Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐiểm tinViệt Nam sẽ đánh thuế xe sang rất cao

Việt Nam sẽ đánh thuế xe sang rất cao

Theo dự thảo, mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi có sự điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt mạnh nhất.

Doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam chủ yếu hoạt động theo hình thức lắp ráp đơn giản, chưa chế tạo được các cụm chi tiết quan trọng như động cơ, hộp số, cụm truyền động.

Với đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo mới nhất về sửa đổi Luật sửa đổi các điều liên quan đến Luật thuế, thuế suất đối với xe ôtô có dung tích lớn sẽ tăng mạnh. Song, đối với các dòng xe có dung tích nhỏ thì giảm đáng kể so với hiện nay.

Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô có công suất 2.0-3.0 dự kiến là 60% và dòng xe có dung tích từ 3.0 trở lên cũng sẽ tăng lên 75%.

Mức thuế này đang được Bộ Tài chính đề xuất có mức tăng 10-15% so với hiện hành, tùy theo dung tích xe.

Đối với xe dưới 9 chỗ ngồi có dung tích 1.0 trở xuống sẽ có mức thuế TTĐB 25% từ ngày 1/7/2016 và từ đầu năm 2018, mức thuế chỉ còn 20%. Như vậy, mức thuế này nếu được áp dụng thì sẽ giảm 20% – 25% so với hiện nay.

Đối với loại xe có dung tích 1.0-1.5, từ ngày 1/7/2016, thuế TTĐB được đề xuất giảm còn 30% , tức giảm 15% so với mức hiện nay. Từ đầu năm 2018, thuế giảm từ 45% xuống còn 25%. Xe có dung tích 1.5 -2.0 lần lượt giảm còn 40% và 30%, theo các mốc thời gian trên.

Bộ Tài chính lý giải, việc đề xuất tăng mạnh thuế suất đối với xe dung tích lớn, tiêu hao nhiều nhiên liệu và giảm mạnh đối với xe phổ thông, sử dụng ít nhiên liệu là đảm bảo phù hợp với thông lệ các nước trong khu vực.

Đa phần các nước đều khuyến khích sử dụng những dòng xe ít tiêu hao nhiên liệu bằng cách áp mức thuế thấp.

Tuy nhiên, báo Tuổi trẻ dẫn thông tin từ Bộ Tài chính cũng cho biết, thuế TTĐB đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có dung tích 2.0 là đang cao hơn mức thuế bình quân của các nước trong nội khối ASEAN là 7%.  Mức thuế của chúng ta là 45% trong khi bình quân của các nước ASEAN chỉ là 38%.

Việc điều chỉnh mức thuế suất nói trên theo nguyên tắc mà Thủ tướng đã chỉ đạo tại cuộc họp về chiến lược ngành ô tô hồi tháng 7/2015. Cụ thể, Bộ sẽ chỉ giảm thuế đối với dòng xe ưu tiên phát triển và áp dụng mức thuế cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3,0 lít. Đây là các loại xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân Việt Nam, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu tổng quát là xây dựng ôtô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô thế giới.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thời gian vừa qua chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô còn chủ yếu hoạt động theo hình thức lắp ráp CKD đơn giản, chưa chế tạo được các cụm chi tiết quan trọng như động cơ, hộp số, cụm truyền động. Cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp ô tô thời gian qua chưa phù hợp, chưa tạo động lực cho phát triển ngành.

RELATED ARTICLES

Tin mới