý của “đường 9 đoạn” bởi vì yêu sách này đòi hỏi 80% diện tích Biển Đông, do đó, từ góc độ pháp lý, tôi không nghĩ yêu sách này có cơ sở pháp lý. Yêu sách này hơi thái quá bởi vì Trung Quốc muốn yêu sách các đường giao thông huyết mạch trên biển nối liền với Ấn Độ Dương, do vậy, tôi cực kỳ lo ngại đối với tự do hàng hải ở đây. Tại vì sao? Bởi vì hiện nay Trung Quốc đang yêu sách 80% diện tích Biển Đông, điều này rất ngược đời, bởi vì, nếu Trung Quốc yêu sách như vậy thì vấn đề tự do hàng hải qua các đường giao thông huyết mạch trên biển đó và cả những người sử dụng các đường giao thông đó thì sao. Tôi cảm thấy khá là ngạc nhiên. Về quan điểm của Ấn Độ, Ấn Độ rất quan ngại về đường yêu sách này, lý do rất đơn giản: 50% thương mại của Ấn Độ đi qua khu vực này, vậy điều gì sẽ xảy ra với vấn đề tự do hàng hải ở đó? Trước đây Ấn Độ đã tuyên bố rằng Ấn Độ đầu tư rất lớn vào khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản một cách hợp pháp ở đây”.
Tiến sĩ Christophe Eck, Tổng Giám đốc điều hành Công ty luật Gide Loyrette Nouel, Pháp: “Chúng ta đang ở trong tình huống là chúng ta có luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các luật lệ khác điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đột nhiên đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” gây ra nhiều nhiễu loạn bởi vì không ai biết được cơ sở pháp lý của nó. Cơ sở và nguồn gốc của yêu sách đó không hề rõ ràng. Và phía Trung Quốc cũng chưa bao giờ nêu cụ thể cả. Các giải thích mà cộng đồng quốc tế có được từ phía Trung Quốc cũng không rõ ràng, và không hề có sự đồng thuận nào về mục đích của đường 9 đoạn. Có thể “đường 9 đoạn” thể hiện một yêu sách về chủ quyền, nhưng yêu sách đó dựa trên cơ sở gì lại không rõ ràng. Điều này gây khó khăn cho các quốc gia khác. Nếu chúng ta có được một tuyên bố rõ ràng, thì chúng ta có thể tranh cãi và thảo luận về nó. Nhưng ở đây, chúng ta không có tranh cãi hay lập luận nào cả vì chúng ta thậm chí còn không thể biết được câu hỏi là gì. Hệ quả dễ thấy nhất, đó là yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đang làm rối cộng đồng quốc tế và làm yếu đi mối quan hệ của các quốc gia trong khu vực. Các lợi ích hàng hải, kể cả lợi ích về mặt kinh tế có thể không bị tranh chấp nếu các quốc gia cứ tuân thủ và áp dụng đúng luật pháp quốc tế”.
Phỏng vấn Giáo sư John Norton Moore – Giám đốc Trung tâm Luật và Chính sách biển – Đại học Luật Virginia: “‘Đường 9 đoạn’, được hiểu là giới hạn tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc, trên thực tế không thể được luật pháp quốc tế ủng hộ. Luật pháp quốc tế công nhận tuyên bố chủ quyền đối với vùng nước lịch sử, nhưng chỉ giới hạn rất hẹp trong phạm vi vùng nước nội thủy và vùng lãnh hải gắn liền với 1 quốc gia, chứ không thể công nhận khái niệm vùng nước lịch sử nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý. Và do đó, việc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” này là hoàn toàn không có cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng ta cần ủng hộ các nỗ lực giải quyết tranh chấp dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế là nền tảng mang tính toàn cầu. Mọi quốc gia cần phải tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, mà Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển là luật quốc tế được cả thế giới công nhận”.
Ông Ian Storey, Biên tập Tạp chí Đông Nam Á đương đại, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore: “Tôi ngày càng tin rằng “đường 9 đoạn” là điểm mấu chốt cho vấn đề ở Biển Đông. Tôi nói như vậy là vì, theo tôi, “đường 9 đoạn” là vật cản trên con đường đi đến giải pháp để giải quyết tranh chấp cũng như hợp tác cùng phát triển. Theo phía Trung Quốc, quan điểm của họ là chủ quyền đối với các đảo là không thể đàm phán, không thể tranh cãi trong ngôn ngữ của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa rằng, đây là một rào cản không thể vượt qua để đi đến đàm phán về chủ quyền đảo. Tôi cũng cho rằng “đường 9 đoạn” gây trở ngại cho triển vọng hợp tác cùng phát triển, vì một số nước như Phi – líp – pin và Việt Nam đã từng nói hợp tác cùng phát triển chỉ có thể diễn ra tại những khu vực thực sự có tranh chấp. Và chúng ta không biết những khu vực nào là những khu vực thực sự có tranh chấp cho đến khi Trung Quốc làm rõ yêu sách của mình, việc mà cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa hề làm. Vì vậy, tôi nghĩ nếu chúng ta hướng đến khả năng hợp tác, kiềm chế xung đột và cuối cùng là giải pháp cho vấn đề Biển Đông, thì “đường 9 đoạn” thực sự đang nằm trên con đường đó”.
Ông Carlyle Cathayer, Giáo sư Học viện quốc phòng Úc: “Trung Quốc cho rằng có yêu sách từ năm 1947, và Trung Quốc gia nhập Công ước năm 1992, do đó, yêu sách của Trung Quốc có trước luật quốc tế, trước khi có quy chế về vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không ngừng nhắc đến luật quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nhưng chưa bao giờ nói cho chúng ta biết thực sự yêu sách đó là như thế nào. Hôm nay chúng ta có nghe ở hội thảo rằng các quyền lịch sử không thể là cơ sở cho yêu sách “đường lưỡi bò” được. Các vịnh lịch sử hay các chế độ đặc biệt khác không hề có cơ sở trong luật. Đó chỉ là một kiểu nguỵ trang cho yêu sách rất mập mờ mà Trung Quốc mong muốn”.
Ông Peter Dutton, Giáo sư nghiên cứu chiến lược, Giám đốc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc tại Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ: “Trung Quốc duy trì vô số các yêu sách tham lam, không tuân thủ các tiêu chuẩn, và một yêu sách không rõ ràng về lịch sử và các quyền khác trong phạm vi “đường 9 đoạn”, yêu sách không hề có cơ sở theo UNCLOS”. Ông Peter Dutton cho rằng: “Bộ Ngoại giao Mỹ nên đưa ra một tuyên bố công khai và chính thức thách thức quyền của Trung Quốc trong việc sử dụng “đường 9 đoạn” làm cơ sở cho việc vạch biên giới biển với các nước. Không phải lịch sử, không phải sức mạnh mà là luật quốc tế mới là chuẩn mực”.
Tại Hội thảo về an ninh Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức tại Washington DC năm 2012, Thượng nghị sỹ Mỹ Joe Liberman, Chủ tịch Uỷ ban An ninh Nội địa và các vấn đề của Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng: “Rõ ràng, những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là quá rộng. Đó là hành động gây hấn khiến các nước khác buộc phải hành động. Tôi hy vọng Trung Quốc cần phải dừng lại, không có thêm hành động nào thì mới có thể giúp giải quyết được các tranh chấp hiện nay”.
Ngày 05/02/2014, phát biểu tại cuộc điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã lần đầu tiên phê phán trực diện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông: “Có một mối quan ngại ngày càng lớn về mô thức ứng xử tại Biển Đông thể hiện nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với khu vực nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn”, bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng và bất chấp sự thiếu hụt lời giải thích hoặc cơ sở rõ ràng theo luật quốc tế liên quan đến chính phạm vi của yêu sách này. Sự thiếu rõ ràng của Trung Quốc liên quan đến các yêu sách của nước này tại Biển Đông đã tạo nên sự không chắc chắn, bất an và bất ổn tại khu vực. Điều này làm hạn chế triển vọng đạt tới một giải pháp tất cả đều có thể chấp nhận được hoặc những dàn xếp khai thác chung công bằng giữa các bên có yêu sách. Tôi muốn nhấn mạnh quan điểm rằng theo luật quốc tế, các yêu sách về vùng biển tại Biển Đông phải xuất phát từ các cấu trúc đất. Việc sử dụng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc nhằm yêu sách các quyền trên biển không dựa trên các yêu sách cấu trúc đất là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh nếu Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh “đường 9 đoạn” của mình nhằm đưa yêu sách này phù hợp với luật biển quốc tế”.
Qua các ý kiến trên đây có thể thấy cộng đồng quốc tế hết sức bất bình trước yêu sách “đường 9 đoạn”. Yêu sách phi lý này chính là nguyên nhân gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông và đang trở thành mối lo ngại chung của cả thế giới./.
BDN