BienDong.Net: Cuối tháng 1/2015 vừa qua, trong chuyến thăm Bắc Kinh nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, đồng thời thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc, thủ tướng Pháp, Manuel Valls đã không che giấu sự nôn nóng khi ông phát biểu: « Chưa bao giờ nước Pháp lại mong muốn đón tiếp các doanh nghiệp Trung Quốc đến thế ».
Toàn cảnh hải cảng Pirée của Hy Lạp, 28/01/2015.REUTERS/Alkis Konstantinidis
Theo RFI, trong chiến dịch đầu tư ra nước ngoài, những năm trước đây, Trung Quốc chú trọng đầu tư vào hai khu vực Châu Phi và Châu Mỹ La – tinh vì lẽ đây là thị trường cung cấp nhiêu liệu quan trọng nhất, và cũng vì các doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng các thủ tục tại Châu Âu quá phức tạp và chuẩn tắc nên khó làm ăn.
Thế nhưng, hiện nay, « cuộc chinh phục phương Tây » đang được đẩy mạnh và Châu Âu trowr thành mục tiêu quan trọng của Trung Quốc. Khủng hoảng đang hoành hành tại Châu Âu đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc mạnh tay can thiệp.
Không chỉ mua đứt, họ còn quan tâm tới xây dựng các khu vực mới hay trùng tu các cơ sở đã tồn tại. Theo văn phòng luật sư Baker và McKenzie, tại Châu Âu Trung Quốc đã có khoảng 150 hợp đồng được kí kết năm 2014 với số tiền lên tới 18 tỉ đô la, gấp đôi so với năm 2013, trong đó, khoảng 10 hợp đồng liên quan tới Pháp.
Đây là kết quả của việc chính quyền Trung Quốc đã giảm bớt các thủ tục rườm rà và xóa bỏ việc phải xin phép trước nếu số tiền cần chuyển ra nước ngoài vượt quá 100 triệu đô la.
Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc cũng quan tâm đầu tư ra nước ngoài với sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các ngân hàng trung ương. Anh là nước nhận được vốn đầu tư nhiều nhất, và các lãnh vực được nhà đầu tư Trung Quốc chú ý nhất là nông sản thực phẩm và địa ốc.
Đầu tư của Trung Quốc vào nước Anh lên đến 5,1 tỉ đô la. Hướng đến được ưa thích thứ nhì là Italia (3,5 tỉ đô la), sau đó đến Hà Lan (2,3 tỉ), Bồ Đào Nha (2 tỉ), và Đức (1,6 tỉ)., theo số liệu do cơ quan Rhodium Group thu thập được.
Cơ quan Baker và McKenzie phân tích rằng nếu điều kiện hiện nay được duy trì, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Châu Âu sẽ tiếp tục theo khuynh hướng bền vững, chứ không chỉ là một hiện tượng nhất thời..
Trên khắp Châu Âu, bóng dáng Trung Quốc ngày càng nổi bật. Cùng với vành đai kinh tế và con đường tơ lụa đang được Trung Quốc cổ vũ, cuối năm 2014, Trung Quốc đã ký hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối từ cảng Pirée của Hy Lạp tới Hungary và Serbia, tạo thành một tuyến đường vận chuyển hàng hóa trên biển và trên bộ nhanh chóng từ Trung Quốc và Châu Âu.
Theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, việc xây dựng sẽ được triển khai theo tiêu chuẩn Châu Âu và hoàn tất trong hai năm từ 2015 đến 2017, giúp đưa vận tốc chạy tàu từ 40 km/h lên 200 km/h, với kinh phí đầu tư có tin nói lên đến 1,5 tỷ euro.
Cách đây sáu năm, tập đoàn hàng hải Cosco của Trung Quốc đã mua được hai bến cảng quan trọng ở Pirée, đồng thời hợp tác với công ty đường sắt Trainose của Hy Lạp trong việc vận chuyển hàng hóa.
Trên bến cảng Pirée, hải cảng lớn nhất Hy Lạp, bóng dáng cồng kềnh của những chiếc tàu hàng mang dấu hiệu « Cosco » là biểu tượng cho sự hiện diện của Trung Quốc ở một trong những ngõ vào Châu Âu bằng đường biển.
Từ năm 2008, tập đoàn Trung Quốc thông qua chi nhánh Piraeus Container Terminal (PCT), được chuyển nhượng quyền quản lý hai cảng hàng hóa của Pirée. Cosco cũng là một trong những ứng viên muốn mua lại 67% phần vốn do Nhà nước Hy Lạp sở hữu trong công ty cảng Pirée (OLP). Thương vụ này sẽ giúp Cosco có quyền kiểm soát toàn bộ hải cảng chiến lược này, nhất là các hoạt động vận chuyển hàng triệu du khách mỗi năm và các chuyến phà hàng ngày đến các hòn đảo,,
Tuy nhiên, sự có mặt ngày càng gia tăng của Trung Quốc cũng bắt đầu gây khó chịu. Người ta nói Pirée là cửa ngõ để Trung Quốc xâm nhập Châu Âu và vùng Balkan. Giorgos Georgakopoulos, chủ tịch nghiệp đoàn khuân vác thì tố cáo « các điều kiện làm việc bất bình đẳng giữa công nhân của Cosco và OLP » – công nhân của công ty Cosco có giờ giấc làm việc kéo dài hơn nhưng được trả lương ít hơn, mặc dù hai cầu cảng chỉ cách nhau có vài trăm mét.
Trước sức ép của công luận liên quan đến vai trò khống chế của Trung Quốc tại cảng Pirée, nhất là sự độc quyền của Cosco và điều kiện lao động của công nhân, Chính quyền mới lên cầm quyền ở Hy lạp tuyên bố Nhà nước vẫn kiểm soát các cảng ở Pirée và để ngỏ khả năng xem xét lại các hợp đồng với Cosco.
Về phần mình, Trung Quốc cho biết « hết sức quan ngại », và hứa hẹn sẽ « cổ vũ chính quyền Hy Lạp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc tại Hy Lạp, trong đó có Cosco ».
Đối với Trung Quốc, trong khi Thủ tướng Pháp hồ hởi mời gọi Trung Quốc đầu tư, tờ Le Monde số ra mới đây trong chuyên mục « Hồ sơ » đáp lại bằng bài viết dưới tựa đề: « Chào mừng Trung Quốc xâm lăng! ».
Bài báo dẫn chứng sự lo lắng của dư luận trước việc tư nhân hóa sân bay Toulouse, bên cạnh việc China Huaxin mua lại tập đoàn Alcatel – Lucent hay Jin Jiang International mua lại tập đoàn Louvre Hôtels quản lý các chuỗi khách sạn như Campanille, Première Classe, Kyriad, Tulip.
Trước đó, Club Med, một hãng lữ hành Pháp, cũng đã rơi vào tay tập đoàn Fosan của Trung Quốc.Trong giới thể thao, câu lạc bộ bóng đá FC Sochaux thuộc tập đoàn Peugeot, cũng có khả năng bị LED Ledus của Trung Quốc thâu tóm. Và mới đây, một công ty sản xuất đèn LED khác, Bắc Kinh Shenan, cũng kí hợp đồng mở một nhà máy sản xuất tại Verdun bắt đầu từ năm 2016.
Ngoài ra, còn phải kể tới các quỹ đầu tư Trung Quốc, như Hony Capital đã mua lại Pizza Express, chuỗi cửa hàng pizza của Anh. Trung Quốc cũng đầu tư vào nhiều dự án ở Pháp như sân bay Blagnac (Haute – Garonne), Airbus, Club Med, tập đoàn xe hơi Peugeot PSA, các khu trồng nho làm rượu vang ở Bordeaux…
BDN