Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDiễn đàn Châu Á Bác Ngao 2015, Bắc Kinh nói nhiều để...

Diễn đàn Châu Á Bác Ngao 2015, Bắc Kinh nói nhiều để che đậy ý đồ sâu xa

Boao

Năm nào Trung Quốc cũng tổ chức cái gọi là diễn đàn Châu Á Bác Ngao. Năm nay, diễn đàn này được tổ chức từ ngày 26/3 đến 29/3/2015, được đánh giá là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của gần 1800 đại biểu, đến từ 49 nước, trong đó có Tổng thống và Thủ tướng của một số nước. Diễn đàn có các phiên họp chính thảo luận về các vấn đề như tương lai kinh tế Châu Á, các sáng kiến của Trung Quốc về Vành đai kinh tế, Con đường Tơ lụa (hay còn gọi tắt là Một Vành đai và một Con đường), Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 và việc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB).

Trong khuôn khổ Diễn đàn còn có 77 diễn đàn nhánh thảo luận những vấn đề riêng biệt. Biển Đông cũng được bàn tới trong một diễn đàn nhánh với chủ đề “Biển Đông: Cách tiếp cận hai phương thức và hợp tác cùng thắng”, khoảng 100 học giả đến từ 10 nước trên thế giới đã tham dự.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại được dịp tiếp tục dùng những ngôn từ rất “thiện chí”, rất “hợp tác” để thu hút sự quan tâm rộng rãi của quốc tế. Tập Cận Bình nêu một số thông điệp như “các nước cần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, các nước lớn phải gánh trách nhiệm thúc đẩy hòa bình và phát triển”, “Trung Quốc chống lại việc theo đuổi và tăng cường độc quyền đối với khu vực và thế giới”, “Trung Quốc cần nhất là môi trường bên ngoài hòa bình và yên lành, sẽ không bao giờ áp đặt vũ lực lên các nước khác”…

Nói về sáng kiến “Một Vành đai và một Con đường” của Trung Quốc, Tập Cận Bình quảng cáo rằng đây là sáng kiến mở, phục vụ lợi ích chung của các nước liên quan “không phải là độc tấu của Trung Quốc mà sẽ là dàn hợp xướng chung, không phải là khẩu hiệu mà sẽ là triển khai thực sự… ”

Trong diễn đàn nhánh về Biển Đông, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân thì nhấn mạnh về “cách tiếp cận hai phương thức” do Trung Quốc đề xuất và cho rằng “đa số các nước ASEAN đã tán đồng” để xử lý hòa bình và thỏa đáng một số tranh chấp.

Hẳn dư luận không ngạc nhiên. Trong các phát biểu, truyền đạt thông điệp tại Diễn đàn Bác Ngao hay các diễn đàn quốc tế, khu vực khác, những ngôn từ có cánh, đầy ắp những sáng kiến mang tính “hợp tác cùng thắng”, “cùng phát triển” vì “hòa bình”, vì “cộng đồng vận mệnh”, vì “cộng đồng lợi ích”… thường được các lãnh đạo Trung Quốc lạm dụng khi nói về chủ trương, chính sách đối ngoại của nước này. Người ta cũng đã nghe quá đủ những mỹ từ mà Bắc Kinh hay dùng trong quan hệ quốc tế như: “bán anh em xa mua láng giềng gần”, rồi “thân, thành, huệ, dung”…

Thực tế thì dư luận quốc tế và các chuyên gia phân tích tình hình cứ luôn phải đặt câu hỏi là Trung Quốc luôn nói về những sáng kiến tốt đẹp nhưng họ có hành động như vậy không, có phù hợp với những thông điệp mà họ phát ra toàn thế giới hay không.

Nhìn vào tình hình khu vực, nơi mà Trung Quốc là một nước lớn và là thành viên của cộng đồng Châu Á, thì người ta cứ thấy có những bất ổn, có những điểm nóng tranh chấp không chỉ mang tính khu vực mà còn mang tính toàn cầu, ví dụ như vấn đề Biển Đông tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, hay ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản…, thì sự lo ngại của các nước khác sẽ vẫn còn hiện hữu và không biết đến bao giờ mới có được sự tin cậy chân thành vào các sáng kiến do Bắc Kinh đưa ra. Bởi tuy Trung Quốc nói nhiều đến hòa bình, ổn định khu vực và hợp tác cùng thắng nhưng Trung Quốc lại còn rất nhiều vấn đề tranh chấp liên quan đến biên giới lãnh thổ với các nước xung quanh mình, đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Hơn thế nữa, Trung Quốc lại chính là chủ mưu trong các hoạt động tăng cường hiện thực hóa các yêu sách phi lý, phi pháp về biên giới trên biển của mình tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, gây căng thẳng và bất an cho các quốc gia, dù có lợi ích trực tiếp hay gián tiếp tại các khu vực này. Nếu vậy thì những sáng kiến mang “tính cộng đồng” mà Bắc Kinh nêu tại diễn đàn Bác Ngao liệu có khả thi?

Sáng kiến, hay chiến lược “Một Vành đai, một Con đường” và “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” được Bắc Kinh giới thiệu từ năm 2013. Qua hai năm thực hiện, sáng kiến chiến lược này chưa thực hiện được bao nhiêu, chủ yếu vẫn là những kế hoạch, dự án trên giấy, chưa mang lại hiệu quả thực tế trong và ngoài khu vực. Đây mới chỉ là sáng kiến, chiến lược đầy tham vọng của Bắc Kinh, có thể kéo theo những lợi ích kinh tế, chính trị cho một số quốc gia nhỏ tham gia nhưng còn nhiều quốc gia khác nghi ngại về những gì đứng đằng sau đó, không ngoài những ý đồ tăng cường ảnh hưởng về an ninh, chính trị và kinh tế, “sức mạnh mềm” của Trung Quốc nhằm giành lấy khu vực địa chính trị cho riêng mình.

Ý tưởng này không phải chỉ có Trung Quốc mới có. Năm 2002, Nga cùng Ấn Độ và I – ran lập “Kế hoạch hành lang Bắc – Nam”, đề xuất tuyến đường vận tải quốc tế từ Ấn Độ qua I – ran, vùng Caucasus, Nga đến Châu Âu, nhằm duy trì ảnh hưởng của Nga trong khu vực… Năm 2009, Liên minh Châu Âu (EU) đề xuất “Kế hoạch con đường tơ lụa mới” thông qua việc xây dựng “tuyến đường ống dẫn khí đốt Nabucco” liên kết với Trung Á và các nước xung quanh về năng lượng, thương mại, nhân lực và đầu tư. Năm 2006, Nhật Bản đề xuất xây dựng: “Vòng cung tự do và phồn vinh” thông qua hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và các nước Trung Á. Năm 2011, Mỹ đã đề ra ý tưởng “Đại Trung Á” và kế hoạch “Con đường Tơ lụa mới”, chủ trương xây dựng một mạng lưới giao thông vận tải và kinh tế liên kết Nam Á với Trung Á và Tây Á, cùng chiến lược “Tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương”, can dự sâu hơn vào khu vực này.

Chính vì vậy, các sáng kiến chiến lược của Trung Quốc chắc chắn sẽ vấp phải nhiều thách thức lớn về an ninh truyền thống, đó là cuộc đấu tranh giành khu vực địa chính trị giữa các nước lớn; tình hình chính trị bất ổn tại một số nước nằm trong “Một Vành đai, một Con đường” và đặc biệt là tranh chấp chủ quyền biển, đảo hiện Trung Quốc đang gây ra trong khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông. Cũng không thể không kể đến cả yêu sách “đường chín đoạn” phi lý và phi lịch sử của nước này trong tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà mình. Cứ nhìn vào các hoạt động cải tạo, xây dựng, mở rộng ồ ạt các vị trí mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa, từ các cấu trúc đá, bãi cạn nhỏ giờ đây đã thành các đảo nhân tạo có tổng diện tích lên đến hơn 4,5 km2, đáp ứng các âm mưu quân sự, âm mưu bành trướng trên biển của Trung Quốc nhưng tác động đáng kể đến an ninh, an toàn hàng hải quốc tế, đe dọa nghiêm trọng ổn định trong khu vực Biển Đông, thì mới thấy thực chất những ý tưởng, sáng kiến, chiến lược mà Bắc Kinh phát ra thế giới là gì./.

                                                                                                                        BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới