Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông: Trung Quốc liệu có “nói đi đôi với làm”?

Biển Đông: Trung Quốc liệu có “nói đi đôi với làm”?

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc ở Malaysia mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã đưa ra 10 đề xuất mới trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN, trong đó có hai vấn đề về Biển Đông được giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Ảnh: AFP)

Từ “điểm nóng” biến thành “điểm sáng”…

Hẳn dư luận còn nhớ, Trung Quốc đã cho công bố đường “lưỡi bò”, chiếm gần chọn Biển Đông năm 2010, cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam năm 2012, rượt đuổi tàu Philippines ở Bãi Cỏ Mây năm 2013, kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014;

Và gần đây là việc bồi đắp và xây dựng căn cứ quân sự trái phép trên các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam… là nằm trong chuỗi các vấn đề tư duy và chiến lược đầy tham vọng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nhận xét của giới nghiên cứu Trung Quốc thì những giải pháp gần đây của Trung Quốc là “5 ăn 5 thua” dựa trên sự cạnh tranh về chủ quyền, quyền tài phán và quyền kiểm soát… đã không nhận được sự đồng tình của thế giới và cả các nhà nghiên cứu và nhiều người dân Trung Quốc, khiến Biển Đông trở thành “điểm nóng” nhất trong khu vực.

Vì thế, trong kiến nghị 10 điểm của mình, Ngoại trưởng Vương Nghị đã dành điểm thứ 6 để nói về an ninh Biển Đông, rằng: Trung Quốc sẽ phối hợp với ASEAN để đảm bảo “Năm Hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN”, sẽ thành công và đưa hợp tác hàng hải lên tầm cao mới, “tạo điểm sáng mới về hợp tác trên biển”.

Đến biến “yêu sách” thành hợp tác “cùng thắng”

Điểm cuối cùng trong kiến nghị 10 điểm của ông Vương Nghị còn nói rằng: “Hai bên nên cùng đảm bảo hòa bình và ổn định tại Biển Đông thông qua giải quyết tranh chấp, duy trì hòa bình và thúc đẩy hợp tác nhằm tạo một kết quả cùng thắng”. Đây thực sự là một ý tưởng tốt nếu như cả Trung Quốc và ASEAN đều hành động theo hướng này.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu (kể cả ở Trung Quốc) không thể không nhớ lại “ba mục tiêu: hợp nhất khu vực, kiểm soát tài nguyên, và an ninh nâng cao” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mục tiêu thứ nhất được theo đuổi từ cuối những năm 1990 đến năm 2007 và đã đạt được những tiến bộ đáng kể, với thương mại hai chiều Trung Quốc – ASEAN tăng mạnh từ 8 tỷ USD năm 1991 lên 106 tỷ USD năm 2004 và 231 tỷ USD năm 2008. Trong khi thương mại giữa ASEAN và Mỹ chỉ đạt 172 tỷ USD.

Với mục tiêu thứ hai, Trung Quốc thực hiện từ năm 2009 đến năm 2014, với việc công bố đường “lưỡi bò”, cắt cáp tàu Bình Minh 02, rượt đuổi tàu Philippines, và hạ đặt trái phép giàm khoan HD 981… nhằm “kiểm soát tài nguyên” ở Biển Đông.

Giới quan sát cho rằng, bắt đầu từ năm 2014 đến nay, với việc mở rộng các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có thể được coi là nhằm mục tiêu thứ ba “an ninh nâng cao”, thông qua việc quân sự hóa các đảo được mở rộng, đơn phương tuyên bố cấm đánh bắt cá, đe dọa sẽ áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)…

Liệu nói có đi đôi với làm?

Theo giới phân tích, là một nước lớn có GDP đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc vẫn muốn có vai trò lãnh đạo khu vực và cạnh tranh vị thế toàn cầu với Mỹ là một thực tế, nên Trung Quốc “đang thực hiện kiềm chế”.

Một số giới chức Trung Quốc đang khuyên nhà cầm quyền Bắc Kinh nên thực hiện các mục tiêu về Biển Đông thông qua giải pháp, tạo thành “vùng sở hữu chung”. Tức là biến sở hữu của nước khác thành “sở hữu chung”, trong đó có phần của Trung Quốc.

Cách tiếp cận nói trên, được gọi là “đôi bên cùng có lợi”. Và theo họ “có như vậy mới có thể điều tiết được tất cả, điểm khởi đầu tốt cho giải quyết tranh chấp trên Biển Đông sẽ là Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Vì thế, “sở hữu chung” trong khu vực theo họ là hợp lý hơn cả.

Giới chức Trung Quốc còn nhắc tới ý tưởng “chủ quyền khu vực” nhằm thiết lập một hình thức đối với các hòn đảo mà không có nước bên ngoài.

Theo họ, thế giới đã thành công ý tưởng nêu trên đối với quần đảo Svalbard nằm giữa bờ Bắc của Na Uy và Greenland, và mô hình đó cũng nên được xem xét cho quá trình đàm phán tranh chấp ở Biển Đông nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng.

Giới chức Trung Quốc còn viện dẫn mô hình NAFO, tổ chức đánh bắt cá Tây Bắc Đại Tây Dương. Theo đó, NAFO quản lý các loài cá ở những vùng biển có nhiều cá bên ngoài bất kỳ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào ở Tây Bắc Đại Tây Dương. Và đây cũng có thể là mô hình áp dụng cho Biển Đông.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây thật sự là “mẹo” của Trung Quốc, vì Trung Quốc đã đồng nhất vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế rõ ràng của Việt Nam theo Luật Biển quốc tế năm 1982 với vùng còn mập mờ của quần đảo Svalbard ở phí Bắc Na Uy và mô hình NAFO ở Tây Bắc Đại Tây Dương, để biến vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành “sở hữu chung” của hai nước.

Dư luận Việt Nam và quốc tế hiện đang theo dõi kiến nghị của Trung Quốc tại Hội nghị ASEAN – Trung Quốc ở Kuala Lumpur vừa qua là giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu “thầm kín” nào trong chiến lược Biển Đông của Trung Quốc và liệu Trung Quốc có từ bỏ những mục tiêu đã đề ra trong chiến lược biển của mình hay không.

Vì thế, giới phân tích và dư luận đang dõi theo những động thái mới “nói đi đôi với làm” của Trung Quốc ở Biển Đông để “có hay không” ghi nhận những thiện ý của Trung Quốc trong kiến nghị “tạo điểm sáng” và “hai bên cùng thắng” trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới