Saturday, December 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBắc Kinh đánh giá quan hệ Việt - Mỹ như thế nào?

Bắc Kinh đánh giá quan hệ Việt – Mỹ như thế nào?

Trung Nam Hải với vai trò là ‘chướng ngại vật mang tính tự nhiên’ của quan hệ Việt – Mỹ hiểu rõ như lòng bàn tay nên vẫn “mắt lạnh bàng quan” không thèm để ý

Tờ Phương Đông xuất bản tại Hồng Kông hôm nay có bài xã luận: “Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ, Trung Nam Hải mắt lạnh bàng quan” cho rằng, quan hệ Việt – Mỹ phát triển chắc chắn sẽ động đến quan hệ Trung – Việt.

Trung Quốc là “vật chướng ngại tự nhiên của quan hệ Việt – Mỹ”

Cũng như các tờ báo của nhà nước Trung Quốc, Phương Đông xoáy vào chi tiết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không nắm chức vụ nào trong bộ máy Nhà nước, Chính phủ mà “được” ông Obama tiếp ở phòng Bầu Dục của Nhà Trắng. Điều này cho thấy truyền thông Trung Quốc không hiểu gì về lịch sử, và cũng không biết gì về người Mỹ – PV.

Tuy nhiên Phương Đông nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Washington không có ý lật đổ chính quyền Việt Nam mà chỉ muốn phát triển quan hệ, củng cố lòng tin giữa hai nước.

Phương Đông cho rằng kể từ khi bình thường hóa quan hệ, quan chức cấp cao 2 nước Việt – Mỹ thường xuyên thăm viếng nhau cho đến việc đàm phán TPP hôm nay, thậm chí là lĩnh vực giao lưu hợp tác quốc phòng vốn “nhạy cảm” (đối với Trung Nam Hải) cho thấy quan hệ Việt – Mỹ cũng “gần như đồng minh” bởi lẽ người Mỹ muốn “câu con cá to phải có mồi lớn”?!

Vẫn thủ đoạn quen thuộc tuyên truyền chống phá quan hệ Việt – Mỹ thường thấy của truyền thông nhà nước Trung Quốc, Phương Đông cho rằng “giá trị chiến lược lớn nhất của Việt Nam là kiềm chế Trung Quốc”?!

Luận điệu của Phương Đông xem chừng cũng “na ná” Thời báo Hoàn Cầu: “Mỹ chỉ lợi dụng vấn đề Biển Đông để ly gián quan hệ Trung – Việt nên việc Hoa Kỳ mời ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức là một chiến lược đối với Việt Nam. Còn phía Việt Nam đang phải chịu áp lực rất lớn từ Trung Quốc ở Biển Đông, cần mượn sức mạnh của Mỹ để cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

Người Việt hy vọng mua được vũ khí trang bị ‘giá rẻ’ một chút từ Hoa Kỳ, thậm chí Hà Nội còn hy vọng rằng, nếu chẳng may Trung – Việt xảy ra chiến tranh ở BIển Đông thì Mỹ có thể ra tay nghĩa hiệp, thậm chí rút đao tương trợ”?!

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng.

Phương Đông kết luận: “Trung Nam Hải với vai trò là ‘chướng ngại vật mang tính tự nhiên’ của quan hệ Việt – Mỹ hiểu rõ như lòng bàn tay nên vẫn “mắt lạnh bàng quan” không thèm để ý. Trục quan hệ tam giác Mỹ – Việt – Trung hình thành cũng bởi Biển Đông, nếu Biển Đông sóng yên biển lặng thì Trung – Việt lại gần chống Cách mạng màu của Mỹ, nếu Biển Đông nổi bão, Mỹ – Việt lại cùng liên thủ đối phó với Bắc Kinh. Quan hệ 3 bên chỉ là lợi dụng và chống lợi dụng, phát triển trong sự cảnh giác lẫn nhau”.

Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc ngày 10/9 có bài xã luận với luận điệu không khác. Đài này kết luận rằng: “Quan hệ Việt – Mỹ bề ngoài xích lại gần nhau, nhưng thực chất không bên nào yên tâm hợp tác với bên nào. Mỹ là một nước dân chủ, lẽ tự nhiên xung đột với chế độ xã hội chủ nghĩa?!”

Ô hay, nếu nói về sự khác biệt chế độ chính trị, hệ thống chính trị là lý do để đối đầu thay cho đối thoại thì năm 1959 Tổng thống Dwight Eisenhower đã không mời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev thăm Mỹ, cũng làm gì có chuyện Richard Nixon thăm Trung Quốc năm 1972 gặp Mao Trạch Đông?

Nếu nói tương đồng về ý thức hệ, tại sao Trung Quốc muốn phát triển quan hệ với Hoa Kỳ nhưng lại lôi chiêu bài ý thức hệ ra chống phá quan hệ Việt – Mỹ? Đối thoại là một xu thế không thể đảo ngược của thời đại. Muốn đối thoại, đầu tiên phải có sự tôn trọng và thừa nhận lẫn nhau. Người Mỹ hiểu điều này, người Việt hiểu điều này, trò trẻ con của truyền thông Trung Quốc chẳng thể mảy may tác động. Càng điên cuồng chống phá, càng bộc lộ dã tâm! PV.

Trục quan hệ Mỹ – Việt – Trung và cảnh báo của cụ Nguyễn Du

Kinh dị hơn, ngày 8/7 Thời báo Hoàn Cầu, một trong những cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ra bài xã luận: “Việt Nam không thể giống trẻ con chạy vào vòng tay của Mỹ” với những luận điệu kích động, miệt thị không thể tưởng tượng nổi: “Hà Nội không thể không lo lắng, Washington đưa cho viên kẹo, thực chất là một viên thuốc độc”. Những lời lẽ này của Thời báo Hoàn Cầu và truyền thông nhà nước Trung Quốc đúng là “thuốc độc”, nhưng họ đang đầu độc chính người Trung Quốc, còn người Việt và người Mỹ đã biết từ lâu.

Cỗ máy tuyên truyền khổng lồ của nhà nước Trung Quốc ra sức bôi đen quan hệ Việt – Mỹ thành “âm mưu kiềm chế Trung Quốc”, miệt thị Việt Nam như “trẻ con”, còn Hoa Kỳ là một con ngáo ộp đáng sợ, chỉ có Trung Quốc mới là chính nhân quân tử hay “chỗ dựa tin cậy”, nhưng lại đang từng ngày từng giờ la liếm lãnh thổ láng giềng không từ một thủ đoạn nào – PV.

Trải qua các cuộc chiến tranh và luôn là tâm điểm cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc, người Việt quá thấm thía việc ngả theo bất kỳ cường quốc nào, phụ thuộc vào họ cũng dẫn đến suy vong. Chỉ có độc lập tự chủ, tự lực tự cường, bắt tay hợp tác với tất cả các nước và dân tộc tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý, luôn cảnh giác với những kẻ bành trướng miệng Nam mô bụng một bồ dao găm mới là lối thoát.

Phó Tổng thống Mỹ đã lẩy hai câu Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du trong bữa tiệc chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy họ rất hiểu người Việt, thực sự thiện chí muốn ngồi lại hợp tác với nhau, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước. Điều này khiến người Viết chợt nhớ đến câu chuyện của Từ Hải, một lời cảnh tỉnh của cụ Nguyễn Du đối với Việt Nam trong quan hệ bang giao với các nước lớn:

Từ rằng: Quốc sĩ xưa nay,
Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?

Sân bay quân sự, đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam luôn là lời nhắc nhở.

Chọn bạn đã khó, chọn tri âm tri kỷ còn khó hơn nhiều. Một cá nhân đã như vậy, một quốc gia cũng không khác. Từng bị “đồng chí, anh em” dạy cho nhiều bài học trả bằng xương máu, người Việt quá rõ điều này. Suy nghĩ của Từ Hải khi Hồ Tôn Hiến tìm cách chiêu an mà thực tế là tiêu diệt đối thủ cho ta một bài học cảnh giác với các nước lớn:

Một tay gây dựng cơ đồ,
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành!
Bỏ thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thùy.
Sức này đã dễ làm gì được nhau?
Chọc trời quấy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?

Theo Thiền sư Nhất Hạnh, Vua Minh Mạng là người rất mê Truyện Kiều, dù phật ý và phạt thi sĩ Nguyễn Du 3 chén rượu vì câu: “Chọc trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhưng phạt rồi Vua vẫn phải thừa nhận: “Nhưng mà hay! Phạt thì phạt nhưng thơ rất hay! Vì vậy trẫm thưởng cho khanh”, Vua sai người mang 3 tấm lụa tặng cụ Nguyễn Du may áo, giai thoại này vẫn được truyền đến hôm nay.

Nhưng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Từ Hải đã không vượt nổi ải mỹ nhân mặc dù trước đó nhìn quá rõ bụng dạ của “triều đình”. Những lời ngon ngọt cùng với lễ hậu mà Hồ Tôn Hiến sai người mang vào hậu trướng gặp Thúy Kiều đã khiến cơ đồ của Từ Hải thành mây khói:

Tin lời thành hạ yêu minh,
Ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng
Việc binh bỏ chẳng giữ giàng,
Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư.
Hồ công quyết thế thừa cơ,
Lễ tiên binh hậu khắc cờ lập công.
Kéo cờ chiêu phủ tiên phong,
Lễ nghi phục trước bác đồng phục sau.

Để rồi: 

Đang khi bất ý chẳng ngờ,
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn.

Người Mỹ hiểu Việt Nam, hiểu Truyện Kiều của Việt Nam thì không lý do gì chúng ta lại quên lời cảnh tỉnh của tiền nhân mà sao nhãng việc phòng thủ của đất nước, đặc biệt là với thủ đoạn nham hiểm “tiên lễ hậu binh” của đối phương. Những lời ngon ngọt hay kích bác, đều chỉ nhằm đánh gục ta mà thôi. Vì vậy hãy nên tỉnh táo, đừng để rơi vào cảnh “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”, tệ hơn nữa là cái kết câu chuyện Mỵ Châu mà Tố Hữu kể:

“Nỏ thần vô ý trao tay giặc,
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.”

RELATED ARTICLES

Tin mới