Sau tuyên bố “sẽ có tội với tổ tiên, có lỗi với con cháu, nếu thay đổi lập trường cùng yêu sách chủ quyền vô lý ở Biển Đông” hôm 27-6 của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ngày 29-6, tờ Thời báo Hoàn cầu – tên lính truyền thông xung kích của Nhân dân Nhật báo- lại vu khống, xuyên tạc Việt Nam xâm lược quần đảo Trường Sa, thậm chí xấc xược, xúc phạm danh dự và anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đăng bài “Năm 1975, Võ Nguyên Giáp từng chỉ huy hải quân Bắc Việt xâm chiếm Trường Sa, Trung Quốc”.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu
Gần 4 năm trước (18-7-2011), tờ Thời báo Hoàn cầu từng đăng bài xuyên tạc và bôi nhọ Việt Nam với tiêu đề “Việt Nam lật mặt: Năm 1956, Thủ tướng Việt Nam từng thừa nhận các đảo ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc”. Và lần này, với bài “Năm 1975, Võ Nguyên Giáp từng chỉ huy hải quân Bắc Việt xâm chiếm Trường Sa, Trung Quốc”, tác giả Tôn Lực Chu, một học giả Trung Quốc lại muốn “hâm nóng sự kiện”, cổ súy cho tham vọng bành trướng và bá quyền ở Biển Đông, nên đã cố tình xuyên tạc, vu khống, bóp méo sự thật lịch sử đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Nhưng luận điệu đánh lận con đen này của tác giả Tôn Lực Chu không khiến độc giả và dư luận, cùng những người Trung Quốc chân chính bị mắc lừa. Bởi việc Việt Nam đưa quân giải phóng quần đảo Trường Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước đây là hành động mà bất cứ một quốc gia nào cũng đều phải làm khi thống nhất đất nước. Theo Hiệp định Geneva 1954 mà Trung Quốc là một bên đặt bút ký, Cộng hòa Pháp trước đó đại diện cho Việt Nam về mặt đối ngoại thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã bàn giao hoạt động thực thi, bảo vệ chủ quyền cho các chính thể ở miền Nam Việt Nam. Chính thể có thể khác nhau, nhưng Tổ quốc Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Ngày 5-6-1975, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 2-7-1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25-4-1976, đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ và quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Trước đây Bắc Kinh cũng từng đưa quân đánh chiếm Đài Loan, nhằm thực hiện nhiệm vụ thống nhất giang sơn, nhưng bất thành. Phải chăng vì không làm được điều đó, nên Trung Quốc hậm hực trước thành công của Việt Nam, từ đó cố tình đánh tráo các khái niệm pháp lý cơ bản. Sở dĩ nói như vậy vì tác giả Tôn Lực Chu đã cố tình bóp méo sự thật lịch sử khi cho rằng “Việt Nam đã trở mặt khi đưa quân đánh chiếm Trường Sa, trong khi trước năm 1974 luôn thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc!?”. Đây là thủ đoạn đánh tráo khái niệm pháp lý hòng bôi nhọ, vu khống Việt Nam. Bởi từ trước đến nay Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Và điều này được sử liệu trên thế giới chứng minh.
Ngày 1-7, Quốc hội Trung Quốc thông qua đạo luật An ninh quốc gia, trong đó nhấn mạnh tới nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với Hongkong, Macau và Đài Loan. Điều này cho thấy Bắc Kinh rất nóng lòng thu hồi Đài Loan. Khi còn là Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Đài Loan, Ngoại trưởng Vương Nghị từng bày tỏ quyết tâm giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện kế hoạch thống nhất quốc gia. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Bắc Kinh “muốn làm gì thì làm”, bất chấp luân thường đạo lý theo kiểu viết xấc xược của tác giả Tôn Lực Chu. Trung Quốc cũng không thể thông qua bài “Năm 1975, Võ Nguyên Giáp từng chỉ huy hải quân Bắc Việt xâm chiếm Trường Sa, Trung Quốc” để thay đổi “càn khôn”. Hành động xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ, vu khống Việt Nam mà Bắc Kinh đang tiến hành cần phải chấm dứt ngay.