Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTổng thống Obama: Trung quốc không nên ăn hiếp Việt Nam và...

Tổng thống Obama: Trung quốc không nên ăn hiếp Việt Nam và Philippines trong vấn đề Biển Đông

Obâma APBienDong.Net: Tổng thống Mỹ đã lên tiếng nhắc nhở Trung Quốc không nên ăn hiếp các nước nhỏ như Việt Nam hay Philipines trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Obâma AP

Tổng thống Mỹ Barack Obama (ảnh AP)

VOA hôm 2/2 cho biết Tổng thống Obama đưa ra phát biểu này trong cuộc phỏng vấn với hãng CNN nhằm đáp lại phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến thăm mới đây của ông tới Ấn Độ.

Bình luận về chuyến công du của ông Obama, truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ đừng sập bẫy do phương Tây dàn dựng để ủng hộ chiến lược ‘Xoay trục sang Châu Á’ của Hoa Kỳ.

Bắc Kinh vẫn cho rằng chiến lược xoay trục này là nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Obama nói ông ngạc nhiên khi thấy chính phủ Trung Quốc đưa ra những lời lẽ như vậy.

Ông Obama cũng tuyên bố Trung Quốc không cần phải lo sợ trước các mối quan hệ tốt đẹp giữa Hoa Kỳ với Ấn Độ.

Vẫn theo lời ông, trong giai đoạn này của lịch sử, có cơ hội để tạo ra những thể thức hành động theo cách đôi bên đều có lợi, trong đó tất cả các nước đều tuân thủ các qui tắc và chuẩn mực chung nhằm nâng cao phồn vinh thịnh vượng cho dân chúng dựa trên việc bắt tay chung sức cùng nhau, chứ không phải bằng cách để cho một nước khác phải gánh chịu hay trả giá.

Tổng thống Mỹ cho biết ông đã nhiều lần nhấn mạnh Hoa Kỳ rất muốn nhìn thấy một sự trỗi dậy ôn hòa của Trung Quốc, nhưng sự trỗi dậy đó không thể là cái giá phải trả của các nước khác.

Ông Obama nói: ‘Trung Quốc không nên ăn hiếp các nước nhỏ như Việt Nam hay Philippines trong các vấn đề hàng hải, mà nên nỗ lực giải quyết vấn đề một cách hòa bình, theo luật quốc tế.’

Trong chuyến thăm ba ngày cuối tháng 1/2015 tại Ấn Độ, ông Obama và Thủ tướng Narenda Modi đã ký tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định “tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh hàng hải và quyền tự do đi lại, cả trên biển và trên không”, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi Trung Quốc liên tục gây ra những căng thẳng do đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ tham lam của họ, bất chấp luật pháp quốc tế.

Ông Obama cũng ký kết một thỏa thuận hạt nhân quan trọng vốn bế tắc nhiều năm nay, đồng thời trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa ở New Delhi.

Các báo chính thống của Trung Quốc đều cho rằng Mỹ đang tìm cách biến Ấn Độ trở thành một đồng minh.

“Mỹ muốn dùng Ấn Độ để kiềm chế Trung Quốc, nhưng New Delhi không đồng ý với chiến lược này. Thay vào đó, lợi ích thương mại và công nghệ quân sự là những gì Ấn Độ hy vọng đạt được từ Mỹ”, Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc (CNR) bình luận.

Về phần mình hãng tin chính thức của Bắc Kinh Tân Hoa Xã mô tả mối quan hệ Mỹ – Ấn là “hời hợt” và cho rằng “ba ngày không đủ để Obama và Modi trở thành những người bạn thực sự, bởi họ có những khác biệt lớn trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, nông nghiệp và năng lượng hạt nhân”.

Trung Quốc đã nhiều lần cảnh cáo các quốc gia bên ngoài, kể cả Hoa Kỳ và Ấn Độ, chớ can thiệp vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á mà nổi bật nhất là với Việt Nam và Philippines.

Phát biểu của ông Obama được đưa ra tiếp theo hàng loạt cảnh báo của giới quân sự Hoa kì về nguy cơ của Trung Quốc.

Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 29/1, Đô đốc Robert Thomas, chỉ huy Hạm đội Bảy và sĩ quan hải quân hàng đầu của Mỹ ở Châu Á tuyên bố Mỹ sẽ hoan nghênh Nhật Bản mở rộng tuần tra trên không ở Biển Đông, coi đó như một đối trọng với hạm đội tàu ngày càng đông đảo của Trung Quốc đang làm nhiệm vụ thúc đẩy chủ quyền của nước này trong khu vực.

“Tôi nghĩ các nước đồng minh, đối tác và bạn bè trong khu vực sẽ hướng về Nhật Bản càng lúc càng nhiều như một nước có chức năng bình ổn”, Đô đốc Robert Thomas nói.

Theo Reuters, những cuộc tuần tra thường xuyên trên không của Nhật Bản hiện chỉ giới hạn ở Biển Hoa Đông, nơi Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp một nhóm quần đảo. Mở rộng những chuyến bay tuần tra xuống Biển Đông gần như chắc chắn sẽ gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba của thế giới.

Trong khi đó, theo Nhật báo Ấn độ Economics Times, phát biểu trước phiên họp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 27/1, hai cựu tướng lĩnh cấp cao đã lên tiếng kêu gọi phát triển một chiến lược đối trọng trước sự lộng hành của Trung Quốc tại Biển Đông và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Trung Quốc đang hành động một cách quyết đoán hơn đối với các láng giềng, đặc biệt là trong việc mở rộng các yêu sách lãnh thổ của họ, Tướng thủy quân lục chiến Mỹ James N. Mattis phát biểu.

Jamés N. Mattís

Tướng James N. Mattis (bên trái) – Ảnh: Reuters

Ông cũng cho rằng bên cạnh nỗ lực duy trì quan hệ tích cực với Trung Quốc, Hoa kì vẫn cần thực thi một chính sách nhằm xây dựng một đối trọng nếu Trung Quốc tiếp tục gia tăng hành vi bắt nạt tại Biển Đông và các nơi khác.

“Chính sách này phải đủ sức ngăn chặn sức mạnh mang tính chất phủ quyết của Trung Quốc liên quan đến các vấn đề lãnh thổ, an ninh và kinh tế tại Thái Bình Dương”, tướng Mattis nói trong phiên điều trần do Thượng nghị sĩ John McCain chủ trì.

Cũng có mặt trong phiên điều trần, tướng John M. Keane cho biết nền kinh tế đang tiếp tục tăng trưởng của Trung Quốc đã giúp Bắc Kinh tăng cường binh lực và điều này giúp cán cân quyền lực trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nghiêng về phía Trung Quốc.

“ Hệ quả là Bắc Kinh đang hành động một cách quyết đoán hơn đối với các nước láng giềng của họ, đặc biệt là trong việc mở rộng các yêu sách lãnh thổ, các yêu sách này không chỉ bao gồm Đài Loan, mà bao gồm cả phần lớn các đảo ở Biển Đông và quần đảo Senkaku của Nhật Bản”, tướng Keane nói.

“Trung Quốc đang thực thi một chiến lược thống trị khu vực, gây ảnh hưởng tới lợi ích của Hoa kì với tư cách một quốc gia Thái Bình dương, và gây ảnh hưởng tới các mối quan hệ đối tác kéo dài nhiều thập kỷ nay của Washington với các đồng minh trong vùng”, tướng Keane cho hay.

Trước các diễn biến trên, tướng Keane kêu gọi thiết lập một chiến lược khu vực với các đồng minh của Mỹ đối phó với tham vọng thống trị của Bắc Kinh.

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới