Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLàm thế nào để tin cậy được trong quan hệ Việt -...

Làm thế nào để tin cậy được trong quan hệ Việt – Trung

Thế là Tổng Bí thư BCH Trung ương ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lại được Bắc Kinh mời đi thăm chính thức từ ngày 7/4 đến ngày 10/4/2015. Cũng đã hơn 3 năm kể từ chuyến thăm Trung Quốc gần đây nhất của ông Trọng (11/10 đến 15/10/2011).

Mọi người hẳn còn nhớ ông Trọng thăm Trung Quốc lần đó là sau sự kiện Trung Quốc cho tàu cá và tàu kiểm ngư ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh 02 và tàu Viking II đang hoạt động nghiên cứu khoa học sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, diễn ra vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2011 làm Biển Đông dậy sóng. Trong lần thăm đó, sau hội đàm với Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, hai bên đã ra Tuyên bố chung gồm 8 điểm. Đáng chú ý nhất là điểm 5 trong Tuyên bố chung liên quan đến các vấn đề trên biển có ghi nhận việc hai nước ký kết “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” (11/10/2011), cho rằng việc ký kết Thỏa thuận này có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với việc xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, hai bên sẽ cùng nỗ lực thực hiện nghiêm chỉnh Thỏa thuận này. Phần cuối của điểm 5 còn ghi“Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Và lần thăm Trung Quốc này của ông Trọng là gần một năm sau sự kiện giàn khoan HD 981 mà Trung Quốc ngang ngược, “không bình tĩnh và không kiềm chế” khi hạ đặt và thăm dò dầu khí trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ 1/5/2014 đến 16/7/2014, gây căng thẳng đột biến trong khu vực Biển Đông, gây phẫn nộ cao độ trong dư luận Việt Nam và quốc tế, hạ quan hệ hai nước chùng xuống mức thấp nhất.

Ông Trọng đã đi thì phải có cái gì chung để ghi nhận chứ. Sau hội đàm với Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ra Thông cáo chung gồm 9 điểm, cũng có điểm 5 liên quan đến vấn đề trên biển, theo đó, hai bên “Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt – Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Có thể thấy, lời lẽ trong những văn kiện chung giữa hai nước, nhân mỗi chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, thường được cân nhắc câu chữ, cố gắng đưa vào những nội dung hay nhất, hữu nghị nhất để nhân dân hai nước và thế giới thấy những nét “đại cục” trong quan hệ Việt – Trung. Tuy nhiên, những người dân bình thường thì lại cứ phải chú ý đến những vấn đề thường ngày như: tàu Trung Quốc uy hiếp, đe dọa, thậm chí bắt, tịch thu ngư lưới cụ, đánh đập bà con ngư dân Việt Nam trên Biển Đông; hay việc Trung Quốc ngang nhiên xây dựng ồ ạt các đảo nhân tạo, mở rộng ra hàng trăm héc ta tại các vị trí mà Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế chiếm của Việt Nam trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; hay sự mất cân bằng, thâm hụt trong cán cân thương mại giữa hai nước, việc hàng đoàn xe chất đầy dưa hấu, thanh long… chờ trực tại các cửa khẩu quốc tế để xuất sang Trung Quốc rồi cuối cùng không xuất được, hoa quả bị hỏng, cho cũng chẳng ai lấy; hay việc Trung Quốc tìm cách tuồn các ấn phẩm vào Việt Nam tuyên truyền cho yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông…

Là hai nước láng giềng, quan hệ kinh tế – thương mại và đầu tư Việt – Trung có những bước tăng đáng kể từ 32 triệu đô la Mỹ (1991) lên gần 60 tỷ đô la Mỹ (2014). Kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt 58,78 tỷ đô la Mỹ, trong đó Việt Nam xuất 14,91 tỷ đô la Mỹ, nhập 43,87 tỷ đô la Mỹ. Trung Quốc hiện có 1109 dự án tại Việt Nam, vốn đăng ký là 7,99 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 9 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Vậy nên, không thể không nói các mối quan hệ chính trị, kinh tế, trao đổi hàng hóa, đầu tư, văn hóa… giữa hai nước có những phát triển. Nhưng không thể không nói đến một số những vướng mắc nổi cộm, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, một trở ngại lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong các lĩnh vực khác.

Những trở ngại cơ bản đó là gì? Đó là việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ồ ạt tại những vị trí chiếm của Việt Nam, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước, vi phạm DOC; đó là việc Bắc Kinh cố tình câu giờ, gây trở ngại trong quá trình bàn thảo với các nước ASEAN để hướng đến một COC nghiêm túc hơn; vấn đề liên quan đến lợi ích của Việt Nam trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra trước Tòa Trọng tài Thường trực La Hay; đó là yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp và quá đáng của Trung Quốc chiếm hầu hết Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Việt Nam; vấn đề chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đã được lịch sử và thế giới ghi nhận nhưng Trung Quốc đã lợi dụng hoàn cảnh Việt Nam lúc đó mà dùng vũ lực cướp của Việt Nam từ năm 1974; việc Bắc Kinh sử dụng những bằng chứng chắp vá, ngụy tạo, bóp méo lịch sử cho rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với hai quần đảo, chưa kể đến việc Trung Quốc chiếm của Việt Nam 7 vị trí thuộc quần đảo Trường Sa từ năm 1988.

Đành rằng, xét về quan hệ Việt – Trung thì cần phải nói đến những mặt tích cực, những dòng chảy chính, những vấn đề trọng tâm…, nhưng để đưa một mối quan hệ đi vào thực chất, hiệu quả, tin cậy, hai bên cùng có lợi thì không thể không nhắc đến những vấn đề khúc mắc, những trở ngại cụ thể, cơ bản trong quan hệ hai nước, vì những “cái gai” này, theo dòng chảy cuộc sống, dòng chảy thời gian, dòng chảy quan hệ vẫn là những thực tế khách quan, dù được bao biện hoặc che đậy đến đâu chăng nữa. Thậm chí nếu không kiểm soát được, những “cái gai” còn có thể phát triển, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ. Có thể là tự nhiên chăng, khi anh thấy trong lòng không hoàn toàn thoải mái trong một mối quan hệ, hoặc trong mối quan hệ đó còn những khúc mắc xung đột vì có những lợi ích cốt lõi mâu thuẫn nhau vẫn còn, chưa hề thuyên giảm và chưa hề có biện pháp hữu hiệu nào để hóa giải được nó, ngoài mặt thì bắt tay, cười nói hữu nghị thân thiết nhưng trong lòng cả hai vẫn không thể quên được những gì đã qua, những thời điểm quan hệ ở mức thấp nhất.

Trong Thông cáo chung 2015 hai bên nhất trí: “Kịp thời trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế, khu vực và những vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương, không ngừng đi sâu trao đổi chiến lược, củng cố tin cậy chính trị, tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo đối với sự phát triển quan hệ Việt – Trung”. Nhưng muốn đạt được điều đó, thiết nghĩ những vấn đề gai góc, những khác biệt cơ bản giữa hai nước về chủ quyền lãnh thổ phải được đề cập trực diện, thẳng thắn, phải đưa được vào nội dung Thông cáo chung. Bắc Kinh phải xuất phát từ thiện chí thực sự, nói phải đi đôi với làm, phải từ bỏ những ý đồ, tham vọng quá đáng, vi phạm luật pháp quốc tế trong các hành động ở Biển Đông. Hai nước phải thống nhất được những giải pháp dựa trên cơ sở lịch sử khách quan, tuân thủ luật pháp quốc tế và những chuẩn mực trong quan hệ quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi.

Làm thế nào để hai nước Việt – Trung có được tin cậy trong các khía cạnh chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư… để hai bên cùng có lợi, để hai nước cùng phát triển, nhân dân hai nước được tận hưởng hòa bình, hữu nghị, ổn định theo đúng nghĩa của nó?

Câu hỏi này để lãnh đạo Trung Quốc trả lời trước.

                                                                                                            BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới