Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTập trận ở Biển Đông và ý đồ của Mỹ

Tập trận ở Biển Đông và ý đồ của Mỹ

Hải quân Mỹ và Singapore vừa khai mạc cuộc tập trận chung mang tên “Hợp tác sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện trên biển (CARAT) lần thứ 21” trên Biển Đông.

Tập trận với Singapore

Theo cơ quan báo chí thuộc Bộ Quốc phòng Singapore, ngày 13/7, cuộc diễn tập CARAT lần thứ 21 giữa hải quân Mỹ và Singapore đã được khai mạc tại Căn cứ hải quân Changi, trên Biển Đông. Cuộc tập trận này sẽ kéo dài đến hết ngày 24/7.

Theo nguồn tin này, cuộc diễn tập năm nay sẽ tập trung vào việc rèn luyện khả năng tác chiến hàng hải thông thường như các hoạt động phòng không, đối hạm và chống ngầm, cũng như các hoạt động bảo vệ không phận hàng hải và căn cứ.

Để tham gia cuộc diễn tập năm nay Singapore có 5 tàu chiến, 1 tàu ngầm, 1 máy bay trực thăng hải quân, 1 máy bay tuần tiễu hàng hải và nhiều máy bay chiến đấu của Hải quân và Không quân Cộng hòa Singaprore.

Về phía Hải quân và Hải quân đánh bộ Mỹ sẽ triển khai 3 tàu chiến, 1 tàu ngầm, 3 máy bay hải quân và 1 máy bay trinh sát và tuần tra hàng hải, tham gia diễn tập. Tổng số có 1.400 binh lính của cả hai nước tham gia.

Theo đó, hải quân Singaprore sẽ triển khai các máy bay không người lái ScanEagle từ các tàu hộ tống tên lửa lớp Victory là RSS Vigour và RSS Valour, trong khi các máy bay không người lái FireScout của hải quân Mỹ sẽ được phóng từ chiếc tàu tuần duyên lớp Freedom, USS Fort Worth.

Được biết, Singapore và Mỹ đã bắt đầu tiến hành cuộc diễn tập CARAT đầu tiên vào năm 1995, và năm nay, ngoài khoa mục diễn tập phóng thủy lôi chung, hải quân 2 nước sẽ lần đầu tiên triển khai các máy bay không người lái tham gia các hoạt động tác chiến hàng hải thông thường trong khuôn khổ diễn tập này.

Tham vọng của Mỹ

Không chỉ tiến hành tập trận với Singapore, Mỹ còn lên kế hoạch tăng cường các cuộc tập trận với các quốc gia Đông Nam Á.

Đại úy Ronald Oswald, người đứng đầu bộ phận hợp tác an ninh của Hạm đội 7 Mỹ, cho hay năm 2016 sẽ chứng kiến sự tăng cường những cuộc tập trận đa phương giữa Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm các cuộc tập trận song phương trước đây mở rộng thành đa phương với nhiều đối tác mới tham gia, theo tạp chí The Diplomat (trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản).

Ông Oswald không cung cấp nhiều thông tin chi tiết về việc mở rộng quy mô và phạm vi các cuộc tập trận này. Tuy nhiên, ông Oswald hé lộ về việc mở rộng những chương trình hiện tại, chẳng hạn cuộc tập trận mang tên Huấn luyện và Sẵn sàng Hợp tác trên biển (CARAT) thường niên.

CARAT là một loạt cuộc tập trận hải quân song phương do Hải quân Mỹ chủ trì từ năm 1995 và bây giờ mở rộng ra với sự tham dự của một số quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Á bao gồm Bangladesh, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Đông Timor.

Ngoài ra, Hải quân Mỹ sẽ mở rộng chương trình Huấn luyện và Hợp tác Đông Nam Á (SEACAT), lần đầu tiên được tiến hành vào năm 2002, với sự tham gia của Hải quân Mỹ và Hải quân của 6 nước ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Giới quan sát nhận định những cuộc tập trận này là quan trọng, và các quốc gia trong khu vực sẽ theo đuổi sự hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô và phạm vi các cuộc tập trận được cho là phức tạp, đòi hỏi những đối tác mới muốn tham gia phải có đủ năng lực thích ứng.

Việc quyết định nên đưa quốc gia nào và loạt nước nào ra khỏi các cuộc tập trận đa phương cũng là vấn đề gây tranh cãi về phía Mỹ, chẳng hạn vụ tranh cãi liên quan đến việc để Myanmar tham gia cuộc tập trận Cobra Gold (Hổ mang Vàng) với tư cách quan sát viên, và vụ tranh cãi về việc loại Trung Quốc ra khỏi cuộc cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC vào năm 2016.

Đây chỉ là hai ví dụ điển hình cho thấy những thách thức Mỹ đối mặt nếu muốn mở rộng quy mô và phạm vi các cuộc tập trận quân sự chung với Hải quân các nước Đông Nam Á, theo The Diplomat.

RELATED ARTICLES

Tin mới