Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCác công cụ tăng cường sức mạnh biển của TQ (Kỳ 6)

Các công cụ tăng cường sức mạnh biển của TQ (Kỳ 6)

Để thực hiện các mục tiêu biển ngày càng tham vọng, Trung Quốc đã xây dựng nhiều lực lượng khác nhau và sử dụng nhiều loại “vũ khí chiến lược”ít ai ngờ tới.

 

 

    Giàn khoan Hải Dương 981 của CNOOC – được mô tả là “biên giới di động, lãnh thổ di động và là một trong những vũ khí chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến năng lượng dầu khí

Đối với biển gần, Trung Quốc xây dựng nhiều lực lượng khác nhau nhằm thực hiện các mục tiêu biển ngày càng tham vọng. Cái được gọi là lực lượng chấp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông có hải quân, hải giám và ngư chính… Để tranh chấp và áp đặt chủ quyền của mình trên các vùng biển rộng lớn, Trung Quốc đặt mục tiêu tối thiểu một tàu chấp pháp/1.000km2 biển. Trung Quốc có 10 bộ ngành thực hiện quản lý chấp pháp trên biển, trong đó có 5 cơ quan chấp pháp chính trên biển:

Lực lượng thứ nhất là ngư chính – Cơ quan bảo đảm thi hành Luật ngư nghiệp (FLEC), một bộ phận của Cục Quản lý ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, có trách nhiệm tuần tra các ngư trường thuộc Trung Quốc hoặc áp đặt quyền kiểm soát. FLEC có 3 trung tâm chỉ huy và nhiều đơn vị kiểm soát địa phương được thành lập ở các thành phố lớn và các tỉnh ven biển. Số lượng các tàu thuộc biên chế của FLEC không ngừng thay đổi theo hướng tăng lên. Các tàu ngư chính Trung Quốc một phần là tàu chiến hải quân được cải tạo, có cả những tàu lớn, tương đương tàu hộ vệ loại vừa của lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản. Cục Hải dương Quốc gia, vốn được coi là “đơn vị dự bị của hải quân”, ngoài việc được nhận lại quyền sử dụng các tàu hải giám từ hải quân, còn đang tiếp tục được đóng các tàu loại lớn mới.

Lực lượng thứ hai là Cục An toàn hàng hải Trung Quốc (MSA) do Bộ Giao thông Trung Quốc quản lý. MSA chịu trách nhiệm thực thi Luật Biển Trung Quốc, cùng các vấn đề an toàn hàng hải, kiểm soát ô nhiễm, kiểm soát các sông chính của Trung Quốc và bờ biển. MSA có 20 chi nhánh ở các tỉnh ven biển, dọc sông Dương Tử, Châu Giang và Hắc Long Giang. MSA cũng có đội tàu riêng của mình. MSA có lực lượng đông nhất với 20.000 người.

     Tàu cảnh sát biển Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông

Lực lượng thứ ba là Lực lượng Giám sát biển (CMS) thuộc Cục Hải dương Trung Quốc. Các tàu tuần tra thuộc CMS gọi là tàu hải giám, được thành lập năm 1998. Đó là lực lượng chấp pháp tổng hợp trên biển. CMS có 3 đội tàu chính. CMS chịu trách nhiệm giám sát vùng biển gần và khu vực đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. CMS cũng giám sát vấn đề ô nhiễm, hủy hoại về môi trường, khai thác nguồn tài nguyên và thực hiện các cuộc nghiên cứu hải dương học.

Định hướng được đề ra đến năm 2015, CMS sẽ có 15.000 nhân lực, 16 máy bay và 350 tàu tuần tra cỡ lớn.

Giống FLEC, CMS thực hiện việc tuần tra ở các vùng nước tranh chấp như các khu vực ở Biển Đông, do đó vừa xác nhận chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, vừa giữa những tranh chấp ở mức dân sự. Vụ cắt cáp tàu Bình Minh II thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày 26-5-2011 là do một đơn vị của CMS tiến hành.

Lực lượng thứ tư là bảo vệ bờ biển (CCG), còn được gọi là Cảnh sát biển Trung Quốc hay tuần duyên, một lực lượng vũ trang thuộc Bộ An ninh Quốc gia nhưng nhân sự lại lấy từ lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP). CCG được cơ cấu thành khoảng 20 đội tàu, mỗi đội tương đương một trung đoàn của PLA. Tàu của CCG đa số được trang bị vũ khí. Trong một số trường hợp, tàu của của CCG vốn là các tàu khu trục, được lấy từ lực lượng hải quân của Quân giải phóng. Cũng giống như PAP, CCG cũng có vai trò trong thời chiến, hỗ trợ các lực lượng của PLA.

Lực lượng thứ năm là Cơ quan Đại dương Nhà nước (SOA), có từ 6.000 đến 8.000 người.

Mỗi ngày các lực lượng giám sát biển Trung Quốc có nhiều tàu và máy bay tuần tra đều đặn, thi hành nhiệm vụ định kỳ ở toàn bộ vùng biển bao quanh Trung Quốc, phía bắc đến cửa sông Áp Lục, phía nam đến bãi Tăng Mẫu (bãi ngầm James), bao gồm mỏ Tô Nham, đảo Điếu Ngư, đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) và quần đảo Trường Sa. Về thực thi giám sát tàu quân sự nước ngoài đo đạc điều tra ở vùng biển tiếp giáp Trung Quốc, từ năm 2007 đến 2010 lực lượng giám sát biển Trung Quốc đã hơn 100 lần đuổi bám, theo dõi.

Theo Tân Hoa xã, ngày 10-3-2013, Tổng Thư ký Quốc vụ viện Trung Quốc, Mã Khải, cho biết các cơ quan đặc trách việc thực thi luật pháp ở các vùng biển nước này sẽ được đặt dưới một bộ chỉ huy duy nhất. Theo đó, từ nay trở đi, Cục Hải dương Quốc gia có quyền chỉ huy mọi cơ quan giám sát các vùng biển của nước này, kể cả hải quân. Chỉ riêng lực lượng hải quân vẫn trực thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA). Cục Hải dương Quốc gia đặt dưới quyền của Bộ Tài nguyên lãnh thổ, nhưng trách nhiệm giữ gìn trật tự của cơ quan này sẽ được giao cho Bộ Công an Trung Quốc.

Tại một cuộc hội thảo do Viện Hải quân Mỹ tổ chức vào tháng 2-2013, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ khẳng định: “Các loại tàu của lực lượng hải quân Trung Quốc chẳng có nhiệm vụ nào khác ngoài việc uy hiếp các quốc gia láng giềng phải chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”. Bắc Kinh thường xuyên bố trí lực lượng ở các khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền và các lực lượng của Trung Quốc đã hăm dọa tàu thuyền nước khác vào khu vực này. Sử dụng các lực lượng hàng hải dân sự như một công cụ ngoại giao là chiến lược của Trung Quốc nhằm gây sức ép lên các quốc gia nhỏ hơn mà không gây rủi ro xung đột.

Giàn khoan nước sâu “Hải Dương 981” do Trung Quốc chế tạo đã hoạt động chính thức vào ngày 9-5-2012 trên Biển Đông, bắt đầu hoạt động khoan tại vùng biển cách Hồng Kông 320km về phía đông nam, ở độ sâu 1.500m. Giàn khoan 981 cao tương đương một tòa nhà 45 tầng, có thể tác nghiệp ở độ sâu tối đa lên tới 3.050m và khoan sâu 10.000m, vận hành an toàn trong điều kiện bão trên cấp 18. Tuy nhiên, tới thời điểm này, CNOOC chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác dầu khí ở vùng biển sâu, và sẽ cần tới sự trợ giúp của các công ty nước ngoài khi khai thác năng lượng tại Biển Đông. Trung Quốc nỗ lực mua lại các tập đoàn dầu khí Mỹ, Canada để tiếp thu kỹ thuật khai thác dầu tiên tiến của phương Tây.

Trung Quốc tích cực theo đuổi dự án thám hiểm một vùng biển có diện tích rộng đến 3,5 triệu km2, với độ sâu tối đa 5,5km. Sau một số lần lặn thử tại Biển Đông, ngày 15-6-2012, tàu Giao Long thực hiện thành công cú lặn thứ sáu chinh phục độ sâu 7.000m tại rãnh Mariana, rãnh đại dương sâu nhất thế giới, thuộc khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.

Tàu lặn sẽ giúp Trung Quốc điều tra nghiên cứu Biển Đông và các biển bao quanh cũng như phục vụ các hoạt động thăm dò khai thác các vùng biển quốc tế khác, kể cả Bắc Cực và Nam Cực.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới