Monday, December 23, 2024
Trang chủĐiểm tinViệt Nam đóng tàu cao tốc chở khách

Việt Nam đóng tàu cao tốc chở khách

Các kỹ sư đóng tàu của Việt Nam vừa thiết kế và sản xuất con tàu cao tốc  2 thân có giá trị lên tới triệu đô.

Tàu hai thân cao tốc triệu USD do kỹ sư Việt Nam thiết kế và sản xuất đưa vào chạy thử nghiệm

Ông Trần Song Hải – Tổng giám đốc công ty TNHH Greenline DP (đơn vị đóng tàu), con tàu này được thiết kế có hai thân, dài 16,6m, công suất 1.200 CV.

Tàu có thể chở được 60 hành khách với tốc độ từ 55 – 60 km/h. Con tàu này dự kiến sẽ đưa vào khai thác tuyến TP.HCM tới Vũng Tàu thay thế cho tàu cánh ngầm cũ vào tháng 11 tới.

Theo đơn vị đóng tàu, ưu điểm của tàu là ít lắc, ít tạo sóng nên hành khách ít bị say và ít ảnh hưởng tới các phương tiện qua lại trên sông.

Đây là con tàu được các kỹ sư trong nước thiết kế tuy nhiên vật liệu và máy móc được nhập từ nước ngoài nên giá thành sẽ vào khoảng 1 triệu USD/chiếc. Mức giá này chỉ bằng 1/3 so với nhập khẩu từ Châu Âu.

Đánh giá về sự ra đời của con tàu này, KS đóng tàu Vương Chí Dân, Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho rằng về mặt kỹ thuật các kỹ sư trong nước hoàn toàn có thể thiết kế và chế tạo được.

Theo KS Dân, trước đây Việt Nam từng làm một con tàu hai thân tại Tam Bạc (Hải Phòng) nên đây không phải điều bất ngờ.

KS Hoàng Hùng, Hội KHKT công nghiệp tàu thủy Việt Nam cũng cho rằng việc thiết kế và sản xuất con tàu này không có gì đặc biệt.

Theo ông Hùng từ những năm 1970, Viện Khoa học công nghiệp tàu thủy đã từng thiết kế con tàu 2 thân, thậm chí là 3 thân dài và rộng hơn con tàu này.

“Quan trọng là máy và vật liệu thì từ trước tới nay chúng ta vẫn phải nhập từ nước ngoài. Còn việc thiết kế con tàu thì các kỹ sư trong nước hoàn toàn có thể đảm nhận”, ông Hùng cho biết.

Dù cho rằng không có gì quá đặc biệt, song ông Hùng cũng lưu ý, với con tàu hai thân quan trọng nhất phần kết cấu nối giữa hai thân tàu với nhau.

“Cứ hình dung tàu hai thân là hai con tàu được ghép lại với nhau nên phần kết nối phải đảm bảo đủ sức bền, chịu đựng sóng gió. Bởi với khả năng của sóng biển mà phần kết nối không đảm bảo có thể sẽ bị bẽ gãy đôi thân tàu”, ông Hùng lưu ý.

Ngoài ra ông cũng cho biết, do là hai thân tàu, phần động lực phải sử dụng 2 máy nhưng lại được điều khiển đồng bộ bằng một bộ điều khiển nên cần phải tính toán để đồng vận tốc.

“Vì là tàu hai thân nên thuận lợi là mặt bằng rộng, dễ bố trí trên tàu nhưng nhược điểm là sức chịu đựng sóng gió sẽ kém hơn nên cần hết sức lưu ý”, KS Hùng cho biết.

Tuy nhiên nhìn nhận trên bình diện chung, ông Hùng cho rằng vởi việc Việt Nam chủ động thiết kế và sản xuất được tàu trong nước sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc chủ động phương tiện vận tải vì Việt Nam có tới hơn 17.000 km đường thủy nội địa.

RELATED ARTICLES

Tin mới