Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã không lường trước được việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ trong ba ngày liên tiếp, giới chuyên gia nhận định.
Hôm 13/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ so với đôla xuống thêm 1,1%.
Mức giảm này thấp hơn hai mức 1,9% và 1,6% trong hai ngày 11 và 12/8.
Những ngày qua, nhiều ý kiến đã cho rằng hành động của Bắc Kinh đang châm ngòi cho một ‘cuộc chiến tiền tệ’ trong khu vực, khi hàng loạt các quốc gia châu Á bất ngờ phải đối mặt với áp lực phá giá tiền tệ để giữ tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu.
“Tôi nghĩ là cần xét đến động cơ chính trị của động thái này,” ông Christian de Guzman, chuyên gia phân tích từ hãng đánh giá tín dụng Moody’s, nói với BBC ngày 13/8.
“Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang xem xét đưa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vào giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR)”.
“Việc cho phép các tác nhân thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc xác định tỷ giá hối đoái rõ ràng là sẽ có lợi cho Trung Quốc trong vấn đề này”.
Việt Nam bất ngờ?
Nói sẽ không hạ tỷ giá quá một mức nào đó có nghĩa là tự nhận chúng tôi biết hết những gì sẽ xảy ra trên thế giới từ đây tới cuối nămÔng Kevin Snowball, giám đốc điều hành Quỹ Tài sản PXP
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi đầu năm nay đã thông báo sẽ không điều chỉnh tỷ giá VND/USD nhiều hơn 2% trong năm 2015.
Tuy nhiên cơ quan này đã phá giá VND hai lần vào nửa đầu năm nay do đồng đôla tăng giá.
Đến ngày 12/8, ngân hàng trung ương của Việt Nam thông báo mở rộng biên độ tỷ giá từ 1% lên 2% để đáp lại việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.
“Có lẽ phía Việt Nam không ngờ Trung Quốc sẽ phá giá liên tiếp nhiều ngày như vậy”, ông Kevin Snowball, giám đốc điều hành Quỹ Tài sản PXP, nói với BBC trong cuộc phỏng vấn cùng ngày.
“Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói sẽ không hạ tỷ giá quá một mức nào đó có nghĩa là họ tự nhận đã biết hết những gì sẽ xảy ra trên thế giới từ đây tới cuối năm”.
“Kiểu nói một đằng nhưng lại làm một nẻo không phải là điều gây tác động tích cực lên thị trường.”
“Có lẽ trong tương lai Việt Nam nên tránh đưa ra những tuyên bố chắc chắn như vậy”, ông nói.
Một ý kiến khác của Kinh tế gia Lê Đăng Doanh thì cho rằng “việc ấn định một mức tỷ giá có tính chất kế hoạch hóa cho cả năm là cách tiếp cận hết sức đáng bàn cãi”.
“Nền kinh tế thế giới hết sức biến động, tỷ giá biến động, đồng đôla lên giá, nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại ấn định ngay từ đầu là điều chỉnh tỷ giá có 2% thôi.”
“Căn cứ nào để có thể quyết định cứng nhắc như vậy, theo tôi đó là vấn đề còn gây bàn cãi”, ông nói.
‘Phản ứng phù hợp’
Dù cho rằng việc ấn định kế hoạch điều chỉnh tỷ giá cần linh hoạt hơn, các chuyên gia trả lời phỏng vấn BBC ngày 13/8 đều cho rằng động thái mở rộng biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt nam là một quyết định phù hợp.
“Tôi nghĩ có hai mặt của vấn đề”, ông Guzman nhận định.
“Một mặt, Việt Nam vẫn phải đảm bảo cho tính cạnh tranh của ngành xuất khẩu, không những chỉ với Trung Quốc mà còn nhiều nước khác”.
“Mặt khác, họ cũng cần đảm bảo niềm tin của thị trường vào VND. Vì vậy, việc nới biên độ thay vì phá giá đồng nội tệ là một phản ứng phù hợp”.
Ông Snowball thì cho rằng động thái này “cho thấy sự tự tin” của phía Việt Nam.
“Họ mở rộng biên độ tỷ giá thay vì phá giá tiền tệ vì cho quyết định phá giá của Trung Quốc sẽ không gây thiệt hại lớn cho Việt Nam”, ông nói.
Trong khi đó, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói “việc nới biên độ tỷ giá +/- 1%, có thể giảm nhưng cũng có thể tăng nếu tình hình thay đổi, là quyết định có tính thị trường hơn là có tính hành chính.”
Tuy nhiên, ông Doanh cũng dẫn một số nghiên cứu cho biết ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể phá giá đồng nhân dân tệ đến 10% trong năm nay.
“So với đồng đôla, đồng yên và đồng euro thì việc đồng nhân dân tệ giảm thêm nữa là điều có thể chấp nhận được”, ông nói.
“Lúc đó phản ứng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thế nào thì sẽ còn là một vấn đề phải xem xét”.
‘Thêm phụ thuộc vào Trung Quốc’
Giới chuyên gia tỏ ra không thống nhất về tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ đối với nền kinh tế Việt Nam.
“Việt Nam là một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Trung Quốc và rất nhiều các nhà máy đã đổi từ Trung Quốc sang Việt Nam”, ông Snowball cho biết.
“Tôi không nghĩ việc hạ giá đồng nhân dân tệ sẽ làm thay đổi điều đó”.
“Việc Việt Nam hạ tỷ giá 1-2% cũng sẽ giúp tăng thu nhập tương ứng từ xuất khẩu, nhờ nhập khẩu vật liệu từ Trung Quốc rẻ hơn”, ông nói.
Ông Guzman thì cho rằng “ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy không có nhiều sự cạnh tranh trực tiếp giữa việt Nam và Trung Quốc, nhất là khi xét đến áp lực về giá lao động tại Trung Quốc”.
“Bất chấp việc phá giá đồng nhân dân tệ, Việt Nam sẽ không phải chịu thêm sự cạnh tranh ở các ngành xuất khẩu giá trị gia tăng thấp như giày dép, hàng may mặc, đồ điện tử, nội thất”, ông nói.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng nếu “đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá thì đó sẽ là một sức ép rất lớn”.
“Nếu giá nhập khẩu Trung Quốc giảm đi thì ngành dệt may của Việt Nam sẽ có lợi ở trước mắt vì chi phí vật liệu thấp hơn”, ông nói.
“Nhưng hàng dệt may của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc hay xuất sang nước thứ ba thì sẽ khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc”.
“Thứ hai là nhập khẩu nhiều hơn nữa của Trung Quốc thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn nữa vào Trung Quốc. Đó là bài toán về kinh tế vĩ mô và an ninh kinh tế mà chúng ta không thể xem thường”.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 12/8, ông Trần Thanh Phong, một chuyên gia chứng khoán trong nước, cũng cảnh báo về tình trạng gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc tại Việt Nam nếu Bắc Kinh tiếp tục phá giá đồng nội tệ.
“Về mặt nhập khẩu, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhập siêu với Trung Quốc, và nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu hơn thì trong tương lai vấn đề nhập siêu sẽ nghiêm trọng hơn nữa,” ông nói.
“12 năm trước Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 15 của họ, tính đến quý 1 năm nay thì Việt Nam đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại,” ông nói.