Lào phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên và đất đai giàu khoáng sản của mình làm vật thế chấp, hoạt động hợp tác chủ yếu mang lợi cho Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Lào và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc.
Tân Hoa Xã ngày 8/7 đưa tin, Trung Quốc và Lào đã cam kết tăng cường quan hệ hợp tác quân sự gần gũi hơn nữa trong hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Lào Sengnuan Saiyalath với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn hôm Thứ Tư vừa qua tại Bắc Kinh.
Khi tiếp ông Sengnuan Saiyalath, Hứa Kỳ Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc nói rằng nước này và Lào là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Ông Lượng kêu gọi hai bên đẩy mạnh hợp tác toàn diện, duy trì đà phát triển quan hệ và “chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo”.
Bộ trưởng Quốc phòng Lào đồng ý rằng quân đội hai nước đã ủng hộ lẫn nhau trong một thời gian dài và có tình hữu nghị sâu sắc. “Lào sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc xây dựng quân đội và củng cố quan hệ song phương cũng như quan hệ quốc phòng”, ông Sengnuan nói.
Khi hội đàm với Thường Vạn Toàn, tướng Sengnuan bày tỏ biết ơn sự viện trợ quân sự từ Trung Quốc. Ông Toàn nhấn mạnh, củng cố và làm sâu sắc thêm tình hữu nghị Trung – Lào là “nguyện vọng và trách nhiệm chung” của hai bên. Bắc Kinh muốn tăng cường hợp tác an ninh đa phương với Lào nhằm đẩy quân hệ quân sự song phương lên tầm cao mới.
Xung quanh sự kiện này tờ International Business Times ngày 10/7 bình luận, việc Trung Quốc và Lào công bố quan hệ hợp tác quân sự gần gũi hơn trùng với quá trình đầu tư của Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng kinh tế của nước này tại Lào.
Kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng “một vành đai, một con đường” sẽ liên kết Trung Quốc với Lào bằng đường sắt, là “chìa khóa phát triển kinh tế” cho Lào. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lào Lattanamany Khounnyvong cho biết: “Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Lào gồm cả đường bộ, đường thủy, đường không và đường sắt đang tụt hậu so với các nước khác.”
“Tôi hoàn toàn ủng hộ sáng kiến này của Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông với các nước khác là chìa khóa cho Lào phát triển đất nước”, ông Khounnyvong bình luận. Dự án này sẽ biến Lào trở thành đất nước kết nối.
Tuy nhiên các nhà phân tích cảnh báo rằng, các quan hệ vừa chớm nở có thể phát triển quá lệch. Lào phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên và đất đai giàu khoáng sản của mình làm vật thế chấp, hoạt động hợp tác chủ yếu mang lợi cho Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer từ Úc bình luận trên đài VOA: “Đó là một phần chiến lược thúc đẩy của Trung Quốc phát triển các tuyến đường kinh tế của mình xuống phía Nam và cải thiện cơ sở hạ tầng. Tuyến đường sắt cao tốc sẽ khiến Lào rơi sâu hơn vào các khoản nợ nần với Trung Quốc”.
Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị đại học Chulalongkom ở Thái Lan nói với VOA: “Trong số các nước tham gia (dự án một vành đai, một con đường của Trung Quốc), Lào là nước có nguy cơ bị Trung Quốc thống trị nhất. Lào là một nước nhỏ, nền kinh tế nhỏ và Trung Quốc thì không ngại làm cho lục địa Đông Nam Á thành không gian sân sau của mình. Họ làm điều đó ngay bây giờ”.