Trung Quốc đang dùng khái niệm “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử” để thoát khỏi sự ràng buộc của UNCLOS nhằm độc chiếm Biển Đông.
Hoạt động cải tạo đảo phi pháp của Trunq Quốc ở Biển Đông khiến các nước hết sức lo ngại. (Ảnh: AP)
Trung Quốc đang ồ ạt tiến hành việc cải tạo, xây đắp các bãi đá ở Biển Đông. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn quốc tế và luật pháp quốc tế, có thể khẳng định rằng, việc xây dựng trên biển, cho dù với quy mô lớn, sẽ không giúp Trung Quốc củng cố yêu sách chủ quyền.
Lường trước phương án này bị phá sản, Trung Quốc sẵn sàng thực hiện kế hoạch B với tên gọi “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử”. Với kế hoạch này, Trung Quốc muốn loại trừ, thoát ra khỏi sự ràng buộc của Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); thay vào đó là những căn cứ “lịch sử” mơ hồ để độc chiếm Biển Đông.
Nhiều quốc gia ven Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với UNCLOS. Luật biển không cho phép yêu sách vùng biển dựa trên căn cứ “lịch sử” của một quốc gia đè xóa lên những vùng biển được hưởng một cách chính đáng. Nói cách khác, chủ quyền lịch sử cũng … không thể loại trừ UNCLOS.
Những năm gần đây, thay vì căn cứ vào UNCLOS, Trung Quốc thường sử dụng cụm từ “bằng chứng lịch sử” để áp đặt yêu sách độc chiếm Biển Đông của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố, “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Biển Đông và các đảo ở đây”. Có thể nhận thấy ngay, cơ sở pháp lý của tuyên bố này không dựa trên UNCLOS vì chủ quyền của một quốc gia ven biển không được vượt quá giới hạn 12 hải lý.
Năm 2012, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã mời thầu các lô dầu khí nằm đối diện với bờ biển miền Trung của Việt Nam. Trung Quốc ngang ngược tuyên bố, khu vực này nằm trong “vùng nước thuộc quyền tài phán của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Tuy nhiên, một phần của những lô này (BS16, DW 04) nằm ngoài vùng nước 200 hải lý tính từ bất cứ các đảo nào mà Trung Quốc yêu sách. Đây là yêu sách quyền tài phán vượt quá quy định của UNCLOS.
Nội luật của Trung Quốc cũng cho thấy rõ, nước này yêu sách vùng biển không dựa trên UNCLOS. Ví dụ, Luật Bảo vệ Môi trường Biển của nước này có phạm vi áp dụng: “các vùng nước nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của Công hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Đối chiếu với UNCLOS, không rõ khái niệm “các vùng biển khác” còn ám chỉ vùng biển nào nữa ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cụm từ này có thể diễn giải các vùng biển mà Trung Quốc cho rằng mình có quyền lịch sử,vv…
Rõ ràng, bên cạnh việc ra sức nguỵ tạo các căn cứ pháp lý, Trung Quốc còn có cách tiếp cận khác, sử dụng danh nghĩa lịch sử hoặc quyền lịch sử để thiếp lập một hiện trạng mới ở Biển Đông.
Những bằng các công trình nghiên cứu khoa học về vấn đề này, GS. Michael Yahuda, Trường Khoa học Chính trị và Kinh tế London (Anh) khẳng định, không có căn cứ lịch sử nào cho yêu sách của Trung Quốc: “Tôi phát hiện một điều rất thú vị rằng, yêu sách của Trung Quốc dựa trên các chứng cứ lịch sử nhưng khi nghiên cứu kỹ thì sự thật lại là … không có căn cứ lịch sử nào cho yêu sách của nước này ».
Tuy vậy, chúng ta vẫn hãy cùng xem liệu yêu sách vùng nước lịch sử hay quyền lịch sử của Trung Quốc có căn cứ trong luật pháp quốc tế hay không.
Một quốc gia có yêu sách lịch sử phải thông báo cho cộng đồng quốc tế về yêu sách đó để ít nhất các quốc gia khác có cơ hội phủ nhận bất kỳ sự ngầm công nhận mặc nhiên nào đối với yêu sách.
Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra yêu sách rõ ràng về “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử”; gần như không có văn bản pháp luật, tuyên bố hay các phát biểu chính thức nào của nước này trước cộng đồng quốc tế về yêu sách lịch sử đối với phần lớn diện tích Biển Đông.
Ngôn từ “quyền lịch sử” trong Luật Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này, dưới góc độ thuật ngữ pháp lý, là một cụm từ mơ hồ, có mục đích cài cắm. Những từ ngữ này không tự sinh ra một yêu sách. Một số luật và quy định khác của Trung Quốc có đề cập đến “các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của Công hòa Nhân dân Trung Hoa” nhưng cũng không hề có bất cứ giải thích nào về bản chất, cơ sở hay là vị trí địa lý của quyền tài phán đó và các luật đó cũng không cho biết dựa vào đâu khi đề cập đến “yêu sách lịch sử”.
Việc Trung Quốc xuất bản bản đồ “đường lưỡi bò” năm 1947 không phải là thông báo chính thức của một yêu sách biển. Xuất bản bản đồ chỉ ở trong nước bằng tiếng Trung không thể là một thông báo đủ rõ ràng để cộng đồng quốc tế có thể hiểu chính xác về yêu sách đó, kể cả nếu như trước đó, nước này đã từng khẳng định yêu sách.
Hơn nữa, phán quyết trong vụ tranh chấp biên giới giữa Burkina Faso và Mali, Tòa án Quốc tế (ICJ) tuyên bố về sức mạnh pháp lý của bản đồ như sau: “Các bản đồ chỉ có giá trị cung cấp thông tin mà độ chính xác thay đổi theo từng vụ án; bản thân các bản đồ và chỉ riêng sự tồn tại của các bản đồ không thể thiết lập nên danh nghĩa chủ quyền mà phải là một tài liệu có hiệu lực pháp lý theo Luật Quốc tế về việc thiết lập các quyền lãnh thổ. Tất nhiên, trong một số trường hợp, các bản đồ có thể đạt được hiệu lực pháp lý đó nhưng hiệu lực pháp lý đó không phải phát sinh từ chính giá trị bản đồ đó mà bởi các bản đồ đó gắn chặt ý chí của quốc gia hay các quốc gia liên quan. Ví như các bản đồ là phụ lục của một văn bản chính thức, cấu thành một bộ phận không thể tách rời của văn bản đó. Ngoại trừ trường hợp rõ ràng này, bản đồ chỉ là bằng chứng phụ với mức độ tin cậy khác nhau hoặc không đáng tin cậy được sử dụng cùng các bằng chứng gián tiếp khác để thiết lập hay khôi phục lại các sự kiện trên thực tế.”
GS. Erik Franckx, Thành viên Tòa trọng tài thường trực Lahay khẳng định, chỉ riêng bản đồ “đường lưỡi bò” chưa đủ để có thể quyết định quy chế pháp lý của cả Biển Đông và các đảo trong đó: “Bản thân Trung Quốc cho đến giờ vẫn không đưa ra được cách giải thích hợp lý, hợp pháp về yêu sách của mình. Việc đưa ra bản đồ “đường lưỡi bò” chưa đủ để bảo vệ chủ quyền của họ ở Biển Đông, cần phải có rất nhiều yếu tố khác để chứng minh quyền lịch sử”.
Phiên xét xử hồi tháng 7 tại Tòa Trọng tài Thường trực La Haye. (Ảnh: Rappler)
Tuyên bố Lãnh hải năm 1958 của Trung Quốc cũng mẫu thuẫn với quan điểm cho rằng Trung Quốc đã yêu sách “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử” đối với 80% diện tích Biển Đông. Tuyên bố này có đoạn viết, “biển cả” chia tách Trung Quốc đại lục và các đảo ven bờ với “tất cả các đảo khác của Trung Quốc”.
Cụm từ “biển cả” cho thấy rõ, Trung Quốc không xem các vùng nước chung quanh các bãi đá nửa nổi nửa chìm là vùng nước lịch sử. Khái niệm “biển cả” rất khác biệt về quy chế pháp lý so với các vùng biển mà các quốc gia được hưởng và không phải là đối tượng để một quốc gia có thể chiếm hữu hay độc quyền sử dụng. Đây là một nguyên tắc pháp lý đã được xác lập trong nhiều thế kỷ trước Tuyên bố năm 1958 của Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ John McCain của Mỹ cho rằng, tuyên bố Biển Đông thuộc chủ quyền lịch sử của Trung Quốc là không đúng sự thật: “Trung Quốc cho rằng, nước này có chủ quyền ở Biển Đông. Đó là tuyên bố không đúng sự thật. Khu vực này là vùng biển quốc tế.” Yêu sách này cũng không được UNCLOS công nhận!
Có hai điều khoản trong UNCLOS nhắc đến vịnh “lịch sử” (Điều 10) và danh nghĩa “lịch sử” (Điều 15). Nhưng các điều khoản này chỉ được áp dụng đối với các vịnh và các cấu tạo ven biển tương tự khác, không áp dụng cho vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa hay biển cả. Như vậy, UNCLOS chỉ giới hạn yêu sách lịch sử cho vịnh và trong phân định lãnh hải. Rõ ràng, luật biển quốc tế hiện đại không công nhận lịch sử như là một căn cứ cho quyền tài phán.
Yêu sách lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông có thể bao gồm cả các vùng biển cách xa các thực thể mà nước này yêu sách chủ quyền, và vì vậy phải chịu sự ràng buộc của các điều khoản trong UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và có thể là cả vùng biển cả. Bởi vì các điều khoản của UNCLOS liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và biển cả không bao gồm các ngoại lệ về quyền lịch sử, các điều khoản của UNCLOS sẽ có giá trị cao hơn bất cứ tuyên bố yêu sách lịch sử nào trong khu vực này. Theo đó, yêu sách lịch sử cũng không thể xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển hoặc các quyền tự do chung của tất cả các quốc gia.
Trong vụ kiện Vịnh Maine (1984), Viện Giải quyết Tranh chấp của Tòa án Công lý Quốc tế đã chỉ ra rằng, quốc gia ven biển có đặc quyền tài phán đối với hoạt động đánh cá bên trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của quốc gia đó. Đặc quyền này có giá trị cao hơn những quyền hay việc sử dụng biển có từ trước đấy của các quốc gia khác trong vùng biển đó.
Có học giả Trung Quốc cho rằng, “danh nghĩa lịch sử” và “quyền lịch sử” không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS, và do đó tiếp tục được điều chỉnh bằng các quy định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế nói chung. Quan điểm này không phù hợp với luật pháp quốc tế và hoàn toàn sai về tính toàn diện của UNCLOS. UNCLOS đã đặt ra những quy chế pháp lý cho tất cả các bộ phận của đại dương. UNCLOS không cho phép một quốc gia nào viện dẫn “pháp luật quốc tế nói chung” như một căn cứ thay thế để biện hộ cho yêu sách vùng biển trái các quy định cụ thể trong UNCLOS.
Yêu sách của Trung Quốc được đưa ra trước khi có UNCLOS cũng không phải là căn cứ để vi phạm UNCLOS. Việc cho phép quốc gia vi phạm các điều khoản của UNCLOS bằng những yêu sách có từ trước khi quốc gia đó chấp nhận sự ràng buộc của UNCLOS là làm trái và tổn hại đến đối tượng và mục đích của UNCLOS. Một quốc gia yêu sách chủ quyền hơn 200 hải lý đối với lãnh hải vào thập niên 1950 không thể tiếp tục duy trì yêu sách đấy đến ngày nay.
Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác không thể duy trì yêu sách vùng nước lịch sử hoặc các quyền lịch sử đối với các vùng biển quá xa so với bờ biển của họ. UNCLOS không cho phép những loại yêu sách như vậy. Ngoại trừ những câu chữ trong UNCLOS chấp nhận yêu sách lịch sử, như trong Điều 10 và Điều 15, còn lại các điều khoản trong UNCLOS có giá trị cao hơn các yêu sách lịch sử.
TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ, nay là Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao cho biết: “Các nước trong khu vực và quốc tế đều thấy rất phi lý với khái niệm “vùng nước lịch sử” hoặc “quyền lịch sử” mà Trung Quốc lên tiếng, điều này vi phạm một cách trắng trợn các quyền và lợi ích chính đáng của các nước xung quanh Biển Đông và cản trở những hoạt động hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc vẫn cố tình hợp thức hóa nó bằng các hành động của mình thì đó là sự vi phạm trắng trợn và không thể đánh lừa được dư luận”.