Thursday, December 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDư luận quốc tế về những hành động gây hấn của Trung...

Dư luận quốc tế về những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông trong những tháng đầu 2015

BienDong.Net: Năm 2015, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp do Trung Quốc có nhiều hoạt động nhằm thay đổi nguyên trạng ở Trường Sa, gây sự bất bình cho các nước trong và ngoài khu vực. Những hành động đơn phương nhằm hiện thực ý đồ “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc trong những tháng đầu năm 2015 đã thu hút sự chú ý của không chỉ các nước trong khu vực mà của cả các nước khác trên thế giới.

Mỹ: Là một quốc gia có lợi ích lâu dài trong tự do hàng hải và hàng không cũng như sự an toàn của môi trường hàng hải và hàng không, Mỹ tiếp tục duy trì năng lực tự do lưu thông thương mại, đối phó kịp thời với hoàn cảnh khó khăn và ngăn chặn những kẻ có hành động gây hấn[1]. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm 2015, Mỹ lên án những hành vi cưỡng ép và khăng khăng tuyên bố chủ quyền khiến căng thẳng leo thang. Mỹ khuyến khích việc mở ra các kênh đối thoại để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, ủng hộ việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN. Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục thể hiện thái độ rõ hơn trong vấn đề Biển Đông, chỉ trích tính phi lý trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế[2]. Mỹ cho rằng các hoạt động lấn biển của Trung Quốc ở Trường Sa là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, đòi hỏi phải có đối sách phù hợp; cảnh báo Trung Quốc không được bắt nạt các nước nhỏ[3]; ASEAN cần có tiếng nói thống nhất để thể hiện rõ hơn vai trò của mình, thúc đẩy sớm có COC và phối hợp tốt trong năm Malaysia làm chủ tịch ASEAN.

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Obama (từ ngày 25 – 27/01/2015) hai bên đã ra tuyên bố chung “Tầm nhìn chiến lược về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương” khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh hàng hải và đảm bảo việc tự do đi lại trên biển và trên không trong toàn khu vực, nhất là trên Biển Đông. Trong chuyến thăm 4 nước Châu Á (Thái Lan, Philippines, Malaysia và Campuchia), Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ D. Russel (26/01/2015) tuyên bố, Mỹ không can thiệp mà chỉ đóng góp vào việc quản lý một cách hòa bình tranh chấp ở Biển Đông, tái khẳng định Mỹ mong muốn các nước liên quan giữ nguyên trạng và tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế; hối thúc Trung Quốc làm rõ yêu sách lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế và kêu gọi Trung Quốc hành động phù hợp với cam kết quốc tế.

Đối với các hành động “lấn biển”, thay đổi nguyên trạng gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ thể hiện quan ngại rằng các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực. Mỹ cũng bầy tỏ lo lắng về sự tích tụ quân sự của Trung Quốc khi Trung Quốc thiết lập các nền tảng để kiểm soát Biển Đông[4].

Truyền thông một số nước như Đức, Thụy Sĩ cũng đã lên án mạnh mẽ những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua, tố cáo Trung Quốc âm mưu “độc chiến Biển Đông” bằng việc đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo ở những khu vực biển có tranh chấp với láng giềng. Với tiêu đề, “Nền ngoại giao máy xúc của Trung Quốc”, báo “Làn sóng Đức” cho rằng vấn đề Biển Đông gần đây ít được nhắc tới chỉ là sự yên bình giả tạo, Trung Quốc đang ngày một đẩy mạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo để tạo ra các yếu tố cho cuộc tranh chấp về lãnh thổ với các nước láng giềng. Báo “Liên Bang” (der Bund) của Thụy Sĩ cũng tố cáo Trung Quốc xây dựng nhiều đảo nhân tạo ở Biển Đông nhằm tạo các yếu tố trong cuộc tranh chấp chủ quyền của nước này với các nước láng giềng. Báo NZZ (Neue Zurcher Zeitung) của Thụy Sĩ tố cáo âm mưu tạo nên những “sự đã rồi” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhật Bản kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế trong tranh chấp biển. Phát biểu trước báo giới ngày 3/02/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani cho biết, Nhật Bản đang xem xét khả năng tuần tra ở Biển Đông nếu như tình hình Biển Đông diễn biến theo chiều hướng bất lợi đến an ninh của Nhật Bản. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh cần phải thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc của luật pháp để đảm bảo hòa bình và ổn định ở các vùng biển của khu vực, yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế[5].

Các nước ASEAN mặc dù có một số khác biệt song vẫn tiếp tục bày tỏ lập trường trong vấn đề Biển Đông.

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 27 – 28/01/2015 đã tập trung thảo luận liên quan vấn đề Biển Đông. Các Bộ trưởng chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông; bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây trên thực địa, trong đó có việc bồi đắp các đảo, đá quy mô lớn; đề nghị các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Malaysia đánh giá tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, không chắc chắn năm 2015 sẽ yên ổn hơn. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Malaysia cam kết nỗ lực tìm điểm chung nhất giữa các bên để có cách tiếp cận phù hợp với Trung Quốc, tạo một số tiến triển trong vấn đề Biển Đông và duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực. Các chuyên gia nghiên cứu đánh giá, trong bối cảnh Malaysia đạt được lợi ích kinh tế lớn trong quan hệ với Trung Quốc (Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia), Malaysia sẽ tiếp tục giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc thông qua kênh song phương, không quốc tế hóa, thái độ của Malaysia sẽ “vừa phải” cân bằng lợi ích quốc gia với lợi ích khu vực. Là nước chủ tịch ASEAN năm 2015, Malaysia sẽ không gây áp lực đối với Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông, sẽ ủng hộ bất kỳ giải pháp nào của ASEAN miễn là không kích động đối đầu với Trung Quốc.

Philippines phản đối mạnh mẽ việc lấn biển quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tại Đối thoại Chiến lược Philippines – Mỹ lần thứ 5 ở thủ đô Manila (21/01), các quan chức ngoại giao và quốc phòng Philippines đã tố cáo Trung Quốc tiến hành san lấp và cải tạo các bãi, đá ở Biển Đông trên quy mô lớn nhằm thay đổi nguyên trạng, khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng DOC và khiến các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông quan ngại sâu sắc. Ngoại trưởng Philippines Albert Rosario (22/01/2015) đã tố cáo Trung Quốc đang đẩy nhanh các hoạt động bồi đắp, cải tạo các bãi, đá ở Trường Sa để xây dựng thành các đảo nhân tạo và đặt căn cứ quân sự, đe dọa trực tiếp đến tự do, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông. Ngày 4/02/2015, Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn, khẳng định Đá Vành Khăn thuộc lãnh thổ Philippines và chỉ Philippines mới có quyền xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các kết cấu khác ở khu vực xung quanh Đá Vành Khăn, yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động cải tạo đất trên Đá Vành Khăn, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước này. Philippines cũng kêu gọi ASEAN tiếp tục thúc đẩy ký kết Bộ Quy tắc ứng xử (COC), thống nhất và đoàn kết đối với những vấn đề ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, an ninh an toàn tự do hàng hải khu vực. Philippines đã thúc giục các nước ASEAN cùng đứng lên chống lại những hành động sai trái của Trung Quốc. Ông cho rằng, nếu ASEAN cứ khoanh tay đứng nhìn, thì sẽ có hại cho sự đoàn kết nội khối, do ASEAN bất lực trong việc hành động tập thể và thống nhất trước những hành động sai trái của Trung Quốc ngay tại sân nhà ASEAN.

Bên cạnh đó, Philippines sẽ ra mắt sách kỹ thuật số nhỏ bằng tiếng Philippines về tình hình tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, dự kiến cuốn sách này sẽ đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường và phát cho các cán bộ ngoại giao của Philippines.

Hành động đơn phương, hiếu chiến của Trung Quốc như “lấn biển”, thay đổi nguyên trạng các đảo… trên Biển Đông từ đầu năm 2015 đến nay bị các quốc gia láng giềng coi như là “mối hiểm hoạ Trung Quốc”. Những hành động hung hăng đó đã và đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng thế giới, từ chính phủ các nước (đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản) đến các chính trị gia, các học giả và các phương tiện truyền thông đại chúng. Trung Quốc cần phải học cách tôn trọng hoà bình, tôn trọng an ninh khu vực và thế giới cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế. Các nước ASEAN cần nhanh chóng có tiếng nói chung và phối hợp hành động để ngăn cản Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà vĩnh viễn” của mình./.

BDN



[1] Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm 2015

[2] Trong Thông điệp Liên bang ngày 20/01/2015, Mỹ kêu gọi các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương tuân thủ các quy tắc trong tranh chấp biển đảo.

[3] Trong đối thoại Mỹ – Philippines ngày 20/01/2015

[4] Theo Los Angeles Times ngày 19/02/2015.

[5] Phát biểu tại hội thảo về tranh chấp biển đảo được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản, 12/2).

 

RELATED ARTICLES

Tin mới