Thursday, January 16, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBoxit Tây Nguyên xin giảm thuế môi trường: Nghịch lý

Boxit Tây Nguyên xin giảm thuế môi trường: Nghịch lý

Mới đây TKV lại tiếp tục gửi đề xuất lên Bộ Tài chính, đề nghị giảm 90% mức thu phí bảo vệ môi trường đang áp dụng cho các dự án boxit.

Tờ TBKTSG online dẫn thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, tại một cuộc hội thảo hoàn thiện chính sách phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản diễn ra tuần trước tại Quảng Ninh, TKV lại tiếp tục gửi đề xuất lên Bộ Tài chính và  đề nghị giảm 90% mức thu phí bảo vệ môi trường đang áp dụng cho các dự án boxit.

Theo đó với mức thu phí hiện hành đối với các dự án boxit là từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/tấn, tùy địa phương. Nay TKV đề nghị giảm mức thu xuống còn 4.000 đồng/tấn.

“Mức đề nghị này là tương đương với khai thác đất, cát…để làm vật liệu xây dựng thông thường”, Bộ Tài chính cho biết.

Cũng theo bộ này thì đây không phải lần đầu TKV đưa ra đề nghị này. Bởi TKV cho rằng khai thác boxit tương đối đơn giản, chỉ cần gạt hoặc xúc lớp đất phủ mỏng ở phía trên sang bên cạnh, xúc quặng đi sau đó hoàn thổ tại chỗ bằng đất thổ nhưỡng.

Quặng bô xít và đất phủ có độ cứng ít, không phải khoan nổ mìn khi khai thác. Vì vậy, mức độ gây ô nhiễm trong quá trình khai thác là rất thấp, giống như khai thác đất để san lấp, xây dựng công trình.

Tuy nhiên đề nghị này 2 năm qua dù đưa ra nhiều lần nhưng vẫn bị Bộ Tài chính từ chối nhưng TKV vẫn kiên trì bám trụ.

TKV từng nhiều lần xin ưu đãi cho 2 dự án boxit Tây Nguyên. Trước đó Bộ Công thương còn xin giảm đầu tư hồ chứa bùn đỏ vì thiết kế có độ an toàn quá cao. Rồi lại xin giảm thuế môi trường, không đền bù tiền đất cho dân mà chỉ thuê có thời hạn…

Hiện tại TKV đã được ưu đãi 5 loại thuế như được miễn giảm tiền thuê đất, miễn thuế nhập khẩu thiết bị, tạo tài sản cổ định, được miễn thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư lắp đặt đồng bộ tại dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng), miễn thuế xuất khẩu aluim xuống còn 0%…

Trong khi đó báo cáo của Bộ Công thương gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3/2015 cho biết đến năm 2016 và 2020, hai dự án này mới lần lượt hết lỗ.

Trước đó TS Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam từng bày tỏ quan điểm khi Bộ Công thương và TKV liên tục xin cơ chế ưu đãi.

Ông Liêm cho rằng, mục tiêu của dự án là nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội phục vụ cho vùng đất Tây Nguyên. Đây là mục tiêu rất đẹp. Thế nhưng để dự án có thể tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội thì yêu cầu đầu tiên là hoạt động sản xuất kinh doanh phải có lãi. Lãi này thể hiện qua việc nộp thuế càng nhiều càng tốt và đồng tiền này sẽ tái đầu tư trở lại cho nhà ở, trường học, bệnh viện, đường xá cho vùng Tây Nguyên.

Còn GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam cho rằng, việc hoàn thổ và phục hồi môi trường chắc chắn không dễ như những gì TKV nói.

Vị chuyên gia này cũng bày tỏ lo ngại về khả năng ô nhiễm nước vào mùa mưa và ô nhiễm bụi đất đỏ vào mùa khô. Vào mùa mưa, mưa Tây Nguyên xối xả sẽ trút xuống toàn bộ khu vực khai trường.

Từ đây, nước mưa mang theo đất đổ vào sông, suối ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước sẽ chảy về vùng Đông Nam bộ và các vùng hạ du khác.

“Còn vào mùa khô, hoạt động khai thác mỏ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không khí do bụi và chất thải khí của các phương tiện cơ giới từ khu mỏ đến nhà máy tuyển quặng”, GS.TSKH Đặng Trung Thuận nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới