BienDong.Net: Sau một thời gian khởi động, hôm 20/3, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ tuyên bố Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) do nước này khởi xướng sẽ chính thức được thành lập trước cuối năm 2015.
Dường như để trấn an Hoa Kỳ, cường quốc tài chính đang nắm phần chủ chốt trong các định chế tài chính quốc tế hiện hành, Bộ trưởng Lâu Kế Vĩ khẳng định AIIB sẽ là một sự bổ sung chứ không cạnh tranh với những định chế khác như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình gặp gỡ khách mời trong lễ ra mắt AIIB năm 2014 Ảnh: Reutes
Dường như để trấn an Hoa Kỳ, cường quốc tài chính đang nắm phần chủ chốt trong các định chế tài chính quốc tế hiện hành, Bộ trưởng Lâu Kế Vĩ khẳng định AIIB sẽ là một sự bổ sung chứ không cạnh tranh với những định chế khác như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo Tân Hoa xã, tính đến 20/3, đã có 27 nước tuyên bố tham gia AIIB, chủ yếu là các nước Châu Á và Trung Đông, trong đó có Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan, Việt Nam và Maldives.
Trước đó, hôm 17/3, Pháp, Đức, Italia nối gót Anh đã quyết định tham gia vào dự án thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng AIIB.
Theo các nhà phân tích, thông báo trên của ba nền kinh tế đầu tàu trong Liên Hiệp Châu Âu và của Anh quốc đã làm cho Hoa Kỳ tức giận.
Công cụ gây ảnh hưởng
Một bài trên báo Le Monde đặt câu hỏi: “Vậy thì AIIB có điều gì khiến cho Hoa Kỳ phải lo lắng?. “Trung Quốc theo đuổi những mục tiêu gì khi lôi kéo thêm các nước phương Tây?“. Bài viết nhắc lại rằng ý tưởng thành lập AIIB đã được ông Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 nhân chuyến công du Indonesia dự hội nghị APEC. Theo đó, trong thời gian đầu, ngân hàng này sẽ được cấp một nguồn vốn 50 tỷ đô – la cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như xây cầu đường, hệ thống đường sắt, mạng lưới điện và điện thoại tại Châu Á.
Theo bài báo, đối với ông Tập Cận Bình, AIIB sẽ là một công cụ phục vụ cho “sự hội nhập kinh tế khu vực, một sự hội nhập sẽ được hình thành, và cần phải được thực hiện dưới ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Sự ra đời của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) là chiến lược của Trung Quốc gây tầm ảnh hưởng trong khu vực Châu Á.
AIIB của Trung Quốc sẽ được kết nối với dự án Ngân hàng khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và với “con đường tơ lụa mới” được triển khai sang Trung Á và “con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ XXI” trong tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Bài phân tích cho rằng tất cả những điều đó không qua được mắt Hoa Kỳ. Washington đưa ra các luận điểm đạo đức: Liệu các dự án do AIIB tài trợ có tôn trọng các chuẩn mực xã hội, sự minh bạch, nhân quyền và môi trường hay không? Các nước Châu Âu biện giải rằng chỉ có tham gia vào dự án, cùng ngồi trong một lều thì mới có thể bảo đảm là những giá trị nói trên được tôn trọng.
Cạnh tranh với các định chế tài chính hiện hành
Trên thực tế, Washington xem AIIB như là một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của Ngân hàng Thế giới WB vốn do Hoa Kỳ điều phối. Tương tự, Tokyo cũng có chung mối bận tâm như Hoa Kỳ liên quan đến Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB mà Nhật Bản nắm vài trò điều hành liên tục từ nửa thế kỷ nay.
Trên bình diện quốc tế, một cuộc tranh giành ảnh hưởng gay gắt đang diễn ra, trong đó vũ khí chủ yếu là sức mạnh tài chính.
Từ địa vị là xưởng gia công của thế giới trong nhiều thập niên qua, giờ đây Trung Quốc đang chuẩn bị một cách rất bài bản cho vai trò tiếp theo của mình: trở thành ông chủ nợ của thế giới. Với 4000 tý USD ngoại hối trong tay, Trung Quốc dường như có thừa sức để thực hiện tham vọng đó.
Theo Le Monde, với AIIB, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn khẳng định Trung Quốc là một nước lớn và thế giới phải công nhận điều đó. Quan điểm này cũng được Le Figaro chia sẻ qua bài phân tích “Trung Quốc tự xem mình như là ngân hàng thế giới tương lai“.
Australia và Hàn Quốc, các đồng minh khác của Hoa Kỳ cũng đã vội vã lên chiếc tàu AIIB cùng với hai trung tâm tài chính lớn của Châu Âu là Luxembourg và Thụy Sĩ. Trong con mắt thực dụng, Châu Âu xem dự án này như là một phương tiện bổ sung để tiếp cận các thị trường Châu Á trong khi họ cũng không muốn bị gạt ra ngoài cuộc chơi.
Những nghi ngại
Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực khi mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bị đánh giá là chưa có được tầm ảnh hưởng chính trị và kinh tế tương xứng.
Với việc nắm giữ vị trí chủ chốt trong quyết định cung cấp tài chính cho các dự án đầu tư tại các nước, Bắc Kinh muốn nhắm đến việc mở rộng ảnh hưởng kinh tế tài chính của mình trong chính các nước thành viên, đó cũng là bước đệm tạo thuận lợi cho các tập đoàn và doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập vào các nước này thông qua các dự án được AIIB tài trợ.
Các công ty Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng qua việc xây dựng đập nước lớn nhất thế giới, xây dựng cây cầu dài nhất và hệ thống đường cao tốc dài nhất thế giới. Trung Quốc hy vọng việc sử dụng các công ty xây dựng cuả mình vào các dự án do AIIB cấp vốn sẽ giúp tăng trưởng GDP của đất nước..
Tuy nhiên, một số dự án hạ tầng của Trung quốc hiện vẫn gây tranh cãi, trong đó có việc xây dựng đập Tam Hiệp và dự án đưa nước từ miền Nam lên miền Bắc, vốn bị lên án do buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ, hoặc gây tác động cực kì tiêu cực tới môi trường và khí hậu. Các công ty xây dựng hạ tầng của Trung Quốc còn bị tố cáo có hành vi tham nhũng, rút ruột dự án.
Người ta cũng chỉ ra rằng nguồn vốn Trung quốc và các khoản đầu tư hạ tầng của Trung Quốc ra nước ngoài đã gặp rắc rối ở hàng loạt nước, trong đó có Zambia, Myanmar, Vietnam, Brazil, và Sri Lanka. Nếu AIIB không làm tốt hơn điều mà các ngân hàng phát triển của Trung Quốc đã làm, điều này sẽ là một vết nhơ không những đối với Bắc Kinh mà đối với cả các nước tham gia ngân hàng này.
Chính vì thế một số nhà phân tích cho rằng thái độ của các nước Châu Âu khi tham gia vào Ngân hàng này là “rất ngây thơ“, khi tin tưởng rằng họ có khả năng ngăn cản các lạm dụng một khi trở thành cổ đông, bởi kinh nghiệm tại Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển Châu Á cho thấy các nước nắm phần vốn lớn nhất, như Mỹ, Nhật luôn có tiếng nói quyết định trong hoạt động của các ngân hàng“.
Theo báo Pháp Les Echos, có lý do để lo ngại ngân hàng mới sẽ sa vào cách điều hành kiểu Trung Quốc. Người ta sợ rằng Trung Quốc sẽ chiếm hết các dự án, mà không đáp ứng bất cứ điều kiện nào về tác động môi trường, xã hội…Người ta lưu ý bài học của vụ dự án cầu Padma nối liền các vùng phía tây nam Bangladesh với vùng trung tâm, với vốn đầu tư 3 tỷ USD bị hủy bỏ vào năm 2012, nhưng chỉ hơn một năm sau, hai tập đoàn Trung Quốc đã chiến thắng trong cuộc đấu thầu công trình, với lời hứa hẹn thi công nhanh và rẻ hơn.
Vụ việc nói trên, theo nhiều chuyên gia, là điềm báo trước những bê bối có thể xảy ra một khi Ngân hàng đầu tư hạ tầng Châu Á do Trung Quốc chi phối đi vào hoạt động.
Thực ra, vẫn theo các chuyên gia, mô hình của Ngân hàng Châu Á tương lai có trụ sở tại Bắc Kinh, «giống một cách lạ lùng với Ngân hàng phát triển Châu Á ADB vào thuở mới thành lập, trong những năm 1970». Định chế do Hoa Kỳ và Nhật Bản chi phối này thoạt tiên cũng chỉ quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, bất chấp các tác động đến dân cư và môi trường. Sau này, ADB đã buộc phải chú ý nhiều hơn đến các tác động, vì vậy các dự án sa vào tình trạng chậm trễ. Ngân hàng do Trung Quốc kiểm soát rất có thể sẽ bất chấp các đòi hỏi môi trường và tác động đến đời sống dân cư tại nhiều quốc gia nơi nền dân chủ còn rất mong manh và các cuộc đấu thầu thường không minh bạch.
Cho dù có sự tham gia của 4 nước Anh, Pháp, Đức và Italia thì quy mô của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á vẫn còn kém rất xa so với ADB với 67 nước và vùng lãnh thổ là thành viên bao gồm hầu như tất cả các quốc gia và nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chính vì thế sẽ rất khó để AIIB có thể chen chân vào hệ thống đầu tư tài chính ở khu vực Châu Á một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư được thông qua bởi các tổ chức tài chính quốc tế như AIIB sẽ được đem ra đấu thầu một cách tự do mà các doanh nghiệp của cổ đông lớn nhất cũng không nhận được sự ưu đãi. Đó là lý do chủ yếu các nước EU tham gia vào ADB và giờ đây là AIIB khi họ muốn dựa vào ưu thế công nghệ và quản lý để giành được các dự án đầu tư lớn. Đó cũng sẽ là một bất lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc vốn không thể sánh với các tập đoàn Châu Âu hay Nhật Bản về trình độ công nghệ, và khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp này trong các cuộc đấu thầu sòng phẳng.
BDN