Biển Đông là một vấn đề. Chúng ta không thể giả vờ rằng nó không phải là vấn đề.
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: The Cambodia Herald.
Reuters ngày 4/8 đưa tin, các nước ASEAN hôm Thứ Ba đã lên tiếng ủng hộ Mỹ và cùng kêu gọi ngừng các hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, nhấn mạnh sự khó chịu trước hoạt động bành trướng liên tục của Bắc Kinh trên quần đảo Trương Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp.
Trung Quốc nói rằng họ không muốn Biển Đông được nêu ra tại cuộc họp tuần này của các Ngoại trưởng ASEAN và đối tác tại Kuala Lumpur, Malaysia. Tuy nhiên Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho rằng, các nước thành viên ASEAN nhất trí cần phải kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines Abert del Rosario leen án Trung Quốc: “Chúng tôi thấy không có bất kỳ dấu hiệu xuống thang nào trong các hoạt động đơn phương và hung hăng của phương Bắc ở Biển Đông. Các hoạt động bồi lấp và xây dựng khổng lồ đã làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”. Ông kêu gọi ASEAN giải quyết vấn đề này với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam nói với báo chí, Biển Đông không thể bỏ qua và Singapore không hài lòng với việc thực hiện DOC mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002. “Biển Đông là một vấn đề. Chúng ta không thể giả vờ rằng nó không phải là vấn đề. Chúng ta đã có thể vượt qua những cuộc thảo luận triết học để thực sự nói về những gì có trong bản chất của thỏa thuận (DOC)”, ông Shanmugam nói.
Từ Singapore, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm Thứ Ba nói rằng, Hoa Kỳ muốn các nước trong khu vực hợp tác ngăn chặn các va chạm nhỏ có thể leo thang thành xung đột lớn ở Biển Đông. Malaysia, Chủ tịch luân phiên đương nhiệm của ASEAN khẳng định, chủ đề thảo luận là không giới hạn và ASEAN nên đóng vai trò quan trọng cho một giải pháp “thân thiện” với vấn đề Biển Đông.
Hình minh họa: The Economist. |
Trung Quốc không cho thấy dấu hiệu thiện chí xuống thang các hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp), đồng thời vẫn khăng khăng tìm cách phủ nhận, gạt bỏ Biển Đông khỏi diễn đàn ARF, ASEAN. Xã luận tờ Nhân Dân nhật báo hôm Thứ Ba đổ tội cho Hoa Kỳ và Nhật Bản “phá vỡ” Biển Đông trong khi Thời báo Hoàn Cầu giật tít: “Mỹ – Philippinese đừng nằm mơ ASEAN sẽ đấu tố Trung Quốc về Biển Đông”.
Về phản ứng của Campuchia, tờ Khmer Times ngày 4/8 bình luận, sau khi Lưu Chấn Dân – Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc hôm Thứ Hai lên tiếng nói rằng ASEAN không phải nơi bàn chuyện Biển Đông, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày Thứ Ba nói ông sẽ “hạnh phúc” nếu vấn đề Biển Đông sẽ để lại “băng ghế dự bị”.
“Tôi không đứng về bất kỳ phía nào trong các bên tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng tôi muốn khuyến khích các nước liên quan trong tranh chấp tiếp tục đàm phán với nhau”, ông Hun Sen phát biểu khi đi cắt băng khánh thành một cây cầu Trung Quốc chi tiền tài trợ ở bên ngoài Phnom Penh. Đối với Campuchia, đây là việc làm quen thuộc, Khmer Times bình luận.
Khi ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia đã phát triển, Phnom Penh không sẵn sàng hỗ trợ các nước láng giềng Đông Nam Á chống lại sự bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc ở Biển Đông, các nhà phân tích cho biết. Giáo sư Carl Thayer từ Úc nhận xét, đối với Hun Sen, củng cố hỗ trợ của Trung Quốc là điều cần thiết. “Trung Quốc giống như một con mèo dễ thương khi biết nó được vuốt ve, âu yếm”, ông Thayer nói.
Trung Quốc đã đầu tư vào Campuchia 427 triệu USD năm ngoái, cuối tháng 11/2014 Tập Cận BÌnh đồng ý cho Campuchia vay 500 triệu USD ưu đãi hàng năm. Hôm Thứ Hai, Campuchia công bố rằng Trung Quốc vượt qua Hàn Quốc trở thành nước cung cấp nguồn khách du lịch lớn nhất đến Siem Reap.