Theo BBC, Tuyên bố được đưa sau khi Manila cảnh báo các thành viên ASEAN rằng độ tin cậy của khối 10 quốc gia khu vực này đang bị thử thách, trừ phi toàn khối hành động mạnh mẽ trong cách xử lý “vấn đề cốt yếu ở ngay sân nhà chúng ta”.
Trong tuyên bố của nước chủ nhà sau cuộc họp hai ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia nói: Hội nghị chia sẻ những mối lo ngại mà một số bộ trưởng ngoại giao nêu ra về việc cải tạo các bãi đá ở Biển Đông, mặc dù ông không nhắc tới tên một quốc gia nào cụ thể.
Chủ nhà Malaysia cũng kêu gọi ASEAN gia tăng nỗ lực nhằm đạt được việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông nhằm ngăn ngừa nguy cơ xung đột.
Với bản đồ đường 9 đoạn, Trung Quốc ngang nhiên đòi giành chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, nơi các thành viên ASEAN Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, và cả Đài Loan ở ngoài khối cũng có tuyên bố chủ quyền.
Những hành động được coi là hiếu chiến của Bắc Kinh đã khiến khu vực cảm thấy lo ngại. Tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tố cáo Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng các đảo nhỏ trên một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, trên đó có thể xây dựng các công trình kiên cố thậm chí cả đường băng cho máy bay, gây trở ngại cho tự do hàng hải trên Biển Đông.
Còn tại hội nghị ASEAN, hôm 28/1 ông Rosario tuyên bố: « Việc xây dựng quy mô này đặt ASEAN vào tình thế phải lựa chọn chiến lược. Nếu chúng ta cứ khoanh tay đứng nhìn, thì sẽ có hại cho sự đoàn kết của khối ».
Ngoại trưởng Philippines cũng cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải « nói với Trung Quốc rằng những gì họ đang làm là sai trái, đồng thời phải chấm dứt các hành động xây dựng trên ».
Các Ngoại trưởng ASEAN họp tại thành phố Kota Kinabalu trên đảo Borneo. Đây là hội nghị đầu tiên trong số nhiều cuộc gặp khác sẽ diễn ra năm nay tại Malaysia, nước đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2015.
Theo báo Lao Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị. Chia sẻ mối quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, Phó Thủ tướng nói: ASEAN cần phát huy vai trò chủ đạo của Hiệp hội trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực, tập trung thúc đẩy triển khai những biện pháp cụ thể theo hướng: Cụ thể hóa các biện pháp nhằm triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, đặc biệt là Điều 5 về kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; đẩy nhanh quá trình đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc COC, và tiếp tục tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm ngăn ngừa và quản lý các sự cố trên biển, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Một nội dung quan trọng khác được các Bộ trưởng tập trung thảo luận tại hội nghị lần này là việc triển khai lộ trình thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 – điều mà Malaysia đã tuyên bố là ưu tiên hàng đầu trong năm mà Malaysia là Chủ tịch này.
Tính đến nay, việc thực hiện đã đạt được khoảng 85% khối lượng công việc, trong đó trụ cột chính trị – an ninh đạt 85%, trụ cột kinh tế đạt 78% và văn hóa – xã hội đạt 97%.
Để Cộng đồng ASEAN được hình thành đúng thời hạn ngày 31.12.2015, các nước nhất trí cần có cam kết chính trị mạnh mẽ hơn và đầu tư nguồn lực thích đáng hơn để hoàn thành các phần việc còn lại; coi trọng kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của ASEAN; đề cao “văn hóa thực thi” và tăng cường các cơ chế giám sát thực thi hiệu quả; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức ASEAN, kể cả nâng cao năng lực của Ban Thư ký ASEAN.
Các Bộ trưởng cũng thảo luận về hoàn tất soạn thảo Tầm nhìn ASEAN sau 2015; tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức ASEAN; xây dựng Cộng đồng lấy người dân làm trung tâm; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ; mở rộng thương mại và đầu tư nội khối; tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, cải tiến tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của ASEAN.
BDN