Tuy quan hệ giữa Nga và Trung Quốc rất nồng ấm những năm gần đây, nhưng những mâu thuẫn về biên giới chưa được giải quyết ổn thoả cùng các vấn đề khác vẫn có thể khiến 2 nước đối đầu quân sự với nhau. Và giả sử nếu có đối đầu, 5 loại vũ khí của Nga sau đây sẽ khiến Trung Quốc phải sợ, theo The National Interest.
Trên bài viết đăng ở The National Interest (Mỹ) ngày 9.8 qua, tác giả Kyle Mizokami cho hay cả Nga và Trung Quốc đều có những thuận lợi và khó khăn nếu tiến hành cuộc chiến. Hai mươi năm qua, Nga đã tham dự vào nhiều cuộc chiến, từ Chechnya, Georgia và nay là Ukraine. Quân đội Nga dù ít huấn luyện và ít được chuẩn bị (?) nhưng vẫn là lực lượng rất mềm dẻo và đầy khả năng. Nga cũng đang nắm giữ thế mạnh về công nghệ so với Trung Quốc, ít nhất là cho đến hiện nay.
Điểm yếu là trang thiết bị và vũ khí của Nga là khá cũ. Nền kinh tế Nga chỉ bằng 1/5 quy mô nền kinh tế Trung Quốc (lớn nhất thế giới). Đa số lực lượng Nga bố trí ở phía tây dãy Urals (phần châu Âu), khi cần thiết tiến về phương đông phải di chuyển bằng đường hàng không và đường sắt.
Về phía Trung Quốc, ưu điểm chính là phần lớn hoạt động của quân đội Trung Quốc sẽ tương đối gần nhà. Quân Trung Quốc đông đảo hơn quân Nga, lại ít đối phó các xung đột nào như Nga hay NATO đang đối mặt.
Tuy nhiên quân đội Trung Quốc chẳng có kinh nghiệm trận mạc nào kể từ sau năm 1979 (cuộc xâm lược biên giới phía bắc Việt Nam). Trình độ tác chiến và cả vũ khí hiện đại được đưa vào sử dụng chỉ là danh nghĩa và mang tính lý thuyết. Và mặc dù vũ khí chiến lược của Trung Quốc ngày càng gia tăng phạm vi khống chế, phần châu Âu của Nga sẽ chủ yếu ở ngoài tầm với của vũ khí tầm xa của Trung Quốc.
Chưa kể Nga hiện sở hữu 5 loại vũ khí mà nếu đưa vào sử dụng trong một cuộc chiến thực sự, phía Trung Quốc phải sợ hãi. Đó là tiêm kích tàng hình PAK FA T-50, tiêm kích Su-35, máy bay ném bom Tu-95, Tu-160, và xe tăng tàng hình Armata.
Tiêm kích tàng hình PAK FA
PAK FA (T-50) là tiêm kích thế hệ 5, có tính năng tàng hình đầu tiên của Nga, do hãng Sukhoi phát triển từ tháng 4.2002. PAK FA sẽ là loại chiến đấu cơ chiếm ưu thế cả trên không lẫn tấn công mặt đất, trang bị radar mảng pha chủ động và thụ động cùng cảm biến quang điện tử phát hiện và định vị mục tiêu. Thiết kế của máy bay này được đánh giá cao về tính khí động học, giảm thiểu việc bị radar phát hiện.
PAK FA không mang vũ khí dưới cánh như tiêm kích thông thường mà mang trong khoang bụng (giống F-22 của Mỹ), với 6 tên lửa đối không hoặc đối đất và các loại bom thông minh. Dự kiến PAK FA sản xuất hàng loạt từ năm 2017 và Không quân Nga đặt mua 400 – 450 chiếc từ 2020 – 2040.
Oanh tạc cơ chiến lược Tu-95 Bear
Tupolev Tu-95 Bear (Con gấu), loại máy bay ném bom dùng động cơ phản lực cánh quạt, chuyên mang tên lửa hành trình tầm xa gắn đầu đạn hạt nhân, và cả tên lửa hành trình tấn công mặt đất thông thường. Tu-95 thường gây nhiều ngạc nhiên khi thường xuyên bay từ căn cứ ở Siberia đến bờ biển California của Mỹ.
Mặc dù đã cũ, Tu-95 vẫn là một loại vũ khí có khả năng thực hiện các cuộc tấn công từ xa bằng tên lửa hành trình đáng sợ. Tu-95 không phải bay đến gần không phận Trung Quốc để phóng đi 8 tên lửa hành trình Kh-101 vào các mục tiêu của Trung Quốc. Kh-101 là loại tên lửa hành trình tàng hình, dẫn đường chính xác và có tầm bắn ước tính khoảng 2.700 km đến 5.000 km.
Cất cánh từ căn cứ Engels ở phần lãnh thổ châu Âu, Tu-95 dễ dàng vượt quãng đường 2.000 km và phóng tên lửa Kh-101 đến mọi nơi ở Trung Quốc, kể cả nơi xa nhất là đảo Hải Nam.
Oanh tạc cơ chiến lược siêu âm Tu-160 Blackjack
Máy bay ném bom hiện đại nhất của Nga, chiếc Tu-160 Blackjack được phát triển vào cuối thời Chiến tranh Lạnh và đang trong quá trình nâng cấp.
Tu-160 có bốn động cơ, cánh cụp cánh xoè là máy bay ném bom có khả năng hoạt động vào ban đêm và mọi điều kiện thời tiết, mang 22 tấn bom và tên lửa ở hai khoang vũ khí.
Trong khi Tu-95 Bear phóng tên lửa hành trình từ khoảng cách ở bên ngoài mạng lưới phòng không của đối phương, chiếc Tu-160 Blackjack được thiết kế để thâm nhập hệ thống phòng thủ của kẻ thù khi bay ở độ cao thấp. Tu-160 cũng được trang bị các tên lửa hành trình tầm xa mới Kh-101.
Viễn cảnh về một loại máy bay ném bom cũ nhưng có thể tấn công từ xa bằng tên lửa hành trình hiện đại là đủ đáng sợ rồi, nay phải tính đến việc đối phó máy bay ném bom hạng nặng lớn nhất thế giới bay qua lãnh thổ, né tránh hệ thống phòng không và tấn công các mục tiêu chính sẽ khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ kỹ.
Tiêm kích Su-35
Có thể xem là cầu nối giữa chiếc Su-27 đã cũ với tiêm kích tàng hình PAK FA, tiêm kích Su-35 là loại máy bay chiến đấu đáng tin cậy. Dựa trên phần thiết kế khung thân Su-27 nhưng trang bị các hệ thống điều khiển và vũ khí hiện đại, Su-35 sẽ là mũi nhọn của Không quân Nga cho đến khi PAK-FA xuất hiện với số lượng đáng kể.
Su-35 là tiêm kích ném bom đa chức năng, vượt trội so các máy bay chiến đấu của Trung Quốc từ hệ thống điện tử, động cơ đẩy và hệ thống vũ khí. Vật liệu hấp thụ sóng radar được sử dụng trong việc chế tạo khung máy bay. Chiếc máy bay này là một kho vũ khí bay, với 14 giá treo gắn các loại vũ khí, thiết bị gây nhiễu, thùng nhiên liệu và cảm biến.
Trung Quốc đang cố gắng đàm phán mua Su-35 của Nga. Và cho đến khi các tiêm kích tàng hình J-20 và J-31 của Trung Quốc được sản xuất, thì tiêm kích có tính năng tương đương với Su-35 sẽ chỉ là… Su-35.
Xe tăng tàng hình Armata
Armata, mẫu xe tăng thế hệ mới của Nga là sự thay thế cho các dòng tăng đã cũ kỹ như T-72 / T-80 / T-90. Armata là mẫu xe tăng với thiết kế hoàn toàn mới, lớn hơn, nặng hơn, chức năng bảo vệ nhiều hơn và trang bị vũ khí tốt hơn.
Nếu xảy ra một cuộc chiến tranh Trung – Nga bao gồm chiến đấu trên mặt đất, xe tăng Armata là đặt cược tốt nhất của Nga để giữ đất và tiến hành phản công nhanh vào Mãn Châu. Armata vượt trội loại tăng Type 99 của Trung Quốc vốn chế tạo dựa trên dòng tăng T-72 của Liên Xô.
Armata có thân dài hơn dòng T-72, các lớp giáp thiết kế dạng modul giúp dễ dàng sửa chữa. Lớp giáp này được chế tạo đặc biệt để khiến xe tăng Armata trở nên vô hình trước radar của xe tăng và tên lửa chống tăng của đối phương.
Vũ khí chính của Armata bao gồm một khẩu pháo 125 mm, một súng máy 12,7 mm điều khiển từ xa và súng máy đồng trục 7,62 mm.
Armata thực ra là tên gọi của một nền tảng xe chiến đấu để từ đó sản sinh ra các loại xe khác, như xe tăng (Armata), xe thiết giáp hạng nặng T-15 dùng để vận chuyển binh lính băng qua chiến trường đầy vũ khí chống tăng…